Cạnh tranh thị trường, tranh giành khách, nhiều cửa hàng cung cấp gas đang sử dụng một đội ngũ tiếp thị “chai mặt”, sẵn sàng xông vào nhà người dân để dán số điện thoại lên bình gas, khóa bình, phá khóa… Muôn kiểu tiếp thị gas khiến bà nội trợ như bị ức hiếp mà không biết kêu ai.
Tiếp thị phải “chai mặt”
“Nghe tiếng người gọi tôi vừa mở cửa ra, chưa kịp định hình, một cậu thanh niên đã nhanh nhẹn xin vào kiểm tra ga, rồi chạy ngay vào bóc dán đủ các Sticker (mẫu giấy ghi số điện thoại gọi ga) lên bình gas và tường bếp nhà tôi” đó là lời chia sẻ của anh Nguyễn Văn Phong (32tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội). Đây là một trong những chiêu thức tiếp thị ga khiến người dân Hà Nội rất bức xúc, bởi quá là trơ trẽn.
|
Sticker gọi gas chằng chịt trên bình. |
Tình trạng tiếp thị gas kiểu "ép" người tiêu dùng đang diễn ra khá phổ biến ở khắp các ngõ ngách trên địa bàn TP Hà Nội. Chị Lê Thị Duyên (11C, Hạ Đình, Thanh Xuân) vẫn nhớ như in cách tiếp thị ga “nhiệt tình” có một không hai như sau:
“Khi đang dọn dẹp nhà cửa bỗng có một thanh niên trạc 20 tuổi đứng trước cửa giới thiệu là nhân viên bảo hành Gas của công ty đến kiểm tra ống dẫn gas theo định kỳ. Chào hỏi xong, cậu thanh niên xin phép đi vào khu bếp. Ngó nghiêng một lúc, cậu ta nói “Bếp nhà chị còn tốt đấy, đúng là bảo hành thường xuyên có khác. Hôm nay, bọn em phát cho gia đình chị địa chỉ, điện thoại và cả sổ bảo hành của loại gas mới, chị cầm hộ em nhé. Lần tới cứ theo số mới mà gọi chị ạ”.
Thấy nhân viên tiếp thị Gas không có đồng phục nên chị Duyên từ chối: “Không , gia đình tôi dùng quen hãng gas rồi, không đổi đâu”. Thế nhưng người tiếp thị gas vẫn lì mặt không có chút ái ngại mượn chị Duyên cây bút để ghi lại kí hiệu vỏ bình. Thấy người tiếp thị có vẻ lì lợm, chị Duyên cũng đi tìm bút đưa cho người tiếp thị cho "xong chuyện".
Quay vào phòng lấy bút, ra đến bếp, Chị Duyên nhận được thông tin của cậu thanh niên bình gas của chị hết rồi và nói gọi gas của hãng mình luôn. Chưa hết ngạc nhiên vì bình gas mới thay chưa được một tháng mà đã hết thì chị Duyên đã thấy nhân viên tiếp thị bấm điện thoại gọi gas giúp mình.
Không tin lời nhân viên tiếp thị gas, chị Duyên tức tốc lại bật bếp lên để kiểm tra thì không thấy bếp lửa bếp lên, bật đi, bật lại vài lần cũng không được. Trong khi đó người thanh niên lại đang cố dán những mẫu sticker có ghi số điện thoại của một hãng gas khác đè lên số của công ty đang cung cấp cho gia đình chị.
Nghi ngờ nhân viên tiếp thị giở trò nên chị Duyên không gọi gas nữa, đuổi nhân viên tiếp thị trên ra khỏi nhà và gọi chồng về kiểm tra thì chị mới biết bình ga đã bị khóa van chặt nên không thể bật lên được nữa.
Theo chị, cái sticker mới mà hai thanh niên dán có logo của Công ty Petrolimex, và dòng chữ “Trung tâm phân phối Gas và nước uống tinh khiết” nhưng lại không có tên và địa chỉ rõ ràng, cùng 2 số điện thoại đi động.
Nhiều người dân chia sẻ về thủ thuật làm bếp hết gas của những “cò” tiếp thị gas rất đơn giản. Những người tiếp thị gas trơ trẽn này thường lợi dụng những lúc hộ gia đình vắng người hoặc không để ý tiến hành vặn van gas bó cứng lại khiến gas trong bình không ra được nên bếp bật nhiều lần cũng không cháy, đôi khi lợi dụng sở hở bẻ luôn van gas khiến van hỏng và sẽ nhận sửa chữa hoặc thay ngay van mới.
