Đó là những khu phủ lộng lẫy, nguy nga được xây dựng trên diện tích đất rộng lớn với chi phí lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.

Biệt phủ hàng trăm tỷ ở Bắc Ninh

Đó là biệt phủ hoành tráng của đại gia Nguyễn Thành Bút, ở Kinh Bắc. Ông sở hữu khối tài sản khủng được cho là lên đến cả trăm tỷ đồng.

Ngôi nhà sàn khổng lồ trong biệt phủ của ông Bút

Một góc biệt phủ nhiều tỷ đồng.

Biệt phủ được xây dựng trên diện tích rộng vài héc ta ở xã An Bình, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Ngay đầu biệt phủ, giáp mặt đường liên xã, là ngôi nhà sàn cực lớn với 24 cột gỗ lim, đế đá, một người ôm không xuể. Toàn bộ ngôi nhà sàn làm bằng gỗ quý, ước tính giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng. Theo nhiều người dân trong làng, để xây xong ngôi nhà sàn này, thợ mộc nổi tiếng khắp tỉnh phải tập trung làm gần 5 năm mới xong.

Cạnh ngôi nhà sàn, ngay đầu con đường riêng dẫn vào trung tâm biệt phủ lại là một ngôi nhà sàn nữa. Ngôi nhà này sử dụng cả sàn dưới lẫn sàn trên, như ngôi nhà gỗ hai tầng. Tầng trên để ở, còn tầng dưới kinh doanh đủ thứ bánh kẹo, thuốc nước... .  

Việt phủ của họa sĩ Thành Chương

Việt Phủ Thành Chương nằm ở xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Không ai có thể biết rằng, toàn bộ diện tích 10.000 mét vuông trước khi của Việt Phủ chỉ là đồi trọc, đất cằn.

Ý tưởng ban đầu của họa sỹ Thành Chương là tạo dựng không gian văn hóa, nghệ thuật, tâm linh thuần Việt dành riêng cho cá nhân và gia đình, thế nhưng, sự hấp dẫn của một mô hình bảo tàng ngoài trời đã thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến đây mỗi năm.

Thành công của họa sỹ Thành Chương là đã tái hiện được một không gian rất Việt, từ nhà sàn, nhà Tường Vân, rồi nhà tranh vách đất, hồ sen, hồ sung, cùng những hàng cây cổ thụ rợp bóng. Tại mỗi điểm dừng chân, du khách được chiêm ngưỡng bộ sưu tập cổ vật độc đáo, quý giá và những tác phẩm sơn mài của gia chủ - một họa sĩ hàng đầu của hội họa dân gian hiện đại Việt Nam đương đại.

Tại đây, du khách còn được thưởng thức những màn trình diễn nghệ thuật dân tộc và thưởng thức ẩm thực với thực đơn đa dạng. Mỗi người có thể chọn cho mình đồ ăn, thức uống với nhiều món ăn rất Việt: nem, bún riêu, bánh đa, bánh đúc…

Kể từ khi hoàn thành vào năm 2003 đến cuối năm 2007, Việt Phủ Thành Chương đã mở cửa miễn phí cho tất cả mọi du khách vào tham quan, tìm hiểu. Thành Chương coi biệt phủ của mình là trung tâm lưu giữ các giá trị tinh thần và những gì cổ xưa nhất.

"Biệt phủ Thành Chương" là tên nhà văn Kim Lân và nhiều bạn bè đặt cho khu nhà vườn của con trai mình, hoạ sĩ Thành Chương, cách Hà Nội chừng 30 km ở Sóc Sơn.

Ngay từ cổng vào phủ đã làm bạn gợi nhớ đến chiếc cổng làng Việt có từ hàng trăm năm trước với vòm cổng và các đường nét uốn lượn, hai bên có đôi lân chầu.

Một ngôi nhà bằng gỗ lim cổ theo kiểu truyền thống 5 gian, đặc trưng của người nông dân ở đồng bằng Bắc Bộ với những nét chạm trổ công phu và trang trí cầu kỳ: hai bên cửa là hàng câu đối sơn son thiếp vàng cùng những hoành phi câu đối.

Bất cứ ai đã từng đặt chân đến biệt phủ của Thành Chương đều cảm nhận được vẻ thanh bình, dân dã và những giây phút thư giãn hiếm có, điều khó có thể tìm thấy ở chốn đô thị bụi bặm và ồn ã.

Biệt phủ hoành tráng ở Hải Dương

Biệt phủ nằm ở làng Vũ Xá, xã Ái Quốc, TP Hải Dương, có tên gọi là "Phủ Mẫu The" - gắn với tên người phụ nữ tên The đã bỏ tiền ra xây phủ từ nhiều năm nay.

Khu phủ thờ rộng cả ngàn mét vuông, trong đó xây dựng 3 tòa tháp cao ngất trời, mà đứng ở quốc lộ 5 (cách khu thờ cả cây số), cũng nhìn thấy ngọn tháp. 





Chủ nhân của khu phủ là bà Đoàn Thị The, năm nay gần 60 tuổi, đã tự bỏ tiền xây cất toàn bộ khu phủ. Bà còn bỏ tiền túi để mua lại hàng mẫu ruộng của bà con dân làng để mở rộng khu phủ của mình. Cả cơ ngơi này, ước tính cũng phải lên tới trăm tỷ đồng.

(Theo Kiến thức)