"Thần dược" Ama Kông - bài thuốc tráng dương bổ thận của "vua săn voi" Ama Kông nổi tiếng - đang bị mạo nhận, làm giả, bán tràn lan ở Đắc Lắc với giá rẻ. Do vậy, các loại dược liệu quý hiếm này đang bị khai thác vô tội vạ, bào chế vô nguyên tắc, buôn bán không cần giấy phép. Thực trạng này đang cảnh báo nhiều hệ lụy...
Các tin liên quan |
|
|
Cùng với hình ảnh của ông Ama Kông là các công dụng được quảng cáo trên bao bì như "trị đau dây thần kinh, đau lưng, mất ngủ, bổ thận tráng dương...". Để khỏi mất thời gian, người ta còn lưu ý trên bao bì: "Muốn biết thêm chi tiết xin vào website www.google.com.vn, search: Cây thuốc Ama Kông". Về xuất xứ chỉ ghi chung chung là "Buôn Trí A, xã Krông Na..." hoặc không ghi gì cả. Không phải ở buôn Trí A- ngay gần nhà ông Ama Kong- mà tại trung tâm huyện Buôn Đôn và TP. Buôn Ma Thuột cũng nhan nhản các điểm bán "thần dược" này. Muốn mua thuốc Ama Kông chỉ việc đến các điểm bán đồ lưu niệm, khách sạn, quán cơm, thậm chí bến xe cũng có.
Mỗi gói thuốc Ama Kông được bán từ 40.000 - 120.000 đồng, người mua đem về ngâm với 8 lít rượu để uống cho... bổ thận, cường dương. Dù không biết những thang "thần dược" Ama Kông này do ai sản xuất, thành phần gồm những gì, được kiểm nghiệm ra sao, nhưng các đấng mày râu vẫn mua, uống ào ào. Trong đó, không ít người đã bị mẩn ngứa, nôn mửa do dị ứng, ngộ độc... Thực trạng này xuất phát từ phương thuốc bí truyền Ama Kông đã quá nổi tiếng, bị làm giả khắp nơi, được tiếp tay bằng niềm tin mù quáng của không ít người tiêu dùng.
Nỗi buồn Ama Kông
Việc sản xuất, kinh doanh "thần dược" Ama Kông bát nháo không những làm mất đi "thương hiệu" Ama Kông nổi tiếng, cạn kiệt nguồn dược liệu quý hiếm, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Khăm Phết Lào trăn trở: "Trước lúc nhắm mắt, nguyện vọng duy nhất của bố tôi là chấm dứt được nạn làm giả, làm nhái bài thuốc gia truyền này. Nhưng vì lợi nhuận, đến nay nhiều người vẫn bất chấp, không ai làm gì được họ". Không chỉ như thế, câu chuyện ''thần dược'' Ama Kông còn đặt ra nhiều vấn đề về bảo vệ thương hiệu, quản lý nhà nước, bảo tồn và phát triển các nguồn dược liệu quý hiếm trước nguy cơ tận diệt.
(Theo Laodong)