Các tin liên quan |
Việc tăng giá sữa ở Việt Nam thường diễn ra theo chu kỳ (đầu hoặc giữa năm) bất kể giá nguyên liệu sữa thế giới tăng hay giảm. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, hàng loạt hãng sữa ngoại lẫn sữa nội, như: Abbott, FrieslandCampina Vietnam, Physiolac, Dumex, Nestle, Vinamilk, Nutifood… đã đua nhau tăng giá từ 7 - 15%.
Bộ Tài chính vừa nhận thông tin đăng ký giá của một số công ty sữa với mức điều chỉnh tăng từ 2 - 15% nên việc tăng giá sẽ tiếp diễn trong những tháng tới. Điệp khúc lý do tăng giá các hãng đưa ra vẫn là: ra sản phẩm mới; giá nguyên liệu, chi phí sản xuất, nhân công tăng và cả do… tình hình lạm phát. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp (DN) giải thích “tăng giá vì đã kìm giá lâu”, “các hãng tăng mà mình chưa tăng”…(!).
Trong khi đó, theo số liệu của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới chỉ tăng nhẹ từ tháng 8/2012 trở lại đây do sản lượng sữa tiếp tục giảm theo mùa. Tại thị trường châu Úc, giá sữa bột gầy lại giảm 100 USD/tấn, giá sữa nguyên kem tăng 25 - 50 USD/tấn.
Tuy nhiên, theo phân tích tình hình giá sữa tính đến tháng 11/2012 của Cơ quan Tiếp thị nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp Mỹ), giá sữa bột gầy giảm 1,45% ở cả thị trường Châu Đại Dương và Châu Âu. Riêng giá sữa bột nguyên kem tăng rất thấp 0,7%. Thế nhưng, không có DN sữa Việt Nam nào sòng phẳng với người tiêu dùng bằng cách điều chỉnh giảm giá, trong khi, giá thế giới chỉ mới nhích nhẹ, nhiều hãng sữa đã vội vã tăng giá.
|
Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có khoảng 500 dòng sản phẩm sữa nội ngoại, trong đó nguồn sữa DN Việt Nam sản xuất trong nước chỉ chiếm khoảng 30% thị phần. Vì nắm 2/3 thị phần nên DN sữa ngoại có quyền làm giá? Trên thực tế hoàn toàn không phải vậy, chính nghịch lý trong quản lý đã đẩy giá sữa vượt tầm kiểm soát. Bằng chứng là theo quy định, nếu DN tăng giá sữa thì không được quá 20%, các DN đã lách bằng cách chỉ tăng từ 10 - 15%. Mới đây, theo quy định, chỉ mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi mới nằm trong danh mục bình ổn giá, DN phải đăng ký giá đối với mặt hàng này nên những sản phẩm sữa còn lại không phải đăng ký giá.
Thêm nữa, hiện nay có ba cơ quan đang quản lý sản phẩm sữa trên thị trường gồm Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) gây ra sự quản lý chồng chéo, tạo kẽ hở để DN tranh thủ “làm giá” một cách hợp lý.
Đơn cử, nếu DN nhập nguyên liệu sữa chỉ chịu thuế 3 - 5% (trong khi sản phẩm dinh dưỡng có thuế nhập khẩu 10 - 15%) và sản phẩm nào không phải sữa dành cho trẻ em nên không cần đăng ký giá với Cục Quản lý giá. Để tăng lợi nhuận, đã có DN bị phát hiện bỏ thêm các chất dinh dưỡng, hương liệu và đổi tên thành thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng… dù thành phần cơ bản bên trong không thay đổi. Như vậy, các DN vừa “chạy” được mức thuế cao, lại có thể điều chỉnh giá bất cứ lúc nào mà không phải giải trình với cơ quan chức năng.Theo quy định về chuẩn về sữa bột số QCVN 5-2: 2010/BYT có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, sữa bột phải có tiêu chí protein 34% (được phân ra làm 4 loại: sữa bột, cream bột, whey bột và sữa bột gầy có bổ sung chất béo thực vật) thì DN đành phải đổi tên thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung là đúng khuyến cáo Bộ Y tế đưa ra, bởi gần như không nhãn sữa nào đáp ứng được tiêu chí này. Nhưng theo Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), sữa bột cho trẻ có tỷ lệ đạm (protein) từ 11 - 18% là thích hợp cho sự hấp thu và tiêu hóa của trẻ, nếu cao hơn trên mức 30% thì sẽ gây suy thận, táo bón… Vậy tại sao Bộ Y tế lại quy định mức cao không cần thiết? Phải chăng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam đặc biệt hơn?
Dư luận đang đặt câu hỏi, liệu có “trục trặc” nào trong sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Ví dụ, Bộ Y tế là nơi cung cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm đạt chất lượng, sản phẩm đạt đúng quy định, nhưng Cục Quản lý giá là nơi định giá , còn đơn vị hải quan thì “mù tịt” về những thông tin sản phẩm sữa nên dễ dàng cho thông quan…
(Theo PNonline)