Tiền tỷ để làm "chuột bạch"
Vị đại gia từng giám đốc một DN lớn kể, cách làm rất đơn giản, chỉ mất vài phút với một chiếc kim dài cỡ 10cm, kỹ thuật viên đưa vào vùng rốn hút ra khoảng 5 gram mỡ bụng chẳng hề đau đớn gì và đưa đi nuôi cấy.
Sau đó 1 tháng, sẽ được tiêm truyền tế bào gốc đã nuôi cấy vào cơ thể. Mỗi lần tiêm là 200 triệu tế bào, tiêm trong 6 lần, khoảng cách giữa mỗi lần tiêm là 15 ngày.
Sau đó ai muốn tiếp tục nuôi dưỡng tế bào gốc của mình thì gửi tới các ngân hàng lưu giữ và bảo quản, còn không thì thôi.
Theo vị giám đốc, cấy tế bào gốc sẽ giúp cơ thể tăng sức khỏe, trẻ mãi không già, phòng và chữa một số bệnh như tiểu đường, nhồi máu, tim, parkinson, thậm chí kể cả ung thư nữa.
Tuy nhiên khi được một người bạn đã đi cấy tế bào gốc tại Hàn Quốc mách bảo thì đã quyết định sang Hàn Quốc điều trị.
Người bạn đã mách bảo cho vị giám đốc kia tiết lộ, sau khi tiêm tế bào gốc vào cơ thể, đến nay thấy người luôn tràn đầy năng lượng, làm việc không biết mệt mỏi, vui vẻ suốt ngày, đặc biệt chuyện tình dục không khác gì trai 20, mặc dù ông đã bước sang độ tuổi "thất thập cổ lai hy".
Theo vị giám đốc này phong trào sang Hàn Quốc nuôi cấy tế bào gốc của người Việt Nam ngày càng tăng. Đối tượng chủ yếu là những người thành đạt có nhiều tiền và tuổi đã cao.
Với đối tượng này, điều họ monng muốn nhất là khỏe mạnh còn nếu tiêm tế bào gốc có xảy ra chuyện gì không hay cũng chẳng sao, chẳng gì có gì để mất khi tuổi đã cao nên sẵn sàng làm "chuột bạch".
Hiện nay, tổng chi phí cho 1 lần nuôi cấy và 6 lần tiêm truyền tế bào gốc từ mỡ bụng tại nước ngoài vào cơ thể hết 35.000 USD (tương đương với trên 700 triệu đồng), có những ca lên đến 60 ngàn USD chưa kể chi phí đi lại ăn ở. Tính trung bình mỗi lần cấy tế bào gốc hết không dưới một tỷ đồng.
Ngành kinh doanh "hốt bạc"?
Theo các nhà khoa học, thời gian gần đây thế giới đã có nhiều thành tựu trong nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc vào trị liệu sức khỏe. Sử dụng tế bào gốc có thể điều trị các bệnh đái tháo đường, tổn thương cột sống, bệnh Parkinson, bệnh tim...
Nhiều căn bệnh khác đã được thế giới nghiên cứu và chữa khỏi dựa trên một công thức chung là "tế bào gốc". Đặc biệt, tế bào gốc có thể chặn đứng sự lão hóa, kéo dài tuổi thọ.
Thậm chí, một thí nghiệm mới đây đã chứng minh, chỉ một mũi tiêm tế bào gốc duy nhất đã giúp những con chuột bạch sống lâu gấp ba lần. Ngoài ra, mũi tiêm còn giúp chúng phát triển lớn hơn và khỏe mạnh hơn.
Năm 1995, bệnh viện Truyền máu – huyết học TP.HCM đã tiến hành ca ghép tế bào gốc đầu tiên để điều trị cho bệnh nhân bị bệnh về máu.
Đến nay, rất nhiều cơ sở y tế triển khai nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc trong điều trị như: bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện 108…Viện Huyết học – Truyền máu TW tiến hành ghép tế bào gốc tạo máu điều trị bệnh từ năm 2006, cho đến 11/2011 đã tiến hành ghép được 37 ca.Bệnh viện Việt - Đức cũng đã ứng dụng công nghệ tế bào gốc mỡ trong điều trị tổn thương cột sống có liệt tủy cho bệnh nhân.
Nhận thấy đây là ngành kinh doanh tiềm năng, một số DN Việt Nam đã nhanh chân vào cuộc để đáp ứng nhu cầu. Mới đây một DN đã tìm kiếm đối tác Hàn Quốc với ý định xây dựng một trung tâm điều trị sức khỏe bằng phương pháp tế bào gốc hiện đại phục vụ nhu cầu trong nước và khu vực Đông Nam Á.
Thị trường rất tiềm năng, ông giám đốc DN này cho biết. Đến nay kế hoạch hợp tác với đối tác Hàn Quốc mới chỉ dừng ở đàm phán vậy mà khách hàng tìm đến rất nhiều. Tại công ty của ông hiện mỗi ngày có ít nhất 5 người đến hỏi và muốn được điều trị bằng phương pháp này, đến nỗi phải cử riêng 1 chuyên viên chỉ chuyên tiếp khách hàng về tế bào gốc.
Hiện nay, tại Việt Nam số người giàu có cũng như số người mắc bệnh nguy hiểm ngày càng tăng nên sẽ là một thị trường rất tiềm năng.
Với 700 triệu đồng, tính ra không đắt tý nào so với bị mắc bệnh nan và phải chi tiền thuốc hàng ngày hay những người muốn trẻ lâu, phải bỏ ra rất nhiều tiền cho các loại "thần dược" hiện nay, ông giám đốc này tính toán.
Đặc biệt khi số lượng khách hàng tăng thì chi phí còn giảm thấp. Tại một hội thảo về tế bào gốc diễn ra ở Hà Nội mới đây đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người thuộc tầng lớp giàu có đến tham dự.
Theo ước tính trên thế giới hiện có khoảng 120 triệu người có nhu cầu và có khả năng chi trả để nuôi cấy và tiêm truyền tế bào gốc.
Con số này sẽ còn tăng cao trong tương lai khi có thêm nhiều tiến bộ trong nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc vào trị liệu sức khỏe cùng với đời sống kinh tế phát triển và chi phí giảm. Và đây có thể sẽ trở thành ngành kinh doanh "hốt bạc"?.
Trần Thủy