Khu nhà của gia đình ông Giáo có thể xem là lớn nhất ở xã Yên Phú bởi nó trải rộng trên hơn 2.500m².


Cấu trúc, lối sống trong sinh hoạt gia đình đang có nhiều thay đổi, trong đó mô hình gia đình đa thế hệ có xu hướng thu hẹp dần. Nhưng có một gia đình bốn thế hệ cùng chung sống hạnh phúc, hòa thuận dưới một mái nhà. Toàn bộ số tiền thu được từ nguồn làm nông nghiệp, làm mộc, kinh doanh,… của tất cả các thành viên trong gia đình đều được rót về một túi và họ ăn chung một nồi. Đó là cuộc sống của đại gia đình ông Nguyễn Văn Giáo (75 tuổi) ở xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên).

Khu nhà của gia đình ông Giáo có thể xem là lớn nhất ở xã Yên Phú bởi nó trải rộng trên hơn 2.500m². Nhìn từ xa, 5 ngôi biệt thự giống y chang nhau trên cùng một mảnh đất trông khá đồ sộ. Nếu không để ý dễ khiến người khác lầm tưởng đấy là một khu chung cư hay một khu biệt thự nhà vườn mọc giữa làng quê.

Một gia đình "hiếm có"

Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan ngôi nhà, anh Nguyễn Văn Thầm - con trai thứ 3 của ông Nguyễn Văn Giáo vừa bảo: "Toàn bộ 5 ngôi nhà này được gia đình xây dựng từ năm 2006, đến năm 2009 thì hoàn thành. Thiết kế ngôi nhà là do tôi, nhưng bố tôi lại là người lo quán xuyến. Giữa các ngôi nhà không có bất cứ một cái gờ nào vì bố tôi muốn thể hiện sự đoàn kết của gia đình bởi chỉ cần xây một hàng gạch ngăn cách giữa các ngôi nhà thôi cũng cho thấy sự xa cách anh em. Nhiều người cũng bảo sao không để cho anh con trưởng ở đầu mà lại ở giữa. Đây cũng là ngụ ý của bố tôi. Điều đó có ý là anh trai ở giữa, bốn đứa em ở hai bên như cánh tay ôm lấy bao bọc, che chở".

Tham quan ngôi nhà, điều làm chúng tôi thật sự ấn tượng chính là thiết kế y hệt nhau của 5 ngôi biệt thự từ trong nhà cho đến gian bếp. Khoảng sân rộng trưng một "rừng" cây cảnh đủ loại. Trong khuôn viên thoáng đãng và gọn gàng ấy, cả gia đình 4 thế hệ mỗi lúc rảnh rỗi lại quây quần bên nhau trò chuyện, chia sẻ tình cảm.

Năm ngôi biệt thự của 5 người con ông Giáo (ảnh nhỏ) được thiết kế y hệt nhau.

Hai vợ chồng ông bà Giáo ở cùng vợ chồng người con cả. Ở tuổi 75 nhưng ông Giáo vẫn rất nhanh nhẹn, giọng nói trầm ấm, dứt khoát. Nhẩm tính ông Giáo bảo: "Vợ chồng tôi giờ có cả một gia tài lớn, 7 người con (5 trai, 1 gái và một anh con nuôi). Tôi cũng có 13 cháu nội ngoại và 3 chắt".

Có lẽ điều đặc biệt nhất của gia đình ông Giáo chính là cách sinh hoạt. Tất cả các thành viên đều làm việc chung trong một công ty mộc do gia đình thành lập - Công ty sản xuất và kinh doanh Thành Đạt và làm nông nghiệp. Nhắc tới sinh hoạt của gia đình, ông Giáo cười bảo: "Chắc hiếm có gia đình nào sinh hoạt như gia đình tôi. Chúng tôi có một xưởng mộc, một cửa hàng bán quần áo đồ dùng thể thao, vài sào ruộng và mới đây gia đình cũng mở thêm một cửa hàng bán vật liệu xây dựng… Mọi người đều có phần việc riêng phù hợp với bản thân, ngày ngày đi cấy cày, làm mộc, bán hàng nhưng không chấm công và không lĩnh lương tháng. Toàn bộ số tiền thu được từ những nguồn này đều rót về một túi, thuộc sở hữu chung. Tiền được để ở két do tôi quản lý".

