Trưa 31/3.2013, TS Alan Phan đã có “Thư gởi Hiệp hội BĐS” để đáp lại công văn “chất vấn” với 15 câu hỏi của CLB BĐS Hà Nội sau bài “Hãy để thị trường BĐS rơi tự do” của mình và chủ động đề nghị ngừng tranh luận. Nhiều chuyên gia đánh giá, dù đã trả lời song nội dung mà ông Alan Phan đưa ra vẫn còn né tránh, chưa vào thẳng vấn đề.

Các tin liên quan

Cứu BĐS: Tiêu tiền không dễ

Động chạm quyền lợi, DN nhà đất ‘bật lại’ chuyên gia

Chưa thỏa mãn

Ông Alan Phan đã không trả lời 15 câu hỏi của CLB BĐS Hà Nội một cách cụ thể, rõ ràng. Bức thư chỉ là một bài viết chung khiến cho nhiều người theo dõi cuộc tranh cãi này thất vọng và không thỏa mãn.

Trong bức thư, Alan Phan cho rằng, “Nhiều người trong Quý Vị biện bạch là giá BĐS cao ngất trời vì giá đất, giá nguyên vật liệu, chi phí hành chánh và bôi trơn…quá cao. Thật tình, lý giải này chỉ chứng tỏ tính chất làm ăn thiếu hiệu quả vì không biết những tính toán căn bản về đầu tư cho dự án; cũng như cho thấy yếu kém của các quyết định bầy đàn và chụp giựt.”.

Và để giải quyết vấn đề, ông đặt lại bài toán huy động vốn trong dân: “Vốn trong dân tại Việt Nam được các nhà chuyên gia nước ngoài ước tính vào khoảng 60 tỷ US dollars; và vốn từ Việt kiều và các nhà đầu tư ngoại có thể lên thêm khoảng 20 tỷ (các số liệu này có thể sai nhưng chúng ta sẽ không bao giờ tìm được một thống kê chính xác và chính thống về các con số nhậy cảm ở Việt Nam). Tuy nhiên, dù với con số nào, số tiền này cũng thừa đủ để giải quyết mọi hàng BDS tồn kho.”

{keywords}

Tiếp tục bảo vệ luận điểm “rơi tự do” của mình, ông Alan Phan cho rằng hệ quả khi BĐS đổ vỡ là… chẳng sao cả (?!). Giới BĐS đã “tự đặt cho mình một vị trí quá quan trọng trong nền kinh tế chung” nhưng thực tế là “không có Mợ thì chợ vẫn đông” ; “Hiện tại, họ không đóng góp chút gì cho sản lượng quốc gia trong khi tiếm dụng một phần nguồn lực không nhỏ.”.

Ông Alan Phan gọi những câu hỏi của giới BĐS đặt ra với mình là “con ngoá ộp mà quý vị đem ra hù doạ” đồng thời khẳng định: “Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, một số lớn đã ngất ngư vì không thể cạnh tranh với sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan… tại sân nhà hay sân người. Đổ lỗi cho tình hình BDS chỉ là một thủ thuật phát sinh từ thói quen lười biếng.”.

Còn việc BĐS đổ vỡ dẫn đến tình trạng thất nghiệp, dân mất tiền gửi trong ngân hàng, ông Phan cũng cho đó là “chuyện nhỏ” và “Tỷ lệ mất mát cho những tài khoản trên 100 triệu VND tại các ngân hàng sẽ rất nhỏ; vì các nhà đa triệu phú thường không ngu để mất tiền như Quý Vị tiên đoán. Họ có nhiều giải pháp sáng tạo hơn Quý Vị và nhà nước nhiều.”.

Tỏ ra “lo ngại” khi “bong bóng BĐS không nổ”, ông Alan Phan bình luận: “các ngân hàng thương mại Việt không đủ uy tín, thương hiệu, tầm cỡ, tính minh bạch hay khả năng quản trị để tiếp cận nguồn vốn nội hay ngoại (vẫn rất dồi dào)” và “Tệ hại nhất là khi tung tiền cứu nguy cho “bồ nhà”, chánh phủ sẽ gởi một thông điệp bào mòn mọi niềm tin còn sót lại của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đó là: “mọi sai phạm lầm lẫn sẽ được che đậy và bảo vệ; và các quy luật của thị trường có quyền đi “nghỉ mát” khi quyền lợi của các nhóm lợi ích bị xâm phạm”.”.

Và cuối cùng, ông Alan Phan bày tỏ, “Tôi thực sự khâm phục khả năng lobby của Hiệp Hội BĐS và các thành viên. Tạo được một bong bóng khiến giá trị BDS lên đến 25 lần thu nhập trung bình của người dân là một thành tích đáng ghi vào kỷ lục Guinness. Tôi cũng tiên đoán là chánh phủ rồi cũng sẽ tung nhiều gói cứu trợ BDS mặc cho sự can gián của nhiều chuyên gia và đa số người dân. So với Quý Vị, tiếng nói của chúng tôi không đủ trọng lượng để chánh phủ lưu tâm. Do đó, cuộc tranh cãi nên dừng lại ở đây để những người dân chưa có nhà không nên kỳ vọng vào một phép lạ trong tương lai gần.”

