Con số lỗ, lãi của các doanh nghiệp bất động sản năm 2012 vẫn là một “ẩn số” song theo GS. Đặng Hùng Võ, các doanh nghiệp đa số là lãi ít, chứ không lỗ, còn “kêu toáng” lên là để được cứu.

Cứ báo lãi là… đính chính!

Hồi cuối tháng 1/2013, một tờ báo điện tử có đăng tải báo cáo của Bộ Xây dựng về kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản thuộc Bộ trong năm 2012.

Theo đó, tính đến 31/12/2012, tổng số doanh nghiệp ngành xây dựng đang hoạt động là 52.746 doanh nghiệp (năm 2011 là 42.197); tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong xây dựng là 15.925 doanh nghiệp (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2011); bất động sản là 1.103 doanh nghiệp (giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2011).

Tuy nhiên, tổng số doanh nghiệp ngành xây dựng kinh doanh có lãi vẫn khá cao, đạt 42.197 doanh nghiệp (năm 2011 là 33.362 doanh nghiệp), chiếm hơn 80% số doanh nghiệp hiện đang hoạt động. Số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ là 15.296 doanh nghiệp (năm 2011 là 14.998 doanh nghiệp).

Ngay sau đó, trong một thông báo chính thức phát đi từ bộ Xây dựng, người phát ngôn Bộ, ông Đỗ Đức Duy đã bác bỏ thông tin “năm 2012, 80% doanh nghiệp bất động sản có lãi”.

Giả vờ kêu lỗ để được giải cứu.

Ông Duy giải thích trên báo chí: “Nếu như năm 2010 có 9.451/48.753 doanh nghiệp thua lỗ (chiếm 19,4%), thì đến năm 2011 có 14.998/48.733 doanh nghiệp thua lỗ (30,8%) và năm 2012 có 17.000/55.870 doanh nghiệp thua lỗ (30,4%).

Hơn nữa, đây là số liệu do các doanh nghiệp báo cáo, chưa qua kiểm toán nên chưa thể phản ánh hết thực trạng thua lỗ thực tế của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng.

Đó là chưa kể đến 2.637 doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc giải thể trong năm... điều đó cho thấy khó khăn chồng chất của các doanh nghiệp ngành xây dựng”.

Ông Duy cũng nhấn mạnh thêm: “Lãnh đạo bộ Xây dựng chưa bao giờ khẳng định con số 80% doanh nghiệp bất động sản báo lãi như một số tờ báo đưa tin”.

Tuy nhiên, báo Sài Gòn Giải phóng mới đây trên cơ sở phân tích kết quả kinh doanh trong năm 2012 của các doanh nghiệp bất động sản và liên quan đến bất động sản đang niêm yết trên sàn chứng khoán lại đưa ra những minh chứng ngược lại với công văn đính chính của Bộ Xây dựng là “trên 80% doanh nghiệp có lãi!”.

Kế đó là REE, lãi ròng 657 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch đề ra của năm, riêng lĩnh vực cho thuê bất động sản đã đem về doanh thu 121 tỷ đồng.

Tiếp theo là HAG, lợi nhuận sau thuế 351 tỷ đồng, không chỉ đơn thuần từ bất động sản - theo giải trình của ông Nguyễn Văn Sự, Tổng giám đốc HAG - mà còn có khoáng sản, đặc biệt là nguồn thu từ mủ cao su “trong quý 4-2012 đã bán được 46 tỷ đồng”…

Thực tế các doanh nghiệp bất động sản, nhất là ở phía Bắc vẫn có lãi vì họ huy động vốn chủ yếu là mua bán nhà trên giấy. Chính vì thế, lỗ vào vốn của họ, họ không phải chịu.

Mặc dù chỉ lãi 3 tỷ đồng, nhưng là nỗ lực đáng ghi nhận của Quốc Cường Gia Lai (mã: QCG) khi năm trước lỗ tới 44, tỷ đồng! Doanh thu tăng nhờ công ty xây dựng xong và tiến hành bàn giao căn hộ, đất nền tại hàng loạt dự án như Giai Việt, The Mansion, Trung Nghĩa, 13E Phong Phú Bình Chánh…

Cũng ngay sau khi con số lãi này được công bố, Quốc Cường Gia Lai lại vội vã lên báo “đính chính” về con số lãi cao gấp 3 lần với con số công bố.

