Một hiệu phó trường mầm non đã kiêm nghề cho vay nặng lãi và không ít “con nợ” là nhân viên cấp dưới của cô. Không khả năng trả nợ, hai bảo mẫu của trường (cũng là “con nợ”) đã nghỉ việc. Chuyện xảy ra tại Trường MN Nguyễn Thái Bình (Q.1, TP.HCM).

Chúng tôi tìm gặp những cô giáo “vì nợ phải nghỉ việc” để tìm hiểu sự việc. Cô Mai Thị Lệ Th. (bảo mẫu) kể, cô có thâm niên 14 năm làm bảo mẫu tại Trường MN Nguyễn Thái Bình. Ngoài giờ làm việc ở trường, cô còn làm việc nhà, giữ con giúp cô Trần Liên Hương - Hiệu phó trường. Rồi cô được cô Hương cho vay 10 triệu đồng không lãi để mua xe cho con gái, trả dần mỗi tháng một triệu. Thấy cô Hương quá tốt với mình, nên khi những người trong xóm có nhu cầu vay, cô Th. đã giới thiệu cho cô Hương. “Tôi chỉ cho số điện thoại của cô Hương để hai bên trao đổi với nhau chứ không bảo lãnh cho ai cả” - cô Th. cho biết.

Đã có hơn 10 người vay tiền cô Hương thông qua sự giới thiệu của cô Th. với số tiền vay lên khoảng 1,4 tỷ đồng, lãi suất từ 5-7% tùy trường hợp. Nếu vay trả góp thì được tính theo cách: vay 100 triệu, mỗi tháng trả 20 triệu, trả trong sáu tháng. Theo lời cô Th., cô còn là người đi thu tiền tháng (tiền lời hoặc tiền góp) giúp cô Hương mà không lấy tiền công.

“Xuôi chèo mát mái” được một thời gian thì các “con nợ” bắt đầu không trả nổi tiền góp, xin khất lãi, xin được cộng lãi vào vốn. Thêm một thời gian nữa, các “con nợ” bắt đầu “bùng”. Thúc giục cô Th. đòi nợ không được, đến tháng 3/2012, cô Hương lập danh sách 14 người vay với 28 khoản vay, tổng số tiền vay lên đến 1.495.500.000đ (nếu gộp cả tiền lãi thì tiền nợ lên đến 1.578.635.000đ) và bắt cô Th. “xác nhận danh sách trên là đúng với thực tế tôi đã nhận tiền từ chị Hương để giao cho những người vay”. Trong một danh sách khác, cô Th. phải xác nhận: “Tôi có nhiệm vụ cung cấp địa chỉ của những người mượn tiền để chị Hương thu hồi nợ”. Một danh sách khác, cô Th. còn “cam kết sẽ trực tiếp đòi nợ khoản tiền theo danh sách (161.760.000đ) và hoàn lại cho chị Hương”. Nhưng, con nợ như bóng chim tăm cá, chẳng thể tìm. Không chịu nổi áp lực quá nặng nề từ cô Hương, cô Th. chọn phương án xin nghỉ việc để… trốn.

{keywords}

Danh sách “con nợ” và đơn tố giác hành vi cho vay nặng lãi

Tương tự, cô Lê Thị Bích T. (bảo mẫu) cũng xin nghỉ việc sau 19 năm gắn bó với trường. Cô T. có mượn cô Hương 60 triệu đồng. Sau nhiều năm, vốn vẫn còn nguyên mà tiền lãi cũng không thể trả nổi. Hiện cô T. đang “chạy trốn”. Anh Lâm Phước Hải - chồng cô T., kể: “Vợ tôi mượn tổng cộng 60 triệu đồng, trong đó có mượn giùm người khác 30 triệu, rồi cầm cả thẻ ATM (lương mỗi tháng khoảng ba triệu) cho cô Hương”.

Trong khi các nhân viên cấp dưới phải trốn chạy bằng cách xin nghỉ việc thì cô Hiệu phó Trường MN Nguyễn Thái Bình Trần Liên Hương - chủ nợ, cũng đang đứng trước nguy cơ mất tiền tỷ.

Tiếp xúc với chúng tôi vào chiều tối 27/5 tại Trường MN Nguyễn Thái Bình, cô Hương nhiều lần nói tại mình tham tiền nên đã rơi vào hoàn cảnh như hiện nay. Cô Hương kể: trước khi lên làm hiệu phó (hai năm nay), cô từng có nhiều năm làm chung một lớp với cô Th., xem cô Th. như chị em, nên khi nghe cô Th. giới thiệu người cho vay cô tin tưởng. Thông thường, cô cho vay theo quy trình như sau: cô Th. gọi điện thông báo có người muốn vay - cô hỏi lại “thấy được không?” - cô Th. nói “được”. Sau đó, người vay sẽ gọi điện nói chuyện với cô - cô yêu cầu viết giấy vay với tên, tuổi, nơi cư ngụ, có mượn của cô bao nhiêu tiền, ký tên. Giấy này được cô Th. chuyển cho cô và cô đưa tiền cho cô Th. cầm về giao người mượn.

Khi số tiền cho vay đã lên đến vài trăm triệu, cô Hương đã định ngưng không cho vay nữa, nhưng cô Th. lại thông tin: người vay chấp nhận vay 7%. Ham lãi, cô Hương tiếp tục “bơm” tiền cho vay. Trong tổng số tiền cho vay có cả tiền cô huy động của người thân và 200 triệu đồng mượn của một phụ huynh. “Đến khi đổ bể, tôi chẳng biết bấu víu vào ai ngoài Th., nên đã yêu cầu chị ấy viết xác nhận và chỉ chỗ ở của những người vay tiền để tôi đi đòi, nhưng đến giờ Th. vẫn không làm. Tôi nghĩ, nếu Th. không chỉ được những người kia ở đâu thì chính Th. là người lấy số tiền của tôi. Có thể Th. đã lấy số tiền của tôi đem cho người ta vay với lãi suất cao hơn và bây giờ bị họ giựt. Tôi đã gửi hồ sơ vụ việc lên Phòng PC 46 Công an thành phố” - cô Hương nói.

Về trường hợp của cô Lê Thị Bích T., cô Hương xác nhận cô T. mượn bốn lần với tổng số tiền là 60 triệu đồng. Trước khi cô T. nghỉ việc năm-sáu tháng, thấy không có khả năng trả nợ nên tôi yêu cầu cô T. viết xác nhận và lăn tay. Nhưng cho đến khi nghỉ việc, việc đó vẫn chưa được thực hiện.

Thật là trái khoáy khi hiệu phó một trường MN lại kiêm nghề cho vay nặng lãi. Nhưng, cô Hương nói, cô chẳng làm gì sai luật, chỉ cảm thấy mình đã không trung thực khi vi phạm vào những điều đảng viên không được làm mỗi khi kiểm điểm đảng viên.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, cô Ngô Mỹ Dung - Hiệu trưởng trường cho biết, nhà trường chỉ biết loáng thoáng chứ cụ thể thế nào thì không nắm được. Khi được hỏi: cô Hương là hiệu phó, là đảng viên, từng là chủ tịch công đoàn trường nhiều năm, nhưng lại cho vay nặng lãi, tổ chức Đảng của trường đã có ý kiến gì? Bà Dung nói: cũng có phê bình, góp ý, nhưng chỉ tác động về mặt đạo đức.

(Theo Phunuonline)