- Trước những mặt hàng tăng giá đến chóng mặt, nhiều bà nội trợ và giới sinh viên đã phải chi li từng đồng để có được bữa cơm cho gia đình với đa phần là các món rau.
TIN BÀI KHÁC
Sự thật phũ phàng về sinh viên sống thử
Giật mình với mát-xa tại gia
Những “bữa cơm màu xanh”
Bữa cơm tối của vợ chồng anh Minh, công nhân ở xóm trọ Mễ Trì thượng (Từ Liêm, Hà Nội) chỉ đơn giản đĩa với đậu phụ sốt cà chua, su su luộc và bát canh. Người duy nhất có thêm “khẩu phần ăn đặc biệt” một bát thịt nhỏ là cậu con trai của anh chị. Anh Minh cho biết, cả hai vợ chồng đều làm công nhân, tiền lương hàng tháng còn phải gửi về nuôi mẹ già ở quê. Anh chị đã hết sức tiết kiệm nhưng mỗi bữa vẫn phải có thêm tí thịt dành riêng cho cậu con trai cưng vì “cháu đang tuổi ăn tuổi lớn không thể con ăn uống thiếu chất được”.
Tích cực chi tiêu tiết kiệm để chống lại “bão giá” (Nguồn:
Tiền phong)
Chị Thúy (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết,
thu nhập của cả hai vợ chồng trong một tháng là 7 triệu đồng nhưng chỉ tính
riêng tiền ăn uống cho 4 nhân khẩu, chi phí học hành cho 2 con, rồi đám ma,
cưới hỏi, mừng thọ thay phiên nhau.. đã ngốn gần hết số đó. Mới đây, giá cả liên tục tăng ở các mặt hàng sinh hoạt khiến số tiền lương của hai vợ
chồng chị Thúy không thể dôi ra được đồng nào dù biết là phải
tích góp phòng khi ốm đau hay có việc đột xuất.
Sinh viên thảng thốt với tăng tiền nhà
Tăng giá thời gian qua đối với sinh viên - đối tượng chưa làm ra tiền thì sự eo hẹp trong chi tiêu càng phải thắt chặt. Nỗi lo nhất của sinh viên là giá phòng trọ tăng, rồi tiếp đó là giá điện. Hiện tại, giá thực phẩm tăng khiến cơm bình dân cũng tăng theo, sinh viên chắc chắn sẽ phải “dùng” mì tôm thay thế trong nhiều bữa ăn chính. Thế mà, hiện tại, cả mì gói gần đây cũng tăng giá.
Trong cơn "bão giá" mới, bữa ăn của nhiều sinh viên hầu như không có thịt cá mà chỉ toàn rau củ, đậu phụ với tô canh. Ra chợ bây giờ, nhiều bạn nữ sinh cứ tần ngần mỗi khi móc tiền ra trả hay “nhấc lên đặt xuống” cân nhắc thật kĩ trước một món hàng. Từ mớ rau con cá đến những mặt hàng phi thực phẩm cũng tăng từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng. Khi được thắc mắc về giá tăng “chóng mặt”, các tiểu thương cho biết, giá xăng tăng, chi phí vận chuyển cũng tăng theo nên giá các mặt hàng hẳn nhiên là phải tăng.
Nhiều bà nội trợ lựa chọn hàng rau thay cho thịt, cá (Nguồn: Eva)
Cầm 30.000 đồng trong tay, K.Hà (SV ĐH sư phạm Hà Nội) đi chợ Xanh gần đó mua đồ ăn cho cả 3 thành viên trong phòng. Cô bạn mua 15.000 thịt gà, 10.000 rau, phần còn lại mua gia vị. Hà cho biết: “Thời điểm này bọn em chọn ăn thịt gà vì nó rẻ hơn thịt lợn. Nhấc lên hạ xuống mãi mới mua đủ một bữa ăn cho cả phòng”.
