Đợt thanh tra, kiểm tra sẽ góp phần làm rõ các bức xúc của nhân dân như: Hiện DN đang nhập xăng dầu với giá bao nhiêu? Chi phí cơ bản DN đưa ra đã hợp lý chưa? ...
Các tin liên quan

Kiểm toán NN: Quỹ bình ổn xăng dầu là quỹ ảo

Quỹ bình ổn xăng dầu âm hơn 2.300 tỷ đồng

Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: Bộ Tài chính đang tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh xăng dầu tại một số doanh nghiệp (DN), trong đó có nội dung kiểm tra về việc trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Trên cơ sở kết luận sẽ có cơ sở đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 84 và Thông tư 234.


Hiện tại, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang được đặt trong các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối. Nhưng, việc sử dụng quỹ này, DN không được quyền quyết định mà chỉ thực hiện theo sự chỉ đạo và giám sát của liên Bộ Tài chính - Công thương theo yêu cầu quản lý và điều hành giá của từng thời kỳ. Cách vận hành hiện tại là: Định kỳ hàng quý, các DN báo cáo kết quả trích và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với Bộ Tài chính, kể cả trong những trường hợp yêu cầu báo cáo đột xuất. Chính vì sự quản lý chặt chẽ, toàn diện cho nên bất kể thời điểm nào trong năm, liên Bộ cũng nắm được số dư Quỹ Bình ổn giá của DN.

Tính đến ngày 28/3/2013, tổng số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã âm 524 tỷ đồng. Do vậy, liên Bộ đã thống nhất ngừng sử dụng Quỹ và tăng giá bán xăng dầu. Đó là lý do giá xăng dầu vào lúc 20 giờ ngày 28/3/2013 (dầu điêzen tăng tối đa 362 đồng/lít, dầu hỏa tăng 480 đồng/lít, dầu madút tăng 807 đồng/kg và xăng tăng 1.430 đồng/lít có giá cao ngất ngưởng 24.580 đồng/lít). Sau đó, vào ngày 9/4, giá xăng giảm 500 đồng/lít; ngày 18/4, giá xăng tiếp tục giảm 410 đồng/lít. Như vậy, sau 2 lần giảm trong tháng 4 so với 1 lần tăng trong tháng 3, tổng giá xăng giảm vẫn thấp hơn 520 đồng/lít so với tổng mức tăng.

Đợt thanh tra, kiểm tra sẽ góp phần làm rõ các bức xúc của nhân dân như: Hiện DN đang nhập xăng dầu với giá bao nhiêu? Chi phí cơ bản DN đưa ra đã hợp lý chưa? Cơ quan độc lập nào vào cuộc để chứng minh sự hợp lý như các DN báo cáo?

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ khi nào cách tính toán giá xăng dầu công khai, minh bạch, mức chiết khấu hoa hồng của DN đầu mối có công cụ để kiểm soát, thì khi đó mới mong giá xăng dầu trong nước gần nhất với giá thế giới. Và, lúc đó quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được đảm bảo hơn.

(Theo Báo Thanh tra)