Tranh cãi không phải là giải pháp

Ông Trần Hoàng Ngân (phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) nói: Theo tôi, thời điểm này không nên tạo ra những xung đột không cần thiết mà cần bỏ sức tìm những giải pháp tạo ra hiệu quả vực dậy nền kinh tế. Gói hỗ trợ là cần thiết, tuy nhiên cần ổn định lãi suất trong thời hạn dài và minh bạch để người dân có thể tiếp cận dễ dàng mà không phải mất phí không chính thức.

Ông Lương Trí Thìn (Tổng giám đốc Đất Xanh Group) nói, việc đưa ra 30.000 tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất cho cán bộ công chức mua nhà trong thời điểm này là hợp lý nhất. Hiện nay thực tế người mua nhà vẫn phải vay ngân hàng lãi suất 17-18%. Như vậy làm sao công chức, người thu nhập thấp dám vay tiền mua nhà. Cần phải hiểu ở đây không phải cứu bất động sản mà giải quyết bài toán lớn là giúp dòng vốn của nền kinh tế lưu thông trở lại.

{keywords}

Ông Võ Quốc Thắng (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Đồng Tâm) bày tỏ, giải pháp của Chính phủ đưa ra không phải cứu DN bất động sản hay lĩnh vực này mà giải quyết bài toán lớn của nền kinh tế. Bài toán này liên đới tới hàng loạt DN, trong đó có ngành vật liệu xây dựng. Hiện nay công ty chúng tôi đang có 3.500 công nhân, nếu để bất động sản rơi tự do, số phận của ngàn con người này sẽ ra sao? Chúng ta phải nhìn ở góc độ toàn diện là cứu nền kinh tế, cứu việc làm cho người lao động thông qua vòng xoay của một chu kỳ hàng hóa.

Thực tế, trong hoạt động kinh tế của một quốc gia, vai trò của Nhà nước là biết đưa tay can thiệp để giải quyết những khó khăn của thị trường một cách đúng lúc, đúng cách chứ không phải là “hãy để chúng chết đi”. Ở chính nước Mỹ - nơi ông Alan Phan mang quốc tịch, câu chuyện về Fannie Mae/Freddie Mac ngày nào là điển hình.

Cuối tháng 2 vừa qua, khi tới Việt Nam, ông John Sheehan là một chuyên gia quốc tế, thành viên Tổ chức giám định BĐS Hoàng Gia (FRICS) của Anh, cũng chia sẻ rằng: “Với tình trạng của thị trường BĐS Việt Nam hiện nay, rất cần có sự can thiệp của Chính phủ. Thị trường BĐS hiện không đủ khả năng để tự cứu mình. Sự can thiệp của Chính phủ càng lớn thì sự khôi phục của thị trường càng nhanh”.

Như vậy, có thể thấy vấn đề của thị trường BĐS hiện nay không phải là sự lưỡng lự cứu hay không cứu mà vấn đề là cứu như thế nào? Để sớm vực dậy thị trường BĐS và hướng tới một thị trường minh bạch, lành mạnh.

Vì thế, Tiến sỹ Trần Du Lịch: Nên thông vốn cho doanh nghiệp đi đúng hướng. Dù ở quy mô nào thị trường bất động sản luôn là tín hiệu lạc quan hay bi quan của bức tranh kinh tế vĩ mô. Mối quan hệ giữa thị trường chứng khoán, bất động sản với hệ thống ngân hàng thương mại như “môi với răng”, nên cần sớm có giải pháp “làm ấm” 2 thị trường.

Một khi bất động sản phục hồi, các khoản nợ xấu tại ngân hàng cũng được thanh toán, như thế thanh khoản được cải thiện, việc giảm lãi suất cho vay là chuyện đương nhiên. Doanh nghiệp bất động sản chết không phải một mình doanh nghiệp đó chết, mà kéo theo một loạt doanh nghiệp khác.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cũng nhấn mạnh, chúng ta đã có kịch bản giải cứu thị trường bất động sản. Tuy nhiên, từ kịch bản đến giải pháp và triển khai thực hiện là cả một vấn đề. Do đó, các bộ, ngành cần thống nhất giải pháp giải cứu của mình và trình Chính phủ nhằm tập hợp thành một “phương thuốc” hữu hiệu nhất. Nếu không, thị trường càng ngày càng lún sâu vào “vũng lầy”.

Ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội
Trả lời của ông Phan thể hiện sự thiếu cơ sở khoa học.
CLB BĐS Hà Nội rất thất vọng với cách trả lời của ông Alan Phan. Ông đã không trả lời 15 câu hỏi của CLB một cách cụ thể, rõ ràng. Các câu trả lời của ông Phan thể hiện sự thiếu cơ sở khoa học. Ngay trong các giải pháp của Chính phủ cũng đánh giá vai trò quan trọng của thị trường BĐS trong nền kinh tế. Nhưng ông Phan lại cho rằng, hệ quả khi BĐS đổ vỡ là … “chẳng sao cả” và “giới BĐS đã tự đặt cho mình vị trí quá quan trọng trong nền kinh tế…”. Nếu quả thật thị trường BĐS có vai trò quá mờ nhạt như vậy, liệu chính phủ Mỹ có phải bơm ra đến 7 tỉ USD để hồi phục thị trường này? Tôi thấy thiếu khoa học nhất là ý kiến ông Phan cho rằng giá BĐS còn giảm từ 30-50% trong 3 năm tới. Cơ sở nào để ông đưa ra nhận định như vây? Khi mà ai cũng biết giá xăng dầu tăng, giá vật liệu xây dựng tăng, giá nhân công tăng đều qua các năm…”

PV