Đã từng bắt được con rắn bạch xà trị giá 50 triệu đồng vào khoảng năm 1991 nhưng ông Triều không lấy đó làm mục tiêu theo đuổi nghề. Với ông, nghề bắt rắn tùy thuộc vận may.


Ăn núi, ngủ rừng…tìm rắn

Ông Bùi Văn Triều, 52 tuổi, quê Gia Bình, Bắc Ninh thường được người trong vùng gọi bằng cái tên “Triều rắn”. Tên tuổi ông gắn liền với cái nghề bắt rắn tổ truyền 4 đời và ngót 40 năm, ông lăn lộn khắp các tỉnh thành miền Bắc để hành nghề.

Ông nhớ lại những ngày niên thiếu, chừng 12 tuổi, nhỏ bé và nhút nhát theo các anh, các chú đi bắt rắn. Cái cảm giác trẻ thơ ngày ấy còn đọng lại trong ông chỉ là những buổi la cà trên từng mảnh ruộng, bờ mương, bờ đê, hì hục tìm hang rắn. Và cũng có không ít lần ông bị rắn cắn vào tay, để đến bây giờ, nơi ấy vẫn in hằn vết sẹo nhỏ, như một kỷ niệm khó quên về nghề đi cùng với thời gian.

Nghề bắt rắn không phải chỉ loanh quanh ở gần nhà. 40 năm chung sống cùng nghề bắt rắn, ông đã lang thang, phiêu bạt khắp các tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang…

{keywords}
Người bắt rắn vui vẻ với một chú rắn cạp nia vừa bắt được.

Ông nhớ có lần, ông dựng trại, ngủ rừng cả tháng trời trên đất Cao Bằng, lang thang khắp các hang hốc tìm rắn. Nhớ những đêm thú rừng gào rú, mưa rừng ào ào, ông và người bạn đồng hành không tài nào chợp mắt, ngồi đốt thuốc chờ trời sáng. Lăn lộn rừng rú cả tháng trời, có thể là ra về với những loài rắn giá trị, có khi lại là tay trắng.


Ông kể, những người đi bắt rắn thường thích những loại rắn như rắn hổ mang thường, rắn cạp long (có giá trị chữa bệnh), rắn hổ mang chúa (có giá trị kinh tế), nhất là loại rắn khoang đen khoang trắng (dù rất độc nhưng lại có tác dụng chữa bệnh phong thấp, xương khớp).

Trong đời ông, có lẽ không bao giờ ông quên được lần phục kích, bắt được con rắn bạch xà nho nhỏ, xinh xinh nhưng bán được giá 50 triệu đồng. Ông kể: “Năm ấy nếu tôi không nhầm là năm 1991, tôi lang thang lên mạn rừng giáp Yên Thế, Bắc Giang. Cũng đi cả tháng trời. Lúc tìm ra hang ở của nó, tôi mất cả ngày trời để tóm được nó đấy. Mang về bán được 50 triệu, tính ra ngày ấy mua được khoảng 7 – 8 miếng đất. Tôi cũng mua 2 miếng ở ngoài Đại Bái, bây giờ bán cũng có tiền tỷ rồi”.

Nói là như vậy, nhưng ông Triều chưa bao giờ trông chờ vào việc bắt rắn để làm giàu. Ông tâm niệm, bắt rắn như mò kim đáy biển, tìm vận may hiếm hoi trong cuộc đời. Nếu bắt những loài rắn bình thường, dễ kiếm dễ bắt thì cả ngày cũng chẳng được bao nhiêu, mà mất công mất việc. Với ông, chỉ có những loài rắn độc đáo, giá trị mới có thể làm ông thỏa mãn, mà trong cuộc đời hành nghề, mấy lần ông có cơ hội được bội phục chính mình?

Chữa bệnh cứu người cứu mình

Không chỉ có tài bắt rắn được thiên hạ nể phục, ông Triều còn được bà con xa gần biết đến với những phương thuốc chữa rắn độc cắn rất hiệu nghiệm. Hỏi ra, chính ông cũng không nhớ tay mình đã cứu chữa bao nhiêu người bị rắn độc cắn.

Theo ông, từ đời cụ, đời cha, tổ tiên không chỉ truyền dạy cho con cháu nghề bắt rắn mà còn cả những bài thuốc chữa rắn độc cắn. Với ông, nghề bắt rắn vui có mà họa cũng có. Nó là một nghề nguy hiểm rình rập, trong tích tắc có thể mất mạng.

Chính ông cũng từng 3 lần trong nghề bị rắn độc cắn, mà chỉ là cắn vào đầu ngón tay. Ông thường lấy dao lam rạch một phần thịt nơi miệng rắn cắn, rồi hút bớt máu độc, sau đó uống thuốc theo loại rắn cắn.

{keywords}

Những bài thuốc tổ truyền của gia đình ông, ông không bao giờ giấu diếm người ngoài, ai hỏi ông đều nói, ai bị rắn độc cắn đến nhờ ông đều chữa mà không lấy một đồng tiền nào. Những loại cây làm thuốc chữa rắn độc ông đều lấy trong vườn nhà, hoặc là cây mọc hoang như cây chuối lùn, cây bù cu vẽ, vỏ cây sán thuyền, cây thuồng luồng văn tai, quả cây thuốc lào….

Các loại cây này, tùy theo loài rắn độc mà ông có phương thức chế biến, kết hợp thành thuốc. Ông cho biết: “Bắt rắn mà bị rắn cắn là chuyện bình thường, làm nghề này nó thế. Cho nên, tôi có bài thuốc chữa độc rắn thì tôi giúp mọi người, làm phúc cứu người. Tôi cũng không giấu ai cách chữa độc rắn, nhưng người ta dù biết bài thuốc nhưng vẫn đến nhờ tôi chữa trị”.

Tuy nhiên, với những loại rắn có nọc độc, độc tố cao như rắn khoang đen khoang trắng, ngoài việc ông cho thuốc lá gồm thân cây chuối lùn giã nhuyễn trộn với lá bù cu vẽ giã nhỏ, ông khẳng định: Vẫn cần nhờ bệnh viện hút dịch độc trong phổi, vì bài thuốc của ông chỉ có giá trị ngăn chặn nọc độc di chuyển.

Bà con trong làng, khi được hỏi đến tài chữa độc rắn của ông Triều đều xuýt xoa thán phục. Người trong xóm ông Triều cho hay: Có lần, người ta bị rắn độc cắn, người đã cứng đơ ra rồi, thế mà đến ông ấy cho thuốc uống lại hồi lại, sau tiếng đồng hồ thì tỉnh. Ông ấy sống hòa nhã và tốt phúc lắm!

Khổng Chiêm