Ông Giáo chỉ chi tiền vào những công to việc lớn như làm nhà cho anh em, con cháu, đầu tư sản xuất kinh doanh. Còn hàng tháng tiền chung từ "công ty" chi thêm cho mỗi gia đình vài triệu để lo chuyện chợ búa, bếp núc, quần áo, học hành... theo nguyên tắc đảm bảo sự công bằng.

Ông Giáo tại gian thờ của đại gia đình.

Ăn cùng một mâm

Mặc dù cuộc sống có nhiều thay đổi, những gia đình có 3 - 4 thế hệ cùng chung sống ít dần đi. Nhiều người trẻ thích tách ra ăn riêng, ở riêng nhưng ở gia đình ông Giáo thì những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống Việt Nam vẫn được gìn giữ. Các thành viên của bốn thế hệ đều ăn cơm chung. Khi được hỏi về vấn đề này, anh Thầm tâm sự: "Gia đình chúng tôi giữ nề nếp này từ rất lâu rồi, xuất phát từ mong ước của các cụ, lúc nào cũng muốn anh em, con cháu sum họp, quây quần. Chính điều này đã làm cho bố mẹ tôi thêm vui khỏe mà sống lâu…".

Hằng ngày, cứ đến chiều tối là các con, cháu chắt lại về nhà tụ tập ở bếp ăn tập thể để dùng bữa. Đồ ăn đã được chuẩn bị sẵn, ai đến trước ăn trước, ai đến sau ăn sau. "Chi tiêu chung hết bao nhiêu, thiếu bao nhiêu thì công ty bù. Mới đây, vì các cháu mỗi đứa ăn học một nơi nên công ty cung cấp gạo cho tất cả gia đình để nấu nướng cho kịp giờ học các cháu. Dù vậy cứ cuối tuần, ngày Rằm, ngày mùng một là con cháu lại tụ tập đông đủ ăn uống theo truyền thống. Hàng tháng cấp thêm mỗi gia đình 2 - 3 triệu chi tiêu vặt, có việc gì cần thì báo trước", ông Giáo chia sẻ.

Chúng tôi băn khoăn về chuyện ai sẽ là người quán xuyến chuyện ăn uống của đại gia đình, ông Giáo bảo: "Mọi việc nội trợ là do bà nhà tôi cùng các con dâu quán xuyến, hỗ trợ nhau. Ban ngày mọi người làm việc bên xưởng mộc và đi làm ruộng. Tầm 9 - 10 giờ, một số người được phân công về khu nhà bếp nấu nướng, các cháu nhỏ phụ các mẹ nhặt rau, vo gạo... 11 giờ 30, từng tốp, từng tốp người đi làm về rồi bước vào nhà ăn xếp thành hàng dài. Buổi chiều công việc cũng sắp xếp tuần tự như thế, mỗi người mỗi việc".

Hiện bốn anh em đều làm ở công ty gia đình, chỉ có anh trai cả làm trong quân đội. Mọi người đều rất bận với công việc nhưng khi về đến gia đình thì ai nấy đều tự giác tham gia việc nhà khiến cho đại gia đình lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười nói. "Dù quanh nhà không có một bảng trực nhật nào nhưng chiều về cứ mỗi người một việc. Nếu anh chị nấu cơm thì em rửa bát. Cho tới giờ, cứ tự giác nhìn nhau thế, mọi chuyện của gia đình vẫn ổn. Vì được thừa hưởng nề nếp, gia phong của gia đình nên anh em sống đoàn kết, cư xử đúng mực, hòa thuận trong tình nghĩa anh em", ông Giáo kể. 

(Theo GiadinhNet)