Khánh, SV ĐH GTVT Hà Nội, lại cho biết: “Con gái đảm đang, biết quản lí chi tiêu lại khéo mặc cả nên mua được với giá rẻ chứ chúng em con trai, đi chợ vài hôm là hết nhẵn tiền. Những ngày còn lại phải mua rau, canh…ăn tạm”.
Không chỉ đối mặt với “bão giá” nhiều sinh viên còn lo ngay ngáy vì bị nâng tiền nhà, các chủ trọ đang “tát nước theo mưa”, lấy cớ giá cả tăng. Cũng giống như hầu hết các chỗ trọ khác, chủ nhà trọ của Nhung (ĐH Thương mại) ở Cầu Diễn cũng vừa tăng giá thêm 100.000 đồng/phòng. Nhung bức xúc: “Mỗi lần tăng bác ấy đều ngon ngọt “đây là lần cuối cùng” sau đó vài tháng lại tiếp tục nâng giá”. Nhiều sinh viên không trụ nổi tại các phòng trọ chất lượng tốt, đã phải chuyển sang các khu trọ hẻo lánh, lụp xụp với giá thấp hơn vài trăm ngàn đồng.
Mẹo chống “bão giá”
Nhiều chị em “tay hòm chìa khóa” trong những ngày
này đã phải đau đầu tính toán để có cách chi tiêu hợp lý nhằm tiết kiệm tiền. Gia đình chị Ngân (đường Giải Phóng, Hà Nội), thay vì các bữa sáng cả
gia đình đi ăn ở quán thì chị chuyển sang huy động cả nhà ăn sáng bằng đồ ăn do
chị nấu ở nhà.
Nếu như trước đây đi ăn sáng mỗi người tốn 15.000 - 20.000 cho một bát phở hoặc bún, thêm tiền trà đá nữa chị cũng phải chi mất hơn 80.000/ngày thì nay chị Ngân chịu khó dậy sớm rang cơm hoặc nấu mì tôm cho cả nhà, như thế cũng tiết kiệm được vài chục nghìn đồng.
Nhiều bà nội trợ khác cũng tích cực vận động gia đình cắt giảm chi tiêu bằng cách cắt giảm thực đơn hoa quả hoặc thay đổi thực đơn chính từ thịt cá sang... nhiều rau, hay giảm từ 2 món thức ăn mặn trong bữa xuống còn 1 món mặn, hạn chế dùng điện, ga…
Dân công sở cũng rất linh động trong việc chi tiêu tiết kiệm, thay vì đi làm ăn cơm trưa ngoài mất 25.000 – 30.000/ suất thì buổi sáng dậy họ nấu cơm rồi mang theo ăn trưa. Chị Lan Anh, nhân viên văn phòng ở Ngã Tư Sở, cho biết: “Thú vui shopping của mình cũng bị hạn chế đi nhiều, ngày trước mình với người yêu còn có thói quen lượn phố nay cũng bị cắt bỏ vì xăng lên giá. Nghe có vẻ buồn cười nhưng mình nghĩ như vậy thì tốt hơn trong những lúc giá cả đồng loạt leo thang thế này”.
Nhiều chị em nội trợ cũng rỉ tai nhau, vào buổi sáng thay vì đi chợ cóc gần nhà họ chịu khó dậy sớm đi ra các chợ đầu mối vừa được hàng ngon, giá lại rẻ. Nhiều sinh viên lại khuyến khích nhau mua chung hàng. Mua nhiều giá giảm hơn so với mua lẻ, hay vào siêu thị săn hàng giảm giá. Thay vì tiết kiệm như các bạn nữ nhiều sinh viên nam tăng cường đi làm parttime, những công việc sau giờ học vừa thêm kinh nghiệm lại vừa có một khoản tiền đỡ đần các sinh hoạt phí của những ngày “bão giá” hoành hành.
Minh Ngọc (tổng hợp)