Tạo trang cá nhân giả Jennifer Phạm quảng cáo thuốc tăng kích thước, săn chắc vòng ngực; lên Facebook giả diễn viên Midu bán quần áo... là cách thu hút khách hàng của các chủ shop online.

Việc các nhóm hay cá nhân tạo Fanpage giả của người nổi tiếng diễn ra khá phổ biến. Một số trang giả mạo này còn được lập ra với mục đích dựa vào tên tuổi sao để kinh doanh.

Tìm kiếm tên Jennifer Phạm (hoa hậu Châu Á tại Mỹ năm 2006) trên Facebook, người dùng Internet sẽ thấy hàng loạt trang cá nhân có hình ảnh đại diện của cô. Vào thử một trang có hình ảnh Jennifer Phạm tươi cười tạo dáng bên hoa, nhiều người bị sốc khi dòng chia sẻ đầu tiên đập vào mắt họ là dòng quảng cáo: viên uống, thuốc làm tăng kích thước, làm săn chắc vòng một cùng một đường link với các thông tin chi tiết về sản phẩm này. Ngoài ra không có nhiều thông tin riêng về hoa hậu.


Hotgirl Midu cũng rơi vào trường hợp tương tự. Với tên được đăng ký Đặng Thị Mỹ Dung - sinh viên, nhưng hình ảnh đại diện của trang Fanpage lại là hình và tên gọi của diễn viên - hotgirl đình đám.

"Trang của Đặng Thị Mỹ Dung trên Facebook không phải của mình", Midu khẳng định. Trang này có hàng trăm người theo dõi và hàng nghìn lượt like, trong đó nhiều người thi nhau post các shop bán quần áo, cửa hàng thời trang đủ loại và kèm theo là hình ảnh, hoạt động dày đặc của Midu.

"Facebook giả ảnh hưởng rất nhiều đến mình, nhiều người cứ tưởng mình kinh doanh bán quần áo. Trước đây, có trang đến 70.000 người theo dõi, mình buộc phải lên tiếng, nhờ xóa giùm", Midu bức xúc.

"Quảng cáo trên mạng xã hội thường không tốn nhiều tiền, thậm chí còn không mất tiền, những thương hiệu lớn vẫn làm quảng cáo trên đây. Họ dựa vào lượng người theo dõi, quan tâm đến sản phẩm, đo hiệu quả rồi lên chiến lược hẳn hoi", ông Nguyễn Xuân Nhật Huy, một chuyên gia trong lĩnh vực marketing nhận xét.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Kim Tước, đại diện Facebook tại Việt Nam cho biết có nhiều sao Việt liên hệ với ông để phản ánh những sự việc tương tự. "Nếu người phản ánh cung cấp cho tôi đầy đủ các chi tiết về trang Facebook thật của mình thì chúng tôi sẽ xử lý những trang giả mạo ngay", ông Tước nói.

Tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook cũng ghi rõ, mọi người kết nối bằng tên và danh tính thật. Facebook yêu cầu không được công bố thông tin cá nhân của người khác mà không có sự chấp thuận của họ. Tuyên bố là người khác, tạo hiện diện giả cho một tổ chức hoặc tạo nhiều tài khoản là phá hoại cộng đồng và vi phạm điều khoản.

"Chúng tôi cũng yêu cầu tôn trọng các thành viên của chúng tôi bằng cách không liên hệ với họ vì mục đích thương mại mà không có sự chấp thuận của người đó", mạng xã hội này nêu rõ.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM khẳng định, trang trên Facebook được xem như trang cá nhân, làm trang giả mạo là vi phạm pháp luật. "Nếu như ngôi sao có hợp đồng quảng cáo làm gương mặt đại diện cho một sản phẩm nào đó thì các trang giả mạo sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến hợp đồng của sản phẩm trên", ông Hậu phân tích.

Theo ông Hậu, người hay tổ chức làm các trang cá nhân giả mạo để quảng cáo sản phẩm còn vi phạm quyền tác giả, sở hữu trí tuệ và quyền liên quan... Vi phạm này có thể bị xử phạt từ 10 đến 90 triệu đồng nếu không xác định được giá trị hàng hóa vi phạm, còn nếu xác định được thì mức xử phạt - bồi thường có thể lên đến 500 triệu đồng tùy giá trị hàng hóa.

"Hiện nay, người bị hại rất ngại tố cáo, nếu có đơn tố cáo, các cơ quan chức năng xử lý ngay. Người làm giả phải xin lỗi công khai, bồi thường và gỡ bỏ trang giả mạo đó, thậm chí còn bị kiện ra tòa", ông Hậu nói.

(Theo Kienthuc)