Có lẽ chưa có dự án thủy điện nào có nhiều tranh cãi như thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Đã 6 năm trôi qua, nhưng tranh cãi ngày càng quyết liệt và chưa đi đến hồi kết…

Dòng sông thủy điện

Sông Đồng Nai là con sông có rất nhiều bậc thang thủy điện. Đầu nguồn có thủy điện Đa Nhim, Đại Ninh, rồi tiếp đến là các thủy điện Đồng Nai 2,3,4,5,6, 8 và cuối nguồn có thủy điện Trị An.

Đến nay, thủy điện Đa Nhim, Đại Ninh, Trị An, Đồng Nai 3 và 4 đã đi vào hoạt động, thủy điện Đồng Nai 2 dự kiến vận hành trong năm 2013, Thủy điện Đồng Nai 5 công suất 150 MW cách Vườn Quốc gia Cát Tiên 1 km đang xây dựng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2015.

Như vậy cho đến nay chỉ còn 2 thủy điện Đồng Nai 6 và 8 chưa xây dựng. Thủy điện Đồng Nai 6 đã tách thành 2 bậc là 6 và 6A, còn thủy điện Đồng Nai 8 nằm dưới thủy điện Đồng Nai 6 thuộc khu Nam Cát Tiên cũng được tách thành 5 bậc.

Trong số các thủy điện trên, có thủy điện Đa Nhim đã điều chỉnh dòng chảy chuyển 5% lượng nước về tỉnh Ninh Thuận và thủy điện Đại Ninh chuyển 7% nước về tỉnh Bình Thuận, còn lại các thủy điện khác đều không chuyển dòng. Tuy nhiên thủy điện Đồng Nai 4 nằm cách Vườn Quốc gia Cát Tiên 40 km, công suất 340 MW có tổ máy đặt cách đập 4 km, nước từ đập được dẫn vào đường ống để chảy qua tua bin, khiến cho 4 km dòng sông nơi đây cạn khô, chỉ có nước khi lũ về và cửa xả hồ chứa mở.

Đồng Nai có ý kiến phản đối

Có không ít các thủy điện trên liên quan trực tiếp đến Cát Tiên nhưng thủy điện 6 và 6A đang gây ra nhiều tranh cãi nhất.

Tỉnh Đồng Nai đã có ý kiến phản đối hai dự án này. Đồng Nai nằm ở hạ lưu của 2 thủy điện này. Trong khi các tỉnh như Lâm Đồng, Bình Phước... và các bộ ngành đều ủng hộ triển khai dự án theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt

{keywords}
Khu vực rừng nơi dự kiến xây thủy điện.

Theo tỉnh Đồng Nai thủy điện Đồng Nai 6 và 6A khi thực hiện sẽ chiếm 137,5 ha diện tích rừng của Vườn Quốc gia Cát Tiên, tác động ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Việc chặn dòng sông sẽ làm thay đổi môi trường sinh thái... Trong quá trình xây dựng thủy điện sẽ gây chấn động, ảnh hưởng đến sinh cảnh của các loài động vật hoang dã, tạo điều kiện lâm tặc lợi dụng tiếp cận rừng.. Ngoài ra, Đồng Nai lo ngại thủy điện có thể gây thay đổi dòng chảy, gia tăng nguy cơ xói mòn đất, sạt lở bờ sông, lũ quét và hạn hán.

Chính vì vậy, tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Chính phủ xem xét không triển khai xây dựng thủy điện 6 và 6A. Đồng thời loại bỏ khỏi quy hoạch thủy điện bậc thang trên sông Đồng Nai hai bậc 6 và 6A.

Ngược lại, Bộ Công thương cho rằng 2 dự án này vẫn thực hiện đúng các quy định của pháp luật, không có sai phạm gì và có diện tích chiếm đất thấp hơn rất nhiều so với các công trình thủy điện khác, hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên do có sự hiện diện của Vườn Quốc gia Cát Tiên nên Bộ Công thương có khuyến cáo phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường thật kỹ để có cơ sở phê duyệt.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc đồng ý việc xây dựng 2 thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, cho rằng 2 dự án thủy điện này có làm mất rừng ở Vườn Quốc gia Cát Tiên nhưng ảnh hưởng ít, không tác động đến sinh cảnh khu vực quan trọng là Bàu Sấu.

DN giữa dòng khốn khổ

Theo Công ty Đức Long Gia Lai, bậc thang thủy điện Đồng Nai 6 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch bậc thang thủy điện sông Đồng Nai.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, UBND các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông và Bình Phước, Công ty đã tiến hành nghiên cứu và thuê khảo sát, lập Báo cáo đầu tư, Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án này.

