- Hàng chục năm nay, Việt Nam vẫn tranh cãi về những ngành công nghiệp
mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên. Thời gian cứ trôi đi và cả chục năm qua
chẳng có ngành nào phát triển thành mũi nhọn.
Công nghiệp ôtô vỡ trận
Ngành công nghiệp điện tử chực chờ phá sản
Công nghiệp mỹ phẩm 'phất' trong khủng hoảng
Chưa biết chọn ngành nào
Mục tiêu của Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 là cơ bản trở thành nước công nghiệp. Muốn trở thành nước công nghiệp thì phải lựa chọn một số ngành công nghiệp quan trọng ưu tiên phát triển để làm động lực thúc đẩy kéo các ngành khác phát triển theo.
Chỉ còn 7 năm nữa là tới thời điểm 2020, vậy nhưng Việt Nam vẫn đang loay hoay đi tìm ngành công nghiệp ưu tiên.
Bộ Công thương đang xây dựng Bản Chiến lược triển phát Công nghiệp đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 dự kiến một danh sách 6 ngành công nghiệp ưu tiên.
Các ngành gồm: Điện tử ( sản xuất linh kiện điện tử, viễn thông), Cơ khí luyện kim ( đóng tàu, máy nông nghiệp, CN ô tô, thép chế tạo), Dệt may, Năng lượng ( thăm dò khai thác dầu khí xa bờ, khai thác than đồng bằng sông Hồng, thiết bị tiết kiệm năng lượng), Hóa chất ( lọc hóa dầu, nhựa), Chế biến nông lâm sản thực phẩm.
Theo ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp, Bộ Công thương, cơ quan soạn thảo Bản chiến lược thì quá trình lựa chọn rất khó khăn bởi ngành nào cũng cho là mình quan trọng và cũng yêu cầu được ưu tiên. Chính vì vậy mà tranh cãi rất nhiều.
Một cơ quan khác là Tổ công tác về sáng kiến chiến lược Công nghiệp hóa hợp tác song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản mới đây cũng đã đề xuất một danh sách 5 ngành công nghiệp được ưu tiên gồm: Điện tử, Chế biến thực phẩm, Máy nông nghiệp, Đóng tàu, Tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Như vậy hiện có tới 2 cơ quan đang xây dựng và lựa chọn những ngành công nghiệp ưu tiên và trong số này có một số ngành trùng hợp, nhưng cũng có một số ngành không trùng hợp với nhau. Những lựa chọn này sẽ trình lên Chính phủ phê duyệt.
Các ý kiến cho rằng thời gian không còn nhiều mà đến nay Việt Nam vẫn loay hoay mãi về việc lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên, không hiểu rồi sẽ phát triển như thế nào?
Đại sứ Nhật Bản, ông Yasuaki Tanizaki cho rằng muốn phát triển công nghiệp thì phải lựa chọn được một số ngành ưu tiên. Cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có được sự lựa chọn rõ ràng. Từ 2 năm trước chúng tôi đã đề đạt nguyện vọng này với Việt Nam nhưng lựa chọn rất khó khăn.
Ông Tanizaki nói, cần lưu ý rằng đến 2015 Hiệp định AFTA có hiệu lực và đến 2018 các sẽ dỡ bỏ hàng rào thuế quan, khi đó DN sẽ tự do hơn về biên giới, về giao dịch kinh tế, họ sẽ cân nhắc xem tìm nơi đầu tư có môi trường thuận lợi để đầu tư và xuất khẩu vào Việt Nam chứ không chọn Việt Nam làm nơi sản xuất. Việt Nam đang đứng trước thách lớn, ông Yasuaki Tanizaki nói.
Giáo sư Kennichi Ohno, người đã từng gắn bó gần 20 năm với Việt Nam trong việc phát triển chính sách công nghiệp và cũng là thành viên của Tổ công tác về sáng kiến chiến lược Công nghiệp hóa hợp tác song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản, cho rằng từ nay đến 2020 và 2030 công nghiệp Việt Nam cần phải làm gì, vẫn chưa rõ ràng, vẫn đang là chủ trương và đang thảo luận.
Nói về lựa chọn những ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, Giáo sư Kenichi cho biết, tôi nhớ có lẽ từ năm 1995 Việt Nam đã tranh cãi về vấn đề này, nhưng đến nay vẫn tiếp tục tranh cãi.
Tranh cãi nhiều hơn thực thi
Trên thực tế, năm 2007 (ngày 23/4/2007) Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 55/2007/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007-2010, tầm nhìn đến năm 2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển chứ không chỉ có tranh cãi.
Theo đó Việt Nam có 7 ngành công nghiệp ưu tiên gồm Dệt may (sợi, vải, lụa, quần áo xuất khẩu, nguyên phụ liệu), Da giầy (giầy dép xuất khẩu, nguyên phụ liệu),Nhựa (nhựa gia dụng, bao bì, chai lọ, ống... nhựa kỹ thuật), Chế biến nông, lâm, thủy hải sản, Thép (phôi thép, thép đặc chủng), Khai thác, chế biến bauxít nhôm, Hóa chất (hóa chất cơ bản, phân bón, hóa dầu, hóa dược, hóa mỹ phẩm). Và 3 ngành công nghiệp mũi nhọn gồm: Cơ khí chế tạo (ô tô, đóng tàu, thiết bị toàn bộ, máy nông nghiệp, cơ điện tử), Thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin, Sản phẩm từ công nghệ mới (năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghiệp phần mềm, nội dung số).
Nhưng đến nay nhìn nhận lại thì chỉ có ngành Dệt may là phát triển tương đối mạnh còn các ngành khác được cho là thất bại và chúng ta đang phải làm lại từ khâu tranh cãi.
Công nghiệp ưu tiên chưa xác định được thì những vấn đề quan trọng hơn đó là đề ra các chính sách và thực hiện nó như thế nào để thành công, không biết đến bao giờ mới có được? Chìa khóa để có thể phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn thành công chính là ở việc xây dựng và thực thi các chính sách chứ không phải chỉ lựa chọn là xong.
Theo ông Kennichi Ohno, muốn có chính sách hiệu quả thì trước hết người lãnh đạo phải có tầm nhìn sâu rộng và đưa ra thông điệp một cách cụ thể, như phát triển các ngành công nghiệp như thế nào, theo hướng nào để cấp dưới có thể hiện thực hóa ý tưởng đó. Sau đó là thương lượng và đồng thuận, tức là phải có sự đóng góp ý kiến của tất cả các đối tượng liên quan nhất là các DN. Sau khi đã đồng thuận thì xây dựng thành văn bản và phải trao thực quyền cho những người chịu trách nhiệm thi hành. Hiện nay tất cả những khâu này tại Việt Nam đều rất yếu.
Ngoài ra Việt Nam còn phải đối mặt với 2 thách thức nữa là hạ tầng các ngành công nghiệp và nguồn nhân lực yếu kém. Đây là những vấn đề lớn cần tập trung nhiều nguồn lực và thực hiện sớm để vượt qua nhưng trong thời gian người ta lại tập trung nhiều cho tranh cãi chứ không phải cho hành động.
Trần Thủy