Việc “mở cửa bầu trời” và cạnh tranh hàng không đã mang lại không khí kinh doanh sôi động, chưa bao giờ hành khách lại được hưởng lợi nhiều như hiện nay.
Ai hưởng lợi?
Cuối năm, các hãng hàng không lần lượt công bố thông tin kinh doanh cho thấy kết quả không được khả quan như trông đợi, gần đây AirMekong tuyên bố tạm ngừng bay để tái cơ cấu. Điều này cũng dễ hiểu và được lý giải là do điều kiện kinh tế khó khăn, cạnh tranh trên thị trường ngày càng căng thẳng. Trong khi đó, bản thân các hãng hàng không cũng tồn tại nhiều vấn đề về hiệu quả kinh doanh thấp, mới tái cơ cấu lại hay mới gia nhập thị trường… nên chuyện lỗ lãi, khó khăn là khó tránh trong 2012 và thậm chí cả 2013.
Tuy nhiên, việc “mở cửa bầu trời” và cạnh tranh hàng không đã mang lại một không khi kinh doanh đầy sôi động và chưa bao giờ người đi máy bay lại được hưởng lợi nhiều như hiện nay.
Cả 2012, các chương trình bay giá rẻ, khuyến mãi liên tiếp được các hãng hàng không đưa ra để thu hút khách… đã đưa cơ hội đi máy bay đến với rất nhiều người khi giá vé đi máy bay cao hơn vé tàu hỏa chẳng là bao khi khách hàng có thể được hưởng nhiều ưu đãi với giá vé giảm 30 – 50% đã trở nên quá bình thường. Thậm chí, những chương trình khuyến mãi theo kiểu vé 0 đồng hay 10 ngàn bay xuyên Việt đã thực sự tạo nên cơn sốt trên thị trường.
Hàng không tư nhân luôn tung chiêu khuyến mại và diễn trò phục vụ hành khách |
Sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không đã khiến cho người tiêu dùng được hưởng lợi lớn nhất. Giấc mơ giá rẻ hơn cho mọi người được bay nhiều hơn chưa bao giờ đến gần với nhiều người như hiện nay.
Nhìn nhận từ thực tế này, một chuyên gia cạnh tranh nhận định, sự phá vỡ độc quyền và tạo ra thị tường cạnh tranh đã mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển của hàng không. Tình huống của hàng không khiến cho vị chuyên gia này liên hệ tới sự cạnh tranh trên thị trường viễn thông mà nhất là điện thoại di động cách đây gần 10 năm. Câu chuyện của viễn thông vẫn được các chuyên gia và các tổ chức tư vấn quốc tế xem là một điển hình của cạnh tranh hoàn hảo khi đã biến một dịch vụ đắt đỏ thành bình dân, phổ cập rộng rãi. Giờ đây đi lại bằng máy bay vẫn còn là ước mơ của nhiều người dân Việt Nam.
Sự cạnh tranh này không chỉ tạo ra lợi ích cho người tiêu dùng mà cũng đang tạo ra sự phấn khích kinh doanh ngay trong các doanh nghiệp.
Mấy tháng trước, một hàng hàng không cổ phần liên doanh sau khi đổi đội máy bay đã cho biết, con đường của tất cả các hàng không giá rẻ là tạo ra sản phẩm rẻ nhất và do đó bán được giá thấp nhất có thể, từ đó tạo động lực vào phân khúc thị trường mà sức mua chưa được đầy đủ, như hình đáy của tháp mà đáy là lớn nhất. Vì thế, dù đang thua lỗ và đầu tư thêm nhiều cho đội bay và dịch vụ nhưng lãnh đạo hãng hàng không này cho biết lỗ vẫn tiếp tục làm.
Thậm chí, lãnh đạo hãng ngày còn tỏ ra tự hào khi cho rằng đã góp phần mang cơ hội bay đến với mọi người, Ông kể, chuyện một người nông dân đang làm ruộng, nhận điện thoại từ hãng hàng không là có thể cầm làn cói lên máy bay đi chơi là điều đã trở nên bình thường khi hàng không giá rẻ mang cơ hội bay đến với mọi người.
Trong khi đó, một hãng hàng không tư nhân khác cũng đang có dự định tăng thêm máy bay, mở thêm đường bay khi đã nhận thấy hướng đi đúng của mình trên thị trường hàng không giá rẻ. Nhất là khi họ đã có đươc một thị phần đáng kể và khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường hàng không.
