Tình trạng lập lờ, ăn gian trọng lượng hàng đông lạnh đã diễn ra khá nhiều nhưng chưa được các cơ quan quản lý quan tâm đúng mức.


Cuối tháng 2, ông T. N. H, ở đường Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp – TPHCM, đến siêu thị V. ở Gò Vấp mua 1 bịch mực đông lạnh 500 g. Về nhà, sau khi rã đông, ông ngạc nhiên phát hiện trọng lượng của số mực trong bịch chỉ còn chưa tới 200 g. Phải nhiều lần đi lại khiếu nại, ông H. mới được siêu thị giải quyết bằng cách hoàn lại số tiền đã mua. “Bịch mực tôi mua giá 90.000 đồng, rã đông xong chỉ còn chưa tới 200 g thì quá đắt. Hơn nữa, sản phẩm sau khi rã đông mà hao hụt đến hơn phân nửa trọng lượng, rất vô lý” - ông H. bức xúc khi phản ánh đến Báo Người Lao Động.

Gian lận... hợp pháp

Trao đổi với chúng tôi, các doanh nghiệp (DN) sản xuất thủy hải sản đông lạnh cho biết nguyên nhân là ông H. đã mua phải sản phẩm được mạ băng quá cao. Sản phẩm càng kém tươi thì sau khi mạ băng, tỉ lệ hao hụt càng cao. Trong kỹ thuật chế biến thủy hải sản, sản phẩm được mạ băng để kéo dài thời gian bảo quản. Tỉ lệ mạ băng theo đúng quy trình bảo quản chỉ khoảng 5% - 10% (trọng lượng sản phẩm sẽ tăng thêm 5% - 10% sau khi mạ băng).

Tuy nhiên, do các quy định về đóng gói cũng như tỉ lệ mạ băng cụ thể chưa có cho từng mặt hàng thủy hải sản đông lạnh nên nhiều DN đã lợi dụng mạ băng nhiều lần và lập lờ cách ghi trọng lượng để hưởng lợi nhuận từ chênh lệch trọng lượng. Nếu muốn, nhà sản xuất có thể mạ băng đến 25% - 30%.

Hiện tượng này đã xảy ra nhiều năm nay nhưng chưa được cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng quan tâm. Một số DN còn lạm dụng các chất phụ gia giữ nước để làm tăng trọng lượng thủy hải sản trước khi sơ chế bán cho người tiêu dùng.

Trong trường hợp này, nhiều khả năng sản phẩm bán rẻ hơn mặt bằng chung là sản phẩm chất lượng kém hoặc ăn gian trọng lượng. Do quy định không bắt buộc nhà sản xuất ghi rõ khối lượng tịnh sau khi rã đông trên bao bì nên một số DN lợi dụng mạ băng nhiều để hưởng lợi nhiều.


Có thể khiếu nại

Theo các siêu thị trên địa bàn TPHCM, không riêng sản phẩm đông lạnh mà cả hàng công nghệ, thực phẩm đóng hộp… nhà sản xuất cũng không thống nhất ở cách ghi nhãn. Có nhà sản xuất chỉ ghi trọng lượng/khối lượng tịnh, có nhà sản xuất vừa ghi trọng lượng/khối lượng tịnh và trọng lượng/khối lượng chung. Với cách ghi nhãn không thống nhất này, nhà sản xuất “có ý đồ” rất dễ trục lợi.

Theo luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, ít có người tiêu dùng hiểu rằng bao bì sản phẩm ghi chung chung là trọng lượng hoặc khối lượng nghĩa là tính luôn bao bì và trọng lượng gia tăng do đông đá; ghi trọng lượng tịnh là trọng lượng sau khi trừ bao bì và các khoản hao hụt. Đa số người tiêu dùng không có thói quen cân lại sản phẩm đông lạnh sau khi rã đông nên nếu nghi ngờ, có thể cân lại và khiếu nại nếu phát hiện sai trọng lượng công bố.

Theo các DN thủy hải sản, không chỉ hàng đông lạnh bán ở thị trường nội địa gặp các vấn đề về trọng lượng, chất lượng mà cả hàng xuất khẩu cũng gặp tình trạng này. Trước những cảnh báo và nguy cơ mất thị trường xuất khẩu vì những bê bối trong chất lượng, việc xây dựng và ban hành các quy định về kiểm soát chất lượng hàng đông lạnh xuất khẩu và tiêu dùng nội địa là cần thiết

(Theo Người lao động)