Ngày nay, dịch vụ gọi hồn được mở rộng nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của nhiều người.
Chuyện gọi hồn, áp vong thường chỉ phục vụ những gia đình, dòng tộc có nhu cầu tìm mộ hay giải quyết các thủ tục âm phần. Song ngày nay, dịch vụ gọi hồn được mở rộng nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của nhiều người. Có người vì thương nhớ người quá cố, khó chấp nhận được việc mất người thân nên có mong ước được “gặp lại” dù có thể là “hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Song chuyện nhờ người âm lãnh đạo doanh nghiệp là điều… xưa nay hiếm.
Câu chuyện tôi kể dưới đây không nhằm truyền bá mê tín dị đoan, mà nói lên một thực trạng: càng giàu có, quyền cao chức trọng lại càng mê tín.
Nghỉ lễ, cô tôi – giáo viên một trường tiểu học miền núi ở Sơn La về quê ở Hải Dương chơi. Sau khi chở cô đi thăm người bà thím ở xóm bên, bà gợi chuyện khiến cô nhớ về người mẹ đã mất của mình. “Giờ muốn gặp chỉ nước nước đi 'gọi' thôi”, bà gợi ý.
Một buổi lễ gọi hồn. |
Được giới thiệu sát quốc lộ 183, xã Quốc Tuấn (thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) có một cô đồng mới nổi, chúng tôi vội vã lên đường. Đến nơi vào tầm trưa, cô đồng cho biết thời điểm "chính ngọ" (12 giờ trưa) rất khó gặp được các “vong”. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiên nhẫn đợi.
Sau khi đọc danh sách, đầu cô đồng quay bốn phương tám hướng, một giọng điệu điềm tĩnh quay lại người đàn ông ngoài 50 tuổi. Tôi đoán “vong” người nhà ông này. Quả không sai. Người đàn ông này gọi “vong” bằng “chị” xưng “em”.
Qua câu chuyện, tôi biết người đàn ông này là chủ một doanh nghiệp bên thành phố Hải Dương. Mục đích ông gặp “chị gái” là để hỏi han chuyện làm ăn kinh doanh, tính khả thi của các dự án tương lai,... Ông đặc biệt quan tâm đến cách thức làm việc của từng nhân viên và hỏi “chị” nên giữ và cho “out” ai.
Ông còn có một cuốn sổ tay, ghi chép tỉ mỉ những điều “chị” nói vào đó. Ông liên tiếp đặt ra những câu hỏi tương đối hóc búa, khiến “chị gái” chưa kịp định thần với một phong thái đĩnh đạc của người làm chủ.
Những câu hỏi như “Có đứa nào mâu thuẫn với em không?”, “Có đứa nào phá em không”, “nên “trừ” đứa nào” liên tục được đưa ra. Ông còn dặn dò chị gái “năng về quán xuyến công việc giúp”,… Có vẻ như người đàn ông này đã tận dụng tối đa cơ hội gặp gỡ và số tiền mà ông đã đặt cho cô đồng. Cuộc nói chuyện dễ đến 45 phút khiến những người ngồi chờ mệt mỏi pha chút khó chịu. Sau khi tạm thỏa mãn với cuộc đối thoại với “chị gái”, ông này mới hỏi "người âm" "thiếu thứ gì để ông gửi xuống".
Vong bà tôi không về nên chúng tôi đành trở về và hẹn hôm khác đến. Tôi không rõ gọi hồn thật giả thế nào, nhưng nếu là thật đi nữa thì việc làm này chỉ làm phiền người quá cố mà thôi. Nếu những linh hồn kia tồn tại, thì cách người thân hỏi chuyện như "hỏi cung" cũng đủ tội nghiệp rồi. Thiết nghĩ những linh hồn cần được an nghỉ, cần có thế giới của riêng mình.
Khi tôi mang câu chuyện này đi chia sẻ, chị Mai Thanh, một người theo đạo Phật bày tỏ quan điểm: “Có một thực trạng là càng giàu có, càng quyền cao chức trọng, càng mê tín. Tôi cũng có quan điểm hãy để cho các linh hồn an nghỉ. Tôi không hiểu ông giám đốc lãnh đạo công ty hay lãnh đạo bà chị đã khuất!?”
(Theo Cafe F)