Quốc gia nhỏ bé với các ngân hàng khổng lồ đang đứng trước nguy cơ không nhận được khoản cứu trợ 10 tỷ euro do gặp phải sự phản đối dữ dội từ dư luận về việc đánh thuế tiền gửi ngân hàng. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với quốc gia này.
Trong cuộc bỏ phiếu đêm 19/3, quốc hội Síp đã bác bỏ kế hoạch đánh thuế tiền gửi tiết kiệm (36 đại biểu phản đối, 19 đại biểu bỏ phiếu trắng và không có đại biểu nào đồng tình) đang tạo nên làn sóng phẫn nộ của công chúng và đẩy các ngân hàng rơi vào bờ vực sụp đổ.
Các ngân hàng của đảo Síp sẽ vẫn phải tiếp tục đóng cửa do quốc hội Síp đã bãi bỏ việc đánh thuế tiền gửi ngân hàng. Vậy chính phủ có những lựa chọn nào để thay thế.
Chính phủ vẫn có thể sửa đổi quyết định bãi bỏ đánh thuế và thay vào đó là chỉ bảo vệ các khoản tiền gửi dưới 100.000 euro nhưng vẫn đánh thuế các khoản tiền gửi trên 100.000 euro với mức thuế hơn 9.9%. Nhưng nếu như vậy sẽ khiến cho người gửi tiền nước ngoài, chủ yếu là người Nga đồng loạt rút tiền mặt. Vậy nên kế hoạch này sẽ không khả thi bởi sẽ vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phía quốc hội cũng như dân chúng.
Ngoài ra, chính phủ Síp dự kiến thuyết phục Nga cho gia hạn các khoản vay cũ và thực hiện một số khoản vay mới. Việc Nga đồng ý cho CH Síp gia hạn thanh toán trong tình trạng hiện giờ có ý nghĩa rất lớn đối với Síp.
“Nếu như Nga chấp thuận gia hạn thanh toán, Síp sẽ có thêm nhiều thời gian và điều kiện để trả nợ, đồng thời sẽ giúp các khoản nợ trở nên bền vững hơn", ông Andreas Charalambous, giám đốc bộ tài chính Síp cho biết.
Các nhà phân tích cho rằng, Nga sẽ rất khó đồng ý với đề xuất này vì hiện giờ Nga đang rất bất bình với kế hoạch đánh thuế tiền gửi của Síp bởi các doanh nghiệp nước này đang lưu giữ một khoản tiền lớn tại các ngân hàng CH Síp. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch này của Síp và gọi đây là một quyết định "nguy hiểm và thiếu công bằng".
Trong bối cảnh người dân không thể rút tiền do các ngân hàng đóng cửa, Chính phủ Anh gửi khẩn cấp 1 triệu đô tiền mặt đến Síp bằng máy bay quân sự để hỗ trợ khẩn cấp cho binh sĩ Anh và gia đình đang vướng phải tình trạng hỗn loạn ở Síp. Chính phủ Anh cho biết quyết tâm làm mọi điều điều có thể để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng Síp với người Anh.
Trước đó, ông George Osborne - Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh -cho biết chính phủ sẽ hoàn trả cho binh sĩ Anh và nhân viên chính phủ đang làm việc Síp bất cứ loại thuế tiền gửi tiết kiệm nào phải nộp. Bộ Quốc phòng nước này cũng quyết định sẽ chi trả lương tháng ba và các tháng sau cho các binh sĩ Anh đang làm nhiệm vụ tại Síp vào tài khoản của các ngân hàng Anh, chứ không phải qua tài khoản của các ngân hàng Síp.
Đức, một quốc gia luôn khắt khe đối với gói cứu trợ dành cho Síp, tỏ ra thất vọng vì quyết định hủy kế hoạch đánh thuế tiền tiết kiệm của quốc hội Síp và cảnh báo quốc gia nhỏ bé này đang lựa chọn một phương án quá dễ dàng.
Mặc dù ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) thì tuyên bố vẫn tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng Síp đang gặp khó khăn nhưng theo các chuyên gia, quyết định của quốc hội Síp có thể khiến thỏa thuận cứu trợ với eurozone đổ vỡ, cũng như khiến các đối tác châu Âu nổi giận và khiến khủng hoảng sẽ tiếp tục lan rộng.
Nhị Anh (tổng hợp)