Ngân hàng huy động vốn và cho vay theo quy định lẫn quy luật cung - cầu khiến thị trường lãi suất hết sức phức tạp

Hôm qua (26-3), các ngân hàng (NH) thương mại đồng loạt áp dụng trần lãi suất mới. Theo đó, lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn ngắn không quá 7,5%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất thả nổi; còn lãi suất cho vay đối với các đối tượng ưu tiên không quá 11%/năm... Tại nhiều NH, lãi suất đã phân hóa mạnh.
Lại vượt trần

Sáng 26-3, chúng tôi đến một NH vừa hợp nhất với 2 NH khác để tìm hiểu lãi gửi tiết kiệm. Nhân viên NH này thông báo lãi suất kỳ hạn 1 đến 9 tháng là 7,5%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên 11,5%/năm.

Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn gửi tiền kỳ hạn 3 tháng nhưng lãi suất phải cao hơn mức trần (7,5%), ban đầu, nhân viên NH từ chối nhưng sau đó dè dặt thăm dò lượng tiền khách hàng muốn gửi. Khi biết số tiền gửi là 400 triệu đồng, lập tức người này thông báo rằng ngoài lãi suất sẽ có khuyến mãi, rồi bấm máy tính cầm tay đưa ra con số 10%. “Khuyến mãi bằng cách nào?” - tôi hỏi. “Sổ tiết kiệm vẫn ghi lãi suất 7,5%/năm, phần chênh lệch sẽ được NH chi tiền tươi” - nhân viên NH cho hay. Tương tự, tại NH B.V, sau vài phút trao đổi về số tiền và kỳ hạn gửi, nhân viên NH đã bàn bạc với người phụ trách rồi chấp nhận lãi suất tiền gửi là 8%/năm.


Tại một phòng giao dịch của một NH khác, nhân viên giao dịch cũng liên tục hỏi ý kiến với cấp trên trước đề nghị về lãi suất thỏa thuận của chúng tôi. Tuy nhiên, sau đó, nhân viên NH này từ chối và cho biết: “Nếu gửi vào ngày 25-3 (trước thời điểm giảm trần lãi suất từ 8% xuống 7,5%) loại kỳ hạn 1 đến 3 tháng thì sẽ được hưởng lãi suất thỏa thuận lên tới 10,5%/năm nhưng nay chỉ có 7,5%”...

Tổng giám đốc của một NH ở TPHCM cho hay việc NH vượt trần lãi suất huy động tiền gửi là chuyện thường ngày bởi không ít NH đang phải huy động vốn bằng được để tồn tại.

Cạnh tranh đầu ra

Trong khi đó, tại NH Đông Nam Á (SeABank), lãi suất kỳ hạn ngắn được “chốt” 7,5%/năm. Các NH: Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) huy động vốn kỳ hạn ngắn không mấy khác biệt SeABank. Nhiều NH khác nghiêm túc áp dụng trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn và đưa ra lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ 10% - 11%/năm (lãnh lãi cuối kỳ) nhưng nếu khách hàng lãnh lãi hằng tháng sẽ được hưởng lãi suất 10% - 10,3%/năm. Riêng lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn của NH Phương Nam (Southern Bank), NH Á Châu (ACB) dưới mức trần, chỉ 7,3%/năm…

Về lãi suất cho vay, do tín dụng đang tăng trưởng rất chậm nên nhiều NH có mức lãi suất hết sức cạnh tranh nhằm khai thông đầu ra. Chẳng hạn, NH ANZ cố định lãi suất 12,5%/năm trong 2 năm đầu đối với người vay tiền mua nhà và lãi suất 14%/năm cho vay tiêu dùng. Eximbank cũng cạnh tranh bằng lãi suất cho vay sản xuất - kinh doanh 10%/năm, đồng thời áp dụng mức lãi suất này cho 3 tháng đầu đối với khách vay tiền để mua nhà, mua ô tô, du học. Sacombank cho vay mua nhà với lãi suất 9,9%/năm, áp dụng trong 2 tháng đầu tiên. Riêng lãi suất cho vay của ACB, tùy theo từng chương trình, NH này cho vay với lãi suất từ 11,5% - 12,5%/năm, áp dụng đến ngày 30-4; cho vay tiêu dùng thế chấp lãi suất 13,5% - 14,5%/năm; cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, lãi suất 10,5%/năm...

Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc ACB, cho rằng thị trường đang hình thành lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 10,5% - 11,5%/năm. Còn mức lãi suất cho vay 10%/năm, thường các NH chỉ áp dụng cho những doanh nghiệp lớn.

TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính - NH Trường Đại học Mở TPHCM, phân tích: Với chi phí kinh doanh khoảng 3% - 4%, tính ra giá vốn của NH đã trên 10%/năm. Tuy nhiên, nếu lạm phát được kiểm soát tốt thì nhiều khả năng lãi suất sẽ giảm thêm, thị trường sẽ có lãi suất cho vay đại trà 10%/năm. TS Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học NH TPHCM, kỳ vọng khi tỉ giá ổn định, nợ xấu sớm được giải quyết, lạm phát tiếp tục đi xuống thì lãi suất sẽ còn giảm nữa.

(Theo Người lao động)