Mặc dù từ đầu năm 2013 đến nay, các hãng sữa đã thi nhau thay đổi tên gọi từ sữa bột thành thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng… cho đúng với Quy định của Bộ Y tế nhưng qua khảo sát của PV, trong quá trình quảng cáo, tư vấn, nhân viên của các hãng sữa vẫn gọi là sữa bột chứ không phải là thực phẩm bổ sung.

Sữa bột hay thực phẩm bổ sung thì cũng vậy!

“Sữa này tốt lắm, nhiều chất dinh dưỡng, con em mà uống vào là tăng cân vù vù. Ở đây bán sữa này chạy lắm…” – Nhân viên tư vấn tại đại lý sữa trên đường Tây Sơn cầm một hộp Friso Gold 2 nhiệt tình giới thiệu.

Khi khách hàng thắc mắc mâu thuẫn vỏ hộp ghi là thực phẩm bổ sung mà quảng cáo là sữa, nhân viên giải thích: “Thực phẩm bổ sung hay sữa thì cũng vậy thôi. Chẳng qua bây giờ người ta cải tiến hộp rồi đổi tên đi cho nó khác, chứ quan trọng gì em. Thành phần dinh dưỡng của nó vẫn vậy. Mà mọi người vẫn gọi là sữa chứ ai gọi là thực phẩm bổ sung.”


"Sữa bột hay thực phẩm bổ sung thì cũng vậy thôi" - Nhân viên bán hàng tại đại lý sữa phố Tây Sơn cho biết

Không chỉ riêng gì nhân viên tại đại lý sữa trên phố Tây Sơn, tại các đại lý sữa trên đường Bạch Mai, cả bà chủ lẫn nhân viên đều luôn miệng quảng cáo “sữa bột siêu tốt”, “sữa bột uy tín”, “sữa bột giàu chất dinh dưỡng” trong khi trên bao bì đề rõ: thức ăn công thức dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng…

Các đại lý sữa trên đường Bạch Mai, cả bà chủ lẫn nhân viên đều luôn mồm quảng cáo “sữa bột uy tín



Khi PV hỏi tại sao lại gọi là sữa trong khi bao bì của Abbott lại ghi là thức ăn công thức dinh dưỡng thì bà Phương, chủ một đại lý sữa trên đường Bạch Mai cho biết.cho biết: “Như nhau cả thôi em. Mà hãng sữa người ta cũng có bắt phải gọi là sữa hay thức ăn công thức đâu. Mà sữa hay thức ăn thì có gì khác nhau mà quan trọng cái tên gọi. Quan trọng là tốt hay không thôi…”

Tư vấn các hãng sữa trái luật quảng cáo?

Các đại lý bán lẻ nhầm lẫn giữa hai khái niệm sữa bột và thực phẩm bổ sung đã đành, nhưng ngay cả nhân viên tư vấn - những người trực thuộc hãng sữa và được đào tạo chuyên nghiệp cũng đánh tráo hai khái niệm này…

“Nếu bé nhà chị đang ở độ tuổi 6 tháng thì chị có thể cho bé sử dụng sữa Friso Gold 2. Dòng sản phẩm Gold là dòng cao cấp, rất giàu dinh dưỡng. Khi đổi sữa cho bé, chị có thể thay đổi từ từ. Ban đầu vẫn cho bé uống sữa cũ nhưng đan xen cho bé uống thêm sữa Friso để bé làm quen dần dần và tránh tình trạng tiêu chảy…” – Nhân viên chăm sóc khách hàng qua đường dây nóng của hãng Friso tư vấn cho PV Đất Việt.

“Bé đang ở giai đoạn từ 0 – 6 tháng thì chị phải cho bé sử dụng sữa Enfamil A+2. Do để thống nhất trên toàn cầu nên Mead Johnson mới đổi tên từ sữa Enfakid, Enfagrow thành sữa Enfamil và hiện đã bán rộng rãi trên thị trường nên chị có thể tìm mua sữa Enfamil cho con mình sử dụng…” – Nhân viên chăm sóc khách hàng của Mead Johnson cho biết.

Còn riêng đối với hãng sữa Abbott, khi PV Đất Việt thắc mắc tại sao trước đây sản phẩm của Abbott có tên là sữa bột, giờ lại chuyển thành thức ăn công thức dinh dưỡng thì nhận được câu trả lời từ nhân viên chăm sóc khách hàng như sau: “Đây chỉ là một cách thay đổi tên gọi cho phù hợp với các quy định của Bộ Y tế, chứ thực chất vẫn giống như trước đây, thành phần không có gì thay đổi chị ạ, nên chị có thể yên tâm mà tiếp tục sử dụng…”

Trang web cũng quảng cáo là... sữa bột

Không chỉ nhân viên bán hàng, nhân viên tư vấn, mà ngay cả trên webside của các hãng sữa cũng ghi sữa bột chứ không phải là thực phẩm bổ sung.

Trên trang web của Mead Johnson vẫn quảng cáo các sản phẩm là sữa bột

Trong khi đó trên bao bì sản phẩm ghi rõ là sản phẩm dinh dưỡng

Tương tự, trên trang web của Friso cũng quảng cáo là sữa bột


Dối trá khiến trẻ suy dinh dưỡng vì thiếu chất

Ông Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, gọi là thực phẩm bổ sung nghĩa là bổ sung thêm vitamin, muối khoáng…, có tiêu chuẩn riêng. Còn đã gọi là sữa dành cho trẻ nhỏ thì có tiêu chuẩn riêng về hàm lượng đạm, chất béo… Đã công bố sản phẩm là “thức ăn bổ sung” thì phải ghi nhãn là thức ăn bổ sung, sao lại thành “sữa” chung chung.

Như thế là lừa dối người tiêu dùng, mà dù có ghi là thức ăn bổ sung thì cũng không đúng, vì đã gọi là thức ăn bổ sung là ăn thêm, ăn dặm và chỉ dành cho trẻ từ 6 tháng trở lên.”

Còn GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết:

“Thực phẩm bổ sung và thực phẩm chức năng chỉ là những thứ bổ sung, không thể thay thế hoàn toàn cho sữa được. Sữa là thực phẩm tương đối đầy đủ chất đạm – chất cần thiết để cung cấp cho cơ thể (cũng như nhiều chất khác), trong khi đó thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung chỉ có một hàm lượng nhất định, không đầy đủ như sữa.

Nếu nhầm lẫn dẫn đến cho trẻ ăn nhiều thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm bổ sung thay cho sữa lâu ngày có thể khiến cơ thể của trẻ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng vì thiếu chất. Thực phẩm chức năng và thực phẩm bổ sung không cung cấp đầy đủ các chất để đáp ứng cho nhu cầu hấp thụ và phát triển toàn diện cơ thể của trẻ nhỏ”.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, hiện đang có những trục trặc nhất định giữa việc quy định giá sữa và chất lượng sữa. Đang có chuyện nhập nhèm giữa thực phẩm bổ sung và sản phẩm sữa.

“Trước đây có những sản phẩm được cho là thực phẩm bổ sung, nay lại gọi là sữa nên người tiêu dùng cũng không biết đâu mà lần”, ông Thỏa nói.

Mặc dù trong quy định có yêu cầu nhà sản xuất phân phối có trách nhiệm phải ghi đầy đủ nhãn mác để tránh gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu nhập nhèm được để có lợi thì chắc doanh nghiệp không dại gì mà không làm.

(Theo Đất Việt)