Từng là những doanh nghiệp lớn trong ngành; từng là cổ phiếu nóng nhất cho giới đầu tư lướt sóng; từng có giá cao ngất ngưởng... nhưng khó khăn kéo dài đã khiến không ít đại gia tụt dốc.
Đỉnh cao và vực sâu
Vốn hóa lớn thứ 2 trên sàn Hà Nội, giá tăng mạnh liên tục và thanh khoản cực tốt, cổ phiếu (CP) KBC của Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP luôn là sự lựa chọn của hầu hết nhà đầu tư. Đã có thời điểm, giá KBC lên tới 220.000 đồng/CP.
Thừa thắng xông lên, cuối năm 2009, KBC chuyển sang niêm yết và giao dịch trên sàn TP.HCM và cũng là công ty bất động sản có vốn điều lệ lớn thứ 3 trên sàn TP.HCM. KBC vẫn được xem là một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu tại khu vực phía bắc, chuyên về lĩnh vực đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị. Không phụ lòng nhà đầu tư, doanh thu và lợi nhuận của KBC liên tục tăng cao trong những năm qua. Thậm chí trong những năm từ 2009 - 2011, khi khó khăn của nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng đã đẩy nhiều công ty bất động sản đến bờ phá sản hay thua lỗ trầm trọng thì KBC vẫn liên tục có lãi.
Bản thân KBC trong năm 2012 vẫn đưa ra kế hoạch kinh doanh đạt lợi nhuận sau thuế 200 tỉ đồng, nếu điều kiện kinh tế tốt hơn thì phấn đấu lợi nhuận sau thuế từ 500 - 700 tỉ đồng. "Lý lịch" hoành tráng như vậy nên khi có con số lỗ hơn 400 tỉ đồng của KBC trong năm 2012 đã khiến giới đầu tư bất ngờ. Sốc hơn là CP này bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2012 là âm 435,64 tỉ đồng.
Giải thích nguyên nhân bị lỗ, KBC cho biết do năm 2012 nền kinh tế gặp nhiều bất ổn với sự sụt giảm mạnh của dòng vốn FDI, bất động sản đóng băng, chứng khoán suy giảm, các ngân hàng dè dặt cho vay mới. Hoạt động cốt lõi của KBC là thu hút FDI bị sụt giảm mạnh, chỉ đạt 281,4 tỉ đồng, nhiều danh mục đầu tư tài chính phải trích lập dự phòng. Trong khi đó, chi phí lãi vay tăng cao tới 322,6 tỉ đồng nên tổng doanh thu không đủ bù đắp chi phí.
Cú “ngã ngựa” gây sốc hơn nữa là trường hợp của CTCP đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS). Nếu nhìn vào quá khứ, không ai có thể tưởng tượng, CP này đang bị tạm ngừng giao dịch vì đã bị lỗ 2 năm liên tiếp từ 2011 - 2012 với số lỗ lũy kế là 387,67 tỉ đồng. Trên sàn chứng khoán Việt Nam, SJS là CP dẫn đầu của nhóm ngành “Sông Đà” và cũng là một trong những CP bất động sản lên sàn sớm nhất, từ năm 2006. "Đỉnh" giá, SJS đạt tới mức 728.000 đồng/CP. Được các công ty cùng ngành Sông Đà và công ty con luôn ủng hộ với việc mua vào số lượng lớn nên CP "anh cả" SJS luôn giao dịch với lượng lớn và giá ở mức cao. Sức hấp dẫn của SJS không chỉ đối với các nhà đầu tư nội, đây còn là CP blue-chips luôn nằm trong danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư ngoại như Market Vectors Vietnam ETF (VNM ETF)… Nhưng SJS cũng phải chấp nhận khó khăn khi thị trường bất động sản mất thanh khoản kéo dài. Tại thời điểm cuối năm 2012, tổng dư nợ ngắn hạn của SJS và công ty con đã lên tới 2.255 tỉ đồng, cao hơn 1.757 so với tài sản ngắn hạn có tính thanh khoản cao (không tính hàng tồn kho). Điều đó cho thấy khả năng tiếp tục hoạt động của SJS và các công ty con là rất chật vật.
Trong năm nay có thể còn có nhiều DN bị thua lỗ nặng nề, không loại trừ lớn hay nhỏ. Đặc biệt những DN bất động sản
Tương tự, Tổng CTCP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX) cũng đang bị đưa vào diện kiểm soát do năm 2012 bị lỗ gần 1.400 tỉ đồng. PVX đã từng là CP giao dịch với số lượng lớn thuộc hàng nhất nhì trên sàn Hà Nội trong những năm qua. Điều đáng nói là năm 2011 công ty này vẫn báo cáo lãi nhưng sang năm 2012, PVX bị trượt dài và nâng mức lỗ lên con số khủng.
Không tăng trưởng nóng như SJS nhưng CTCP Licogi 18 (LCG) luôn là cái tên CP được các nhà đầu tư lướt sóng biết đến. Những nhà đầu tư mạo hiểm, mua vào bán ra đúng thời điểm vẫn “lướt sóng” LCG và lợi nhuận thu được không hề thua kém những CP “đại gia” khác. Nhưng CP này cũng chính thức xuống dốc khi bị lỗ 36,57 tỉ đồng trong năm 2012.
Lợi nhuận bằng không
Danh sách thua lỗ của các DN lớn lộ diện cho thấy sự khó khăn của nền kinh tế không loại trừ bất kỳ đơn vị nào. Nhưng soi vào kế hoạch kinh doanh của các công ty này mới thấy, họ đã "đắp bờ" an toàn khi đưa kế hoạch lợi nhuận bằng không. Đó là LCG với chỉ tiêu năm 2013 là doanh thu đạt 690 tỉ đồng nhưng lợi nhuận bằng 0. Còn công ty SJS, KBC trong kế hoạch năm của mình cũng tập trung chủ yếu vào việc bù đắp mức lỗ năm trước, khắc phục hậu quả, sửa chữa sai lầm trong đầu tư. Có thể thấy, hầu hết các công ty đều không đặt mục tiêu lợi nhuận để bảo đảm an toàn khi đối diện với cổ đông.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, những DN lớn bị thua lỗ cũng là chuyện quy luật của thị trường vì đầu tư dàn trải, sai lầm trong chiến lược đầu tư… Trong năm nay có thể còn có nhiều DN bị thua lỗ nặng nề, không loại trừ lớn hay nhỏ. Đặc biệt những DN bất động sản, xây dựng nhưng không có nguồn thu từ những hoạt động khác để nuôi sống mình thì gặp rất nhiều khó khăn vì thị trường bất động sản vẫn chưa thể khởi sắc.
Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, nhận định nhiều DN có quy mô lớn nên đã gắng cầm cự được trong những năm 2010 - 2011. Tuy nhiên tình hình khó khăn kéo dài và công ty không thể thay đổi kịp tình thế như chuyển hướng hoạt động, bán bớt dự án… nên chuyện bị thua lỗ là không tránh khỏi. Nhất là các DN đó đều sử dụng vốn vay khá lớn nên gánh nặng chi phí tài chính khó vượt qua.
(Theo Thanhnien)
Các tin liên quan |
Đại gia ngân hàng thâu tóm DN để trừ nợ |