Cạnh tranh để phát triển
Sự phát triển và cạnh tranh của các hãng hàng không giờ có thêm hãng tư nhân lại rơi vào thời điểm sức mua của thị trường nội địa suy giảm đã khiến cho sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Tất cả các hãng hàng không đều đang đối mặt với sức ép rất lớn. Ngay cả hãng lớn nhất thị trường là VNA cũng đang đối mặt với nhiều thách thức khi 2012 không đạt chỉ tiêu tăng trưởng trên thị trường nội địa sau nhiều năm phát triển tốt.
Có phải vì thế mà mới đây đã xuất hiện thông tin về việc Vietnam Airlines (VNA), hãng đang cùng công ty thành viên JPA chiếm đến 85% thị phần kiến nghị Bộ GTVT có chính sách điều tiết tải cung ứng (số lượng máy bay của các hãng) cho toàn thị trường nội địa để tránh cạnh tranh không lành mạnh, lãng phí nguồn lực ?
Thậm chí, đã có một số cảnh báo về việc nếu để các hãng hàng không mới tăng thêm tàu bay, cung tải vào thi trường nội địa trong điều kiện thị trường khó khăn sẽ dễ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, kéo theo nhiều rủi ro.
Hàng trăm người chen nhau trên cầu thang để chờ lấy số thứ tự mua vé
tàu ngày tết. Đi lại bằng máy bay vẫn còn là ước mơ của nhiều người dân
Việt Nam. |
Tuy nhiên, trước các thông tin này, chuyên gia về cạnh tranh cho rằng, thị trường hàng không luôn tiềm ẩn yếu tố vi phạm luật cạnh tranh do có doanh nghiệp ở vị trí thống lĩnh thị trường. Việc khuyến mãi giảm giá vé của các hãng hiện nay nhìn chung vẫn đúng luật. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy là không lành mạnh.
Trong khi đó, các chuyên gia từ Cục hàng không Việt Nam đã rất nhiều lần khẳng định, một trong những mục tiêu Nhà nước đặt ra khi phát triển hàng không tư nhân là tạo sự cạnh tranh cho thị trường. Thực tế cạnh tranh gần đây cho thấy những thay đổi trên thị trường hàng không.
Thực tế cho thấy, các hãng tư nhân mới tăng được thị phần sẽ có tác động tích cực làm giảm dần vị thế độc quyền trr thị trường hàng không. Việc đầu tư phát triển của mỗi hãng hàng không đều có những chiến lược riêng. Nếu là hãng tư nhân là do nhà đầu tư quyết định, còn đối với đơn vị quốc doanh thì do các cơ quan chức năng quyết định. Tuy nhiên, có một điểm chung là để đảm bảo hiệu quả, thì chính mỗi hãng phải tính toán và chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của mình.
Nếu thấy khó khăn, các hãng phải chủ động lùi thời hạn nhận máy bay, cắt giảm chuyến để tiết giảm tải và cắt giảm chi phí chứ không chờ đợi sự can thiệp hành chính từ cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, nếu một doanh nghiệp nào đó có chiến lược và kế hoạch rõ ràng và chuẩn bị đủ các điều kiện thì họ hoàn toàn có thể tiếp tục đầu tư theo kế hoạch của mình.
Khảo sát mới đây của Hiệp hội Vận tải hàng không (IATA) công bố, bất chấp sự suy giảm tăng trưởng ở Trung Quốc và Ấn Độ, các hãng hàng không ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt mức lợi nhuận 2 tỷ USD trong năm nay, trong đó nhiều hãng hàng không giá rẻ mới đang tăng trưởng với tốc độ nhanh.
Bên cạnh đó, thị trường hàng không tại Việt Nam vẫn rất giàu tiềm năng với dân số gần 90 triệu người và đa số còn trẻ nhưng sản lượng vận chuyển hành khách cả năm 2012 mới đạt 12 triệu lượt khách, duy nhất VNA có lãi khoảng 3 triệu USD. Trong khi đó, cũng trong năm 2012, ngành hàng không Malaysia vận chuyển gần 40 triệu khách trong khi nước bạn chỉ có chưa đầy 25 triệu dân, lợi nhuận của riêng Air Asia Malaysia đã lên tới 374 triệu USD.
Tuy nhiên, cái giá cuối cùng là người tiêu dùng được lợi và sự cạnh tranh để thúc đẩy thị trường phát triển. Đó là điều tất cả đều mong muốn. Vì thế, cũng không nên vì những lo ngại như trên mà làm chậm tiến trình giảm bớt độc quyền, mở cửa thi trường hàng không, tạo cơ hội bay giá rẻ thêm cho nhiều người để người tiêu dùng, ngành du lịch và xã hội cùng được lợi.
Minh Linh