Sau khi một vài ngân hàng nhỏ phát đi tín hiệu giảm lãi suất, đồng loạt nhiều ngân hàng giảm lãi suất theo.

Từ 20/3, lãi suất huy động của ngân hàng này giảm 0,5%/năm ở các kỳ hạn 1, 2 và 3 tháng. Cụ thể, ở kỳ hạn từ 1-3 tháng, lãi suất huy động giảm còn 7,5%/năm, từ mức kịch trần 8%/năm trước đó.  Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng cho biết, từ 14/3, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến 6 tháng với hình thức lĩnh lãi cuối kỳ của ngân hàng này giảm xuống ở mức 7,8%/năm. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng thực hiện giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 tháng đến 11 tháng ở mức 7,92%/năm.

Trước động thái này, nhiều ngân hàng khác trong đó có cả các NH quốc doanh lớn cũng cho biết sẽ thực hiện hạ lãi suất. Rất có thể một làn sóng hạ lãi suất sẽ diễn ra trong đầu tuần tới.


Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, từ sau Tết cổ truyền đến nay, mặc dù lãi suất không tăng nhưng lượng vốn huy động qua các tuần trong tháng liên tục tăng. “Khi có trần lãi suất 8%/năm đối với các khoản tiền gửi dưới 12 tháng cứ tưởng vốn huy động sẽ giảm, khách hàng cũ có thể rút tiền ra đầu tư vào vàng, chứng khoán… nhưng tiền vẫn vào ngân hàng đều đặn khiến NH phải giảm lãi suất.

Thực tế tăng trưởng huy động vốn vượt xa so với tín dụng đã diễn ra từ năm 2012. Thậm chí trong hai tháng đầu năm 2013 mặc dù tín dụng tăng trưởng âm 0,16%, song huy động vốn vẫn tăng trưởng khá tốt. Huy động vốn liên tục tăng cao khiến thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục được cải thiện tích cực.

Biểu hiện rõ nhất lãi suất liên ngân hàng thời gian qua luôn ở mức thấp, chủ yếu nghiêng về chiều gửi, không quá nặng về vay như trước năm 2012.

Theo số liệu của NHNN, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng trong tuần đầu tháng 3/2013 dao động quanh mức 3-9%/năm; kỳ hạn 1 và 6 tháng (tuần từ 4-8/3) giảm lần lượt 0,1%, 0,38% đưa lãi suất 6 tháng về mức 6,91%/năm (6/3). Các ngân hàng chỉ còn vay lẫn nhau ở các kỳ hạn dưới 3 tháng, nhất là kỳ hạn tuần, theo đó lãi suất kỳ hạn một tuần, hai tuần, 2 tháng, 3 tháng tăng nhẹ mức 0,60%.

Thanh khoản dồi dào khiến các ngân hàng mạnh tay mua vào trái phiếu Chính phủ. Bởi vậy việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động cũng là điều dễ hiểu. Lãi suất huy động vốn bằng tiền đồng được các ngân hàng tự động giảm xuống so với mức trần cho phép còn thể hiện rõ ở các ngân hàng đã cơ cấu lại nguồn vốn giữa tỷ lệ cho vay và huy động.

Các chuyên gia tài chính,, khi nguồn vốn trong ngân hàng được đảm bảo, các ngân hàng mới có thể giải quyết những khó khăn và ổn định thanh khoản, theo đó hoạt động cho vay sẽ tiếp tục được kích hoạt. Điều quan trọng nhất trong thời gian tới là nhu cầu vay vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, lãi suất huy động tự động giảm ắt lãi vay sẽ giảm theo.

Việc các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động được coi là bước đệm để tiến tới giảm lãi suất cho vay.

Minh Linh