Cảnh giác với gas rởm
Ngoài việc trơ trẽn trong tiếp thị các nhân viên tiếp thị này như một “cò mồi” chuyên nghiệp trong lĩnh vực “mồi chài” người dân gọi Gas. Điều này vốn đã làm cho người dân khó chịu và họ càng khó chịu hơn khi chất lượng của những gas này lại kém hơn nhiều so với những bình gas mua tại cửa hàng phân phối gas chính hãng.
|
Một nhân viên tiếp thị gas không đồng phục đang kiểm tra van gas. |
Như trường hợp của anh Trương Văn Hiệp (25 tuổi, Sinh viên ĐH Giáo Dục Hà Nội) bức xúc khi chia sẻ với phóng viên Báo PLVN: Trước đây, Hiệp sử dụng gas của Tổng công ty Petrolimex chi nhánh Thanh Xuân, cứ khoảng 3, 4 tháng mới phải thay gas một lần, vì anh sử dụng ít hơn các hộ gia đình. Nhưng mới đây, khi nhân viên tiếp thị gas nào đó, không có đồng phục khác xin vào nhà dán Sticker quảng cáo gas liền bóc hết thông tin của hãng gas Hiệp hay gọi và dán cái mới vào. “Tôi dùng gas của họ mới được hơn một tháng thì gas đã hết nhưng bình thì vẫn nặng như đang còn nhiều gas, khi lắc qua lại thì nghe tiếng ọc ạch như có nước ở trong”, Hiệp nói.
Có rất nhiều gia đình đã “dính bẫy” của “cò” tiếp thị gas bởi sự dỗ dành ngon ngọt với những món quà khuyến mại, giá gas rẻ hơn nơi khác. Đa số những người dân bị lợi dụng là những bà nội trợ. Vì chúng hiểu rõ tâm lý phụ nữ ham giá rẻ. Qùa khuyến mại kèm theo thường là bột giặt, nồi hay nước rửa chén bát, lót nồi. Những món quà tặng kèm giá trị không cao nhưng lại có sức hấp dẫn lớn với người tiêu dùng nhất là phụ nữ.
Chị Lê Thị Thủy (46 tuổi, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã bị những “cò” tiếp thị gas mời mọc mua gas của cửa hàng có nhiều khuyến mại mà giá rẻ hơn trên thị trường.
Chị Thuỷ cho biết: “Tháng trước có nhân viên tiếp thị gas vào nhà, hỏi giá gas tôi mua bao nhiêu?. Sau đó, họ nói tôi mua Gas bên cửa hàng của họ rẻ hơn, chỉ cần gọi sẽ có người mang gas đến tận nhà có thêm quà khuyến mại. Vì thấy rẻ hơn hãng gas hay dùng nên tôi chuyển sang dùng thử nhưng ngờ đâu chưa đầy một tháng mà đã hết, dù nâng bình gas lên cân vẫn còn rất nặng”
Những chiêu trò tiếp thị gas với giá rẻ, có nhiều khuyến mãi thực tế chỉ là những trò lừa đảo của các cửa hàng gas không rõ danh tính, địa chỉ. Cách tiếp thị chai lì, dỗ dành nhằm trục lợi người tiêu dùng.
Những bình gas chất lượng kém có thể ẩn chứa những mối hiểm hoạ khôn lường cho người tiêu dùng. Gần đây nhất (3/11/2012) là việc rò rỉ gây nổ gas kinh hoàng xảy ra tại một căn hộ ở ngõ 22 Tạ Quang Bửu đã khiến 2 cháu bé thiệt mạng.
Với tình trạng loạn tiếp thị gas, người dân phải luôn cảnh tỉnh với những đối tượng tiếp thị gas không rõ nguồn gốc hay có những ưu đãi “trên trời” so với thị trường gas.
Theo các công ty gas có thương hiệu, khi mua gas cần biết địa chỉ đại lý, cửa hàng gas, không nên chỉ gọi qua điện thoại; khi tiếp cận các tờ rơi quảng cáo, cần cảnh giác hỏi kỹ địa chỉ vì phần lớn chỉ in số điện thoại không dây hoặc di động; khi thấy khả nghi phải yêu cầu xem giấy tờ, thẻ của nhân viên đưa gas và kiểm chứng số điện thoại đường dây nóng của đại lý gas.
(Theo PLVN)