Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ bán ra tổng cộng hơn 30 tấn vàng trong năm nay và nhập về một khối lượng tương ứng để bù đắp trạng thái vàng của các ngân hàng cùng với việc bán ra thị trường, theo một đại diện của cơ quan này.

Từ cuối tháng 3 vừa rồi NHNN đã tổ chức các phiên đấu thầu để cung ứng vàng cho thị trường trong nước. Theo vị trên, dự kiến ban đầu là sẽ bán ra khoảng 20 tấn, bằng với số lượng các ngân hàng cần để tất toán trạng thái. Tuy vậy, khi tổ chức các phiên đấu thầu, nhu cầu vàng đã không chỉ đến các ngân hàng nằm trong dạng này, mà còn đến từ phía người dân. Trong 20 tấn vàng đã bán ra, gần một nửa số vàng đã “mất hút” trong thị trường.

Đến thời điểm này vẫn còn thiếu trên 10 tấn vàng nữa mới đủ để các ngân hàng trả cho người gửi tiền. Vì vậy, NHNN sẽ tiếp tục bán ra trong thời gian tới, tối thiểu bằng mức trên.

Như vậy, cơ quan này sẽ tốn hết khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ để nhập vàng từ nước ngoài. Nguồn đô la Mỹ sẽ dùng từ nguồn dự trữ ngoại hối, để không gây tác động đến tỷ giá. Vừa qua đã có một số ngân hàng bán ngoại tệ cho NHNN nên nguồn cung cũng được bổ sung. 

{keywords}

Vị đại diện nói trên cũng cho hay, nhu cầu vàng các năm trước mỗi năm khoảng 50 tấn, nhưng trong 2 năm qua, việc cấm nhập vàng đã khiến cho lượng vàng trong nước cần tiêu thụ bị giảm sút mạnh. Do đó trong thời gian vừa qua, lượng vàng nhập về đã được mua khá nhiều, tuy vậy, vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với các năm trước. Một phần nữa là giá vàng thế giới giảm mạnh trong thời gian gần đây, khiến cho người dân muốn nắm giữ vàng.

Về việc đóng trạng thái vàng ở nước ngoài, chỉ còn một ngân hàng chưa thực hiện xong, và dự kiến sẽ hoàn tất trong tuần này. Còn với vàng huy động và cho vay, nhiều ngân hàng vẫn chưa đóng trạng thái xong.

Giá vàng đã giảm giá khá mạnh trong năm nay. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng SJC loại 1 lượng đã giảm 12%. Xu hướng giảm cũng được các chuyên gia đánh giá sẽ diễn ra trong năm nay. Vì vậy NHNN cho biết nhu cầu vàng của người dân sẽ tiếp tục tăng khi giá giảm, nên sẽ tiếp tục bán ra thị trường cho đến khi nhu cầu của người dân giảm bớt.

Tuy nhiên, việc kéo gần khoảng cách giá trong nước và thế giới sẽ được thực hiện thận trọng bởi nếu kéo xuống quá thấp, nhu cầu tăng mạnh sẽ khiến nguy cơ “sốt vàng” bùng phát trở lại.

(Theo TBKTSG)