Sau mỗi ngày kinh doanh, toàn bộ các hoạt động thương mại trên máy chủ ở TP. HCM và Hà Nội đều được chủ cửa hàng xóa sạch, không để sót lại bất cứ dấu vết nào. Bộ hóa đơn đầu vào là thật nhưng được quay vòng...
Các tin liên quan |
Milano Sài Gòn, mở cửa sau scandal hàng Trung Quốc, trốn thuế |
Ngày 2/4, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thị Như Mai cho biết, quá trình điều tra cho thấy, hoạt động trốn thuế trong vụ hàng hiệu Gucci - Milano rất tinh vi.
“Khi cảnh sát kinh tế thành phố Hồ Chí Minh ập vào cửa hàng Gucci, ngoài này chúng tôi cũng đồng thời tiến hành kiểm tra cửa hàng Gucci - Milano ở Hoàn Kiếm. Thời điểm đó gần 8.000 sản phẩm có giá tính theo giá niêm yết trên sản phẩm là hơn 99 tỷ đồng, chủ cửa hàng chứng minh là có hóa đơn chứng từ. Tuy nhiên, bằng nghiệp vụ, chúng tôi thấy ở đây có dấu hiệu không bình thường nên đã cùng công an làm việc đến 3h sáng để tạm giữ số hàng”, bà Mai cho biết.
Cụ thể, trong ngày 7/12 và ngày 9/12/2012, Đội Quản lý thị trường số 4, 14 phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an Hà Nội đã kiểm tra cơ sở kinh doanh quần áo, giày dép, đồ da nhãn hiệu Gucci, Milano tại số 63 Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm). Qua kiểm tra đã phát hiện và tạm giữ 1.447 đôi giày, dép các loại; 5 chai nước hoa, 5.545 sản phẩm quần, áo, váy, dây lưng… 312 chiếc kính; 320 chiếc túi xách, ví…
Bà Mai cho biết, sau 10 ngày đấu tranh quyết liệt các đối tượng kinh doanh mới thừa nhận hành vi “quay vòng” hóa đơn. Theo đó, số hàng bị phát hiện là hàng thật 100%. Hãng từ Italia đã bay sang xác nhận không có hàng giả trong đó. Tuy nhiên, toàn bộ hóa đơn giấy tờ đều thuộc lô hàng khác. Đến thời điểm này cơ quan công an đang hoàn tất hồ sơ để tiếp tục xử lý về tội trốn thuế của đối tượng này.
Qua quá trình đấu tranh, xác minh làm rõ vụ việc đội quản lý thị trường số 14 đã đề xuất Chi cục Quản lý thị trường ra quyết định xử phạt hơn 42 triệu đồng và tịch thu 2.438 sản phẩm nhãn hiệu Gucci, 5.333 sản phẩm nhãn hiệu Milano và các nhãn hiệu khác.
“Theo giá niêm yết là khoảng hơn 99 tỷ đồng. Nhưng đó không phải là giá bán cho người tiêu dùng mà còn có giảm giá khuyến mại, chi phí thuê nhà, vốn... nên khi các cơ quan thẩm định để đưa hàng ra bán đấu giá, số hàng trên chỉ còn khoảng 29,6 tỷ đồng, nhưng đấu giá vẫn không có ai mua, bởi vì đây là một lô hàng hiệu có giá trị lớn".
Về giải pháp giải quyết, bà Mai cho biết sẽ đề xuất với Thành phố, nếu lô hàng lớn quá thì có thể tách nhóm mặt hàng để đấu giá.
Bà Mai cũng cho biết, trong năm 2012, Chi Cục quản lý thị trường cũng đã phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm ký cam kết với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Gai và Hàng Bông không kinh doanh hàng giả, đặc biệt với các nhãn hiệu như Louis Vuitton, Nike, Adidas, Gucci, May 10, Việt Tiến...
Theo VnMedia