{keywords}
Đoạn sông dự kiến làm nhà máy điện.

Như vậy quy hoạch thủy điện bậc thang trên sông Đồng Nai đã được phê duyệt và công bố rộng rãi từ năm 2002, sau 5 năm Đức Long mới xin làm, cả thời gian dài đó không ai có ý kiến gì, ngay cả Ban quản lý Vườn Quốc gia Cát Tiên tới 2009 cũng không hề phản đối.

Đến 2011 khi Đức Long đã chi hàng chục tỷ đồng để khảo sát, nghiên cứu đánh giá, lập dự án thì mới phản ứng. Đến nay quá nhiều ý kiến khiến cho dự án trải qua 6 năm vẫn chưa thể thực hiện được. DN thiệt hại mà không biết kêu ai?

“Nếu các cơ quan chức năng đánh giá 2 dự án này có tác động xấu tới môi trường khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên, buộc phải dừng thì chứng tôi chấp hành. Nhưng chúng tôi khẳng định dự án có tác động không lớn đến môi trường và là có hiệu quả rất cao. Diện tích rừng bị mất rất nhỏ chỉ 1,34 ha cho 1 MW điện và khu vực làm thủy điện là rừng thứ sinh nghèo, đã bị tác động, khai thác trong nhiều năm qua. Hơn 95% là rừng lồ ô, hỗn giao, đất trống và đất xâm canh,”. Ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Công ty Đức Long nói.

Vị trí các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A ở trung lưu dòng chính sông Đồng Nai, đoạn rìa phía bắc khu Cát Lộc thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên, thuộc huyện Cát Tiên tỉnh Lâm Đồng, cách xa khu vực Bàu sấu và khu Nam Cát Tiên ở huyện Tân Phú tỉnh Đồng Nai 35km.

Theo đại diện Công ty Đức Long – Gia Lai, với mục đích khai thác được tiềm năng thủy điện đồng thời làm giảm thiểu tối đa diện tích chiếm đất, diện tích rừng và ảnh hưởng tác động xấu đến môi trường, sinh thái, Công ty đã xem xét nhiều vị trí tuyến, kết quả đã đề xuất chia bậc thang thủy điện Đồng Nai 6 theo quy hoạch cũ thành hai bậc thang:thủy điện Đồng Nai 6, công suất 135MW và thủy điện Đồng Nai 6A, công suất 106 MW. Qua đó, công suất tăng thêm 61 MW, sản lượng điện tăng thêm 155,56 triệu kwh so với phương án cũ nhưng giảm thiểu được diện tích chiếm đất cũng như các tác động đến Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Cho đến nay dự án này đang trong quá trình hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường để trình Bộ Tài nguyên Môi trường thẩm định, sau đó trình Chính phủ duyệt và tiếp đến là đưa ra Quốc hội xem xét phê chuẩn. Tuy nhiên với những ý kiến trái ngược như vậy, không biết số phận của dự án này sẽ ra sao?.

Trong khi phản đối quyết liệt dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thì tỉnh Đồng Nai mới cho tạm ngừng để rà soát đánh giá lại quy hoạch thủy điện bậc thang sông Đồng Nai và tác động tới môi trường- xã hội đối với thủy điện Đồng Nai 8, chứ không đề nghị loại bỏ.

Như đã nói, thủy điện Đồng Nai 8 theo quy hoạch hiệu chỉnh do Bộ Công thương phê duyệt năm 2009 được thay thế bằng 5 bậc thang thủy điện nhỏ hơn (Tà lài, Phú Tân 1, Phú Tân 2, Thanh Sơn, Ngọc Định), tổng công suất 164 MW, diện tích chiếm đất 361,33 ha, có hồ nước lớn ngập khu Nam Cát Tiên (nơi đang đề cử di sản thiên nhiên thế giới) thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai. Tuy tạm ngừng để rà soát đánh giá lại tác động tới môi trường- xã hội nhưng tỉnh Đồng Nai lại đánh giá cao các thủy điện này.

Cụ thể là các thủy điện này có đập dâng thấp, chỉ có tác dụng hướng dòng nước vào nhà máy thủy điện, lưu lượng nước từ thượng nguồn về bao nhiêu thì được xả về hạ lưu bấy nhiêu, không có hiện tượng tích lũ, xả lũ.

Khi xây dựng thì hệ thống đường xá sẽ được chủ đầu tư nâng cấp để phục vụ thi công và vận hành công trình sau này, tạo điều kiện lưu thông kinh tế của khu vực 2 bờ sông.

 Trần Thủy