- Trong thời buổi kinh tế khó khăn, chứng khoán và BĐS lao dốc, đa số các nhà đầu tư chứng khoán chứng kiến cảnh thua lỗ. Tuy nhiên, với nhiều người, việc kiếm cả trăm tới ngàn tỷ từ lĩnh vực này cũng không phải bất khả thi.
Qua thời hoành tráng, giật mình cục nợ ngàn tỷ
‘Vua tiền mặt’ và những vụ thâu tóm ngàn tỷ
Sáng 7/5, cổ phiếu Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) bất ngờ tăng trần với dư mua khá lớn. Cổ phiếu này cũng đã tăng mạnh trong hai tuần qua, từ mức trên 18.000 đồng/cp lên trên 23.000 đồng/cp.
Không chỉ PPC nóng mà cổ phiếu REE của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh của bà chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh cũng sốt không kém. Hiện tượng cổ phiếu REE tăng giá được cho là “ăn theo” PPC khi có tin DN này nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu nhiệt điện này.
Hồi cuối tháng 4, bà Mai Thanh đã được bầu làm thành viên HĐQT, đại diện cho REE vốn là cổ đông lớn thứ hai sở hữu hơn 22% cổ phần tại PPC, tương đương với hơn 70 triệu cổ phiếu.
Với giá vốn của khoản đầu tư nói trên ở mức khoảng 10.000 đồng/cp, thương vụ này được giới đầu tư xem là thành công. Nếu chốt lãi với mức giá gần 24.000 đồng/cp như hiện nay, lợi nhuận có thể lên tới cả nghìn tỷ đồng, cao hơn lợi nhuận của doanh nghiệp này trong cả năm 2012.
Trước đó, REE cũng đã khá nổi tiếng với thương vụ đầu tư vào cổ phiếu Sacombank với khoản lãi lên tới cả trăm tỷ đồng, sau khi thoái vốn bán cho nhóm thâu tóm đơn vị này.
CTCP Đầu tư và Thương mại PFV gần đây cho biết, trong năm 2012, doanh nghiệp này đạt lợi nhuận sau thuế lên tới 327 tỷ đồng (tăng 325 tỷ so 2011) do tăng lợi nhuận từ hoạt động tài chính hoán đổi cổ phiếu VPL lấy cổ phiếu VIC.
Cũng trong năm vừa qua, một trường hợp đầu tư tài chính thành công khác là SouthernBank. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của ngân hàng này đạt được kết quả cực kỳ ấn, với mức lãi 1.195 tỷ đồng, gấp hơn 120 lần so với mức lãi 9,8 tỷ đồng của năm 2011. Hoạt động đầu tư này đã giúp SouthernBank bù đắp được khoản lỗ hơn 285 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh chính.
Thua lỗ vẫn là chính
Chuyên nghiệp như các CTCK và các quỹ đầu tư, trong năm vừa qua, không ít đơn vị đã tiếp tục chứng kiến cảnh thua lỗ như: Chứng khoán Chợ Lớn (lỗ 3 năm liên tiếp); Chứng khoán Navibank (lỗ 5 năm liên tiếp); Chứng khoán Sacombank (trên bờ vực phá sản); Chứng khoán Phú Hưng (năm 2012 lỗ sau kiểm toán vượt 100 tỷ đồng)…Với các đơn vị không chuyên như các doanh nghiệp niêm yết, tình trạng lỗ do đầu tư chứng khoán cũng phổ biến hơn bao giờ hết.
Báo cáo tài chính của Tổng công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (VNE) cho thấy, tới cuối quý I/2013, doanh nghiệp này vẫn giữ rất nhiều cổ phiếu khác như: 134 nghìn cổ phiếu LAF giá vốn hơn 19.600 đồng/cp, 105.000 cổ phiếu PVX giá vốn hơn 17.000 đồng/cp, 309.000 cổ phiếu LCG giá vốn hơn 17.000 đồng/cp… Những khoản đầu tư trên hầu hết đã giảm trên một nửa giá trị đầu tư ban đầu, công ty cũng đã tiến hành trích lập dự phòng.
Hay như, NTL vẫn nắm giữ hơn 820.000 cổ phiếu SJS giá vốn gần 54.000 đồng/cp (hiện còn khoảng 15.500 đồng/cp); nắm 550.000 cổ phiếu SVS với giá vốn 10.000 đồng/cp (SVS sẽ phải hủy niêm yết trên HNX từ 10/5 tới đây, giá còn 3.500 đồng/cp)…
Trước đó, năm 2008, chính REE cũng đã ngã đau với khoản lỗ 153 tỷ đồng sau thuế do trích lập dự phòng đầu tư chứng khoán và bán lỗ chứng khoán. Khi đó, vấn đề lớn của REE chính là đã sa lầy vào hoạt động đầu tư tài chính, trong đó có những khoản đầu tư ở mức giá rất cao như đầu tư vào cổ phiếu ACB, ASM...
Nhìn lại hoạt động của REE có thể thấy, doanh nghiệp này đã phải mất 3-4 năm, khi mà sóng M&A nổi lên với những vụ thâu tóm rùm beng, đơn vị này mới giải quyết được một loạt mớ cổ phiếu đầu tư kém hiệu quả.
Hiện tượng một số doanh nghiệp thắng lợi trong hoạt động đầu tư tài chính cho thấy TTCK vẫn có những điểm sáng. Mặc dù vậy, thực tế mà nói là không nhiều. Đa số các cổ phiếu vẫn có giá thấp, trong đó số lượng cổ phiếu dưới 1.000 đồng vẫn đầy sàn. Hoạt động đầu tư chứng khoán là một lựa chọn nhưng có lẽ không phù hợp với các đơn vị không chuyên. Với các doanh nghiệp, tập trung phát triển ngành kinh doanh chính có lẽ cần được ưu tiên hơn nữa.
Mạnh Hà