Theo Nghị định 84, một lít xăng hiện đang chịu 4 loại thuế và 3 loại chi phí. Tổng 7 loại thuế và phí này khoảng 9.000 đồng/lít, tương ứng 39% giá bán một lít xăng.

Các khoản thuế, phí chưa tính thuế giá trị gia tăng khoảng 7.000 đồng/lít. Chi phí kinh doanh của doanh nghiệp 860 đồng/lít và lợi nhuận định mức 300 đồng/lít.

Nhìn cơ cấu giá thành có thể thấy doanh nghiệp và nhà nước đang chia nhau hơn 7.000 đồng/lít xăng. Dự thảo sửa đổi Nghị định 84 sẽ được trình Chính phủ muộn nhất vào ngày 30/6 dự kiến sẽ tạo bước đột phá nhưng nội dung dự thảo lại thiếu tín hiệu giảm gánh nặng cho người tiêu dùng từ thuế và phí.

Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch VINPA nói: “Trên thị trường xăng dầu, có những quy định không thể thực hiện được và làm gì còn cơ chế thị trường khi các doanh nghiệp đang bị can thiệp quá sâu, bị quy định cả chi phí kinh doanh và lợi nhuận”.

Vị Chủ tịch cũng bất bình với đợt tăng giá cuối tháng 3, theo ông, cách điều hành này là khó hiểu, khi thời điểm cần giảm thì giá lại tăng mạnh. Lý giải về sự bất thường này, ông Ruệ cho rằng thuế nhập khẩu xăng dầu đang biến động quá nhiều, năm 2010 thuế chỉ điều chỉnh 4 lần, nhưng năm 2012 thuế điều chỉnh 7 lần. “Giá thế giới nhích mấy USD đã tăng đến mấy % thuế là tùy tiện”, ông nhấn mạnh. 

{keywords}

Đồng tình, ông Nguyễn Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Đồng Tháp cho rằng, thuế nhập khẩu xăng dầu tăng giảm rất thất thường, không rõ ràng và cần xem lại việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, vì xăng dầu đã chịu thuế môi trường.

“Nếu thuế môi trường chưa đủ thì đánh cao hơn, nhưng cần bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt vì xăng là mặt hàng thiết yếu với đời sống”, ông Dũng nói.

Liên quan đến vấn đề thuế, VINPA kiến nghị, Bộ Tài chính cần ổn định thuế nhập khẩu trong 1 năm. Điều này giúp nhà nước biết được doanh nghiệp xăng dầu đóng góp bao nhiêu vào ngân sách, doanh nghiệp chủ động được kế hoạch kinh doanh và bớt đi một yếu tố biến động trong công thức tính giá, chỉ còn phải tính đến giá thế giới và tỷ giá; cơ quan hải quan cũng không lo doanh nghiệp trốn thuế.

Một khoản cộng khác trong giá cơ sở xăng dầu là mức trích quỹ bình ổn giá. Nhận xét về hoạt động của quỹ, VINPA cho rằng việc quản lý, điều hành quỹ không minh bạch, khiến người tiêu dùng bức xúc. Ví dụ giá đáng lẽ chỉ tăng 1.000 đồng/lít nhưng vì phải gánh quỹ nên tăng thành 1.300 đồng/lít.

Theo vị Chủ tịch VINPA, nghị định quản lý quỹ đã được Thủ tướng Chính phủ quy định chặt chẽ, nhưng lỗi là do Bộ Tài chính, Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện chưa đến nơi đến chốn.

“Cơ quan quản lý đang lạm dụng quỹ và thuế nhập khẩu làm giá xăng dầu méo mó. Giá bình quân nhập khẩu chỉ giảm vài USD mà tăng thuế nhập khẩu là tùy tiện”, ông Ruệ chỉ trích.

Tham gia hội thảo, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Nghị định 84 là tạo ra thị trường cạnh tranh hơn.

Theo đó, có sự thay đổi rõ rệt về các đầu mối doanh nghiệp, cơ cấu thị trường theo hướng cạnh tranh. Số liệu được ông Quyền đưa ra là sau 3 năm, thị phần của Petrolimex còn 50%, thị phần của Công ty Xăng dầu Thanh Lễ từ 3% tăng lên 7%, thị phần của PV Oil là 15%. Tuy nhiên, với một doanh nghiệp chiếm đến 50% thị phần có thể thấy thị trường xăng dầu vẫn còn thiếu tính cạnh tranh.

Trước các ý kiến chỉ trích từ VINPA và các doanh nghiệp thành viên, đại diện cơ quan chức năng tham dự hội thảo không có ý kiến phản hồi.

Với tư cách đại diện người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thắc mắc: “Ở Việt Nam có nhiều câu chuyện kỳ lạ, chúng tôi có quyền tham gia chính sách nhưng chưa một lần nào ngành xăng dầu mời dự buổi điều chỉnh giá. Chúng tôi muốn thông tin minh bạch”, ông Hùng nhấn mạnh.

Người tiêu dùng chỉ cần được minh bạch, nhưng đây có lẽ vẫn là điều xa xỉ khi cuộc các cuộc tranh luận chỉ ở thế giằng co giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

(Theo VnEconomy)