Lường trước khó khăn kinh tế còn kéo dài, nhiều doanh nhân đã xoay đủ cách để tự cứu mình. Nhiều doanh nhân đổ vốn ra nước ngoài, người tìm kiếm thị trường mới, có người tập trung phát triển chuỗi sản xuất hoặc tung tiền thâu tóm doanh nghiệp; đầu tư đón đầu các cơ hội tiềm năng.

Kiếm cơ hội ở nước ngoài

Tại đại hội cổ đông Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA) mới diễn ra , cổ đông rất hưởng ứng với chiến lược hướng ngoại của DN.

Theo đó, DN sẽ dùng quỹ thặng dư vốn góp cổ phần đã chào bán các năm 2008-2010 cho việc đầu tư dự án tại Lào nhằm xuất khẩu sản phẩm túi nhựa trở lại sang thị trường Mỹ sau khi bị áp thuế suất cao tới trên 50% trước đó. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục mở rộng nhà máy tại Hải Dương để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật.

Trái với tình cảnh nằm ôm vốn, lo giữ vững quy mô hiện tại, nếu thừa tiền chia bớt cổ tức cho cổ đông, nhiều doanh nghiệp như đang tính những nước đi mới trong chiến lược kinh doanh trong thời kỳ kinh tế đình trệ.

{keywords}
Nhiều DN sang Lào, Campuchia trồng cao su.

Hoàng Anh Gia Lai (HAG) gần đây đang đẩy mạnh dự án BĐS hàng trăm triệu đô ở cố đô Yangon của Myanmar nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh nhà đất cũng như văn phòng tại đây cũng như thúc đẩy trọng điểm kinh doanh trông cây cao su tại Lào, Campuchia, Việt Nam.

Xu hướng tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở nước ngoài đang hình thành khá rõ nét với chuyển động của các đại gia lớn như Viettel (đầu tư mạng viễn thông tại nhiều nước như Campuchia, Lào, Haiti, Mozambique…); BIDV, Sacombank, SHB mang dịch vụ sang các nước trong khu vực; CT Group sang Mayanmar, Nhật.

Các tập đoàn và doanh nghiệp lớn như VNR, FPT, PVN, GMD… cũng đang triển khai theo hướng này.

Nhiều DN lớn trong nước đã nhận thấy khả năng phát triển sẽ bị thu hẹp nếu chỉ gói gọn ở thị trường trong nước.

Trong trường hợp Viettel, cho dù dịch vụ di động tại Việt Nam vẫn được đánh giá có khả năng sinh lời rất tốt và Viettel hiện đang dẫn đầu lĩnh vực này nhưng để người khổng lồ này phát triển theo đúng tiềm lực của mình thì thị trường trong nước dường như không đủ.

Lấn sang những mảnh đất tiềm năng

Thị trường khó khăn không có nghĩa là không có tiêu thụ. Trên thực tế các hoạt động kinh tế vẫn diễn ra bình thường. Thu nhập thấp của đại bộ phận người dân khiến cho sức cầu tập trung vào những hàng hóa thiết yếu. Đây cũng là cơ hội để các DN có tiềm lực phát triển.

Gần đây, cho dù kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng giới đầu tư liên tục nhận được thông tin về hoạt động thâu tóm, mở rộng sản xuất kinh doanh của đại gia Masan (MSN). Trong tháng 2/2013, Masan Consumer (một công ty con của MSN) đã chi khoảng 171 tỷ đồng mua lại 24,9% cổ phần trong công ty nước khoáng Vĩnh Hảo. Và gần đây nhất, Masan Consumer tiếp tục mua thêm 3,13 triệu cổ phần của Vĩnh Hảo, tăng tỷ lệ nắm giữ lên gần 62%.

Trước đó, MSN đã thâu tóm thành công Vinacafé Biên Hòa, CTCP Việt Pháp sản xuất thức ăn Gia Súc (Proconco) và đang tính mua lại công ty bia và nước giải khát Phú Yên.

{keywords}

Nhìn vào hoạt động M&A của MSN có thể thấy, tập đoàn này đã dùng rất nhiều tiền cho hoạt động này. MSN thậm chí không chia cổ tức cho cổ đông để lấy tiền cho các hoạt động mua bán sáp nhập. Hoạt động M&A ồ ạt này khiến nhiều người lo ngại.

Có thể thấy, Masan đang đầu tư khá bài bản bằng bằng chính sở trường của mình, đi sâu vào nhu cầu cơ bản của thị trường, tạo thành chuỗi giá trị từ giống, thức ăn cho tới chăn nuôi, chế biến và phân phối, bảo quản…

Với GMD, trong vài năm gần đây, doanh nghiệp này đang rời xa lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là giao nhận và vận tải, vốn đang có chiều hướng đi xuống, để theo một lĩnh vực khá xa lạ là trông cao su và địa bàn hoạt động là ở Campuchia.

Theo giải thích của lãnh đạo GMD, nếu kiên định theo đuổi ngành nghề kinh doanh lõi là đại lý vận tải, lợi nhuận thu về nếu thuận cũng chỉ khoảng 10 tỷ đồng, rất thấp so với quy mô nghìn tỷ của mình.

Hiện tượng doanh nghiệp tập trung nội lực để khai thác thế mạnh của mình, khai thác các ngành tiềm năng, ngành thế mạnh của các doanh nghiệp nội đang cho thấy một hướng đi mới nhằm vượt quá những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Những trường hợp như NBB, SHB nhảy vào khôi phục lại doanh nghiệp thủy sản của đại gia Diệu Hiền, hay một số doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất bánh kẹo, thủy sản, đồ uống, da giày, dệt may mở rộng sản xuất… cho thấy xu hướng này đang ngày càng phát triển.

Trong khi đó, những DN trong ngành sữa lại đang tập trung hết nguồn lực để củng cố năng lực kinh doanh. Vinamilk đang dồn hết sức để xây hai siêu nhà máy sữa bột chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới. Còn TH Tru milk cũng chuẩn bị hoàn thành nhà máy sữa của mình, đầu tư phát triển đàn bò và mở rộng diện tích trồng cỏ để giữ vững vị thế sữa tươi của mình. Còn sữa Quốc tế, đang đầu tư rất mạnh cho thương hiệu mới và taapjtrung chuẩn hóa và phát triển nguồn nguyên liệu ở Ba Vì và các tỉnh phía Bắc.

Thực tế cho thấy, với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam vẫn là một thị trường đầy tiềm năng. Trong khủng hoảng, sức cầu nội địa có thể thấp nhưng nhiều mặt hàng vẫn có đất sống. Việc chuyên sâu vào những lĩnh vực có thế mạnh, tập trung vào nâng cao hiệu quả, giảm giá thành, cạnh tranh được với hàng nhập khẩu giá rẻ có thể là hướng đi cho nhiều doanh nghiệp.

Về mặt lý thuyết, mỗi nền kinh tế trong giai đoạn đầu phát triển thường tăng trưởng nhanh do dựa vào xuất khẩu với nhân công rẻ. Để có thể tiếp tục phát triển, việc dựa vào thị trường nội địa là không tránh khỏi. Việc làm chủ thị trường trong nước, không để rơi vào DN là điều cần thiết hơn bao giờ hết.

Huấn Tú