- Số DN biết và lựa chọn trọng tài thương mại trong những vụ xử lý tranh chấp là không nhiều. Thường thì các DN “thích” đưa vụ việc ra giải quyết tại tòa.

Xin còi, vé của... trọng tài thương mại

Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) các DN Việt Nam có tranh chấp trong lĩnh vực kinh tế với DN nhiều nước với số lượng vụ việc ngày càng tăng, chiếm tới 71% tổng số vụ tranh chấp, trong đó 70% thuộc về lĩnh vực mua bán hàng hóa. Điều này đòi hỏi phải có những phương thức giải quyết nhanh chóng, hiệu quả nhằm bảo đảm cho các hoạt động kinh tế được diễn ra một cách liên tục và thuận tiện.

Trên thực tế, toà án là cơ quan có đủ chức năng để thực hiện những cơ sở pháp lý trong việc giải quyết tranh chấp nói chung. Song với các đặc tính gay gắt, phức tạp và sòng phẳng của hoạt động thương mại thì bên cạnh toà án còn có những biện pháp giải quyết tranh chấp khác có hiệu quả hơn nhiều đó là giải quyết bằng Trọng tài thương mại.

Tuy nhiên tại Việt Nam, trọng tài thương mại mới chỉ tham gia 1% số vụ tranh chấp. Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam được thành lập từ năm 1993 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp kinh tế, hòa giải... nhưng đến nay mới chỉ giải quyết được khoảng 1.000 vụ việc. Năm cao nhất đạt 83 vụ, năm thấp đạt 16 vụ. Con số này thấp hơn hẳn so với Trọng tài các nước khác, chẳng hạn như Hồng Kông tới trên 500 vụ/năm hay Singapore 200 vụ/năm.

{keywords} 

Nguyên nhân được cho là hiểu biết về trọng tài thương mại của các DN Việt Nam còn rất hạn chế.

Theo luật sư Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký VIAC, có những chuyện khá khôi hài về trọng tài thương mại đã xảy ra. Đó là khi trung tâm trọng tài mở văn phòng, treo biển thì nhiều người đi qua đã tạt vào làm quen với mong muốn thỉnh thoảng xin vé đi xem đá bóng. Hình như cứ nói tới trọng tài là mọi người nghĩ ngay tới thể thao chứ không tồn tại trong lĩnh vực kinh tế, thương mại”, ông Dương chia sẻ. “Tôi đã thấy có người vào văn phòng của chúng tôi để xin còi vì nghĩ đã là trọng tài thì có nhiều còi”.

Bản thân một số cơ quan báo chí khi nhận được giấy mời họp của Trung tâm trọng tài cũng chuyển cho phóng viên thể thao thay vì kinh tế đi vì nghĩ đây là công việc của thể thao.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, chủ tịch VIAC, cho biết phương thức trọng tài do doanh nhân nghĩ ra và được nhà nước ủng hộ. Phương thức này có nhiều ưu thế như: giải quyết tranh chấp chỉ một lần, không kéo dài nhiều tháng, nhiều năm như tòa án; giải quyết bằng hội đồng trọng tài do các bên lựa chọn... vì vậy, có những chuyên gia giỏi, độc lập, vô tư và khách quan tham gia vào việc giải quyết tranh chấp.

Điểm cơ bản của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là sự lựa chọn của cả hai bên đối tác trên cơ sở tôn trọng pháp luật. Tức là, trong hợp đồng kinh tế ký kết với nhau phải đưa vào điều khoản khi có tranh chấp sẽ được giải quyết bằng trọng tài và các phán quyết của trọng tài phải được tôn trọng.

Ông Vũ Ánh Dương nói rằng, dù VIAC đã trải qua hàng chục năm hình thành và phát triển, số DN biết và lựa chọn trọng tài thương mại trong những vụ xử lý tranh chấp là không nhiều mà thường đưa vụ việc ra giải quyết tại tòa án. Điều này khiến cho tòa án đôi khi quá tải còn trọng tài lại ít việc.

{keywords} 

Chưa được tin tưởng

Ngoài lý do nhận thức còn hạn chế thì một số nguyên nhân khác cũng khiến DN không muốn đưa vụ việc ra giải quyết bằng trọng tài như chưa tin tưởng vào hoạt động của tổ chức trọng tài hay các phán quyết của trọng tài bị hủy còn khá cao.

Luật sư Dương cho hay, thời gian qua có nhiều phán quyết của trọng tài thương mại bị hủy. Bên cạnh đó, rất nhiều vụ DN không đồng tình với quyết định của trọng tài lại đâm đơn lên tòa án để yêu cầu hủy án. "Việc có những phán quyết của trọng tài bị hủy cũng là nguyên nhân quan trọng khiến DN Việt vẫn còn e ngại khi dùng phương thức trọng tài để xử lý tranh chấp", ông Dương nhận định.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Chánh tòa kinh tế, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội, “trong xét xử của tòa án cũng có chuyện hủy phán quyết của trọng tài song chúng tôi chỉ xem xét đến các yếu tố về tố tụng, chẳng hạn như vi phạm giữa 2 bên tranh chấp, nếu có thì sẽ hủy chứ không xem xét đến các phán quyết của trọng tài. Các phán quyết của trọng tài luôn được tôn trọng”.

Đại diện Tổng cục Thi hành án Dân sự, ông Lê Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ nghiệp vụ 1, đánh giá, quy định của pháp luật về thi hành phán quyết của trọng tài rất đầy đủ và chặt chẽ, giống như cơ chế thi hành án dân sự. Sự bình đẳng trong thi hành phán quyết của trọng tài và tòa án là như nhau, không có ngoại lệ nào. Phán quyết của trọng tài có hiệu lực là được thi hành như một bản án. Nếu bên bị thi hành không chấp nhận sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế.

Trọng tài cũng có quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, để phong tỏa tài sản các bên, khi thấy một bên nào đó có ý định tẩu tán hay dịch chuyển tài sản. Biện pháp này khi chuyển sang tòa án sẽ được thực thi ngay lập tức. Nếu có tài sản thì cưỡng chế theo phán quyết của trọng tài thành công trên 90%, ông Tuấn nói.

Trần Thuỷ