Cụ thể, do kế toán có "nhầm lẫn" trong báo cáo tài chính gửi HOSE, lợi nhuận sau thuế năm 2012 của Quốc Cường Gia Lai đã được điều chỉnh từ mức 3 tỷ đồng lên gần 10 tỷ đồng.

Nguyên nhân đính chính, theo giải trình của Quốc Cường Gia Lai, do thời gian công bố báo cáo tài chính quý IV năm 2012 trùng với thời gian nghỉ tết âm lịch nên để kịp công bố kết quả kinh doanh cho nhà đầu tư, kế toán phải làm gấp và đã nhầm số liệu doanh thu và lợi nhuận của công ty con thành số liệu hợp nhất.

Như vậy, Bộ Xây dựng thì đính chính con số 80% doanh nghiệp bất động sản có lãi là không đúng, trong khi kết quả kinh doanh trên sàn chứng khoán lại cho con số ngược lại. Thậm chí có những doanh nghiệp còn phải đính chính vì số lãi thực tế cao hơn đã báo cáo.

Kêu là để được cứu

Theo GS. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường thẳng thắn nói: “Thực tế các doanh nghiệp bất động sản, nhất là ở phía Bắc vẫn có lãi vì họ huy động vốn chủ yếu là mua bán nhà trên giấy. Chính vì thế, lỗ vào vốn của họ, họ không phải chịu. Họ chỉ cần bỏ ra một khoản nhất định để có được dự án. Còn bán được nhà thì họ xây, không bán được thì để đấy”.

Cũng theo ông Võ, các doanh nghiệp lỗ chỉ là các doanh nghiệp nhỏ, chủ yếu là huy động vốn để góp vốn với doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp chủ dự án. Tức là các doanh nghiệp “trên không chằng, dưới không rễ” , tồn tại nhờ việc đi bám vào doanh nghiệp lớn để có lãi. Vốn thì của mình hoặc vốn đi vay, huy động của những nơi khác nữa.

Thực tế các doanh nghiệp bất động sản hiện nay không được lãi nhiều chứ không phải lỗ. Họ cứ kêu toáng lên là để được cứu

Hoặc là những doanh nghiệp đi vay ngân hàng để làm dự án thì sẽ chịu áp lực lớn và có thể lỗ. “Thực tế các doanh nghiệp bất động sản hiện nay không được lãi nhiều chứ không phải lỗ. Họ cứ kêu toáng lên là để được cứu”, ông Võ nhấn mạnh.

Còn theo Luật sư Bùi Quang Hưng, những doanh nghiệp bất động sản lỗ chỉ là các doanh nghiệp năng lực tài chính yếu, bán dự án này rồi lấy vốn đi đầu tư dự án khác, trong khi dự án cũ không xây, dự án mới thì không bán được để thu hồi vốn.

Thứ hai là các doanh nghiệp mới làm dự án đầu tiên, mới xin cấp dự án mà chưa bán được hàng hoặc bán được ít, không có khả năng thực hiện được nữa. Tiền thực hiện dự án là tiền đi vay ngân hàng.

Theo ông Hưng, vấn đề có thị trường hiện nay là các sản phẩm vẫn chưa đáp ứng được với nhu cầu của người dân do nhu cầu mua nhà thì nhiều, nhưng những người có khả năng mua nhà thì không nhiều. Và những người này chỉ mua các dự án từ vành đai 3 trở lại.

Còn đa số người có nhu cầu khác thì rất khó mua nhà được vì giá bất động sản vẫn cao so với thu nhập của các đối tượng này.

“Các chính sách đưa ra không giải quyết được câu chuyện của thị trường. Nhà nước không thể đổ tiền để thổi bong bóng bất động sản lên được”, LS Hưng cho biết.

(Theo VTC)