- Cần tăng mức hình phạt đối với các hành vi lừa đảo, “chặt chém” khách và vận dụng để xử lý các hình vi này ở mức cao nhất - ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) kiến nghị.

Trao đổi với báo giới sáng 30/5, ông Nguyễn Văn Tuấn thừa nhận, tình trạng đeo bám, ép khách là vấn đề không mới, nhưng gần đây có xu hướng rộ lên ở một số trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sầm Sơn (Thanh Hóa), Quảng Ninh... và tập trung nhiều ở những lĩnh vực mà ngành du lịch không trực tiếp quản lý, ví dụ như taxi, xích lô, nhà hàng, cá biệt xảy ra ở một số khách sạn.

“Việc này ảnh hưởng nhất định đến hình ảnh và khả năng cạnh tranh của ngành du lịch. Trong khi chúng ta nỗ lực quảng bá ở nước ngoài, thì một việc rất quan trọng là xúc tiến du lịch tại chỗ, tức chúng ta phải tạo ra một môi trường du lịch văn minh, lành mạnh để tạo cảm hứng, ấn tượng tốt với khách. Đây là một nhiệm vụ mà riêng ngành du lịch không thể làm được”, ông Tuấn nói.

{keywords}
Đeo bám du khách là hình ảnh thường thấy tại nhiều điểm du lịch ở Việt Nam.

Theo ông Tuấn, ở đây có vai trò lớn của chính quyền các cấp trong việc đưa ra các giải pháp quyết liệt, đủ mạnh để chấn chỉnh tình trạng này. Hiện một số điểm du lịch đã làm rất tốt như Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam).

Đặc biệt, Sầm Sơn - một địa điểm có nhiều tai tiếng về nạn “chặt chém”, gần đây cũng mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm. Cụ thể như ngày 19/5, UBND thị xã Sầm Sơn đã ra quyết định xử phạt chủ kios số 7, cụm số 3 ở phường Trường Sơn làm chủ, số tiền 20 triệu đồng vì thu tiền phí trông xe máy cao hơn quy định. Ngoài ra, chủ kios phải hoàn trả số tiền thu phí cao hơn quy định cho khách hàng.

Gần đây VietNamNet liên tục có các bài viết phản ánh về tình trạng lừa đảo, chặt chém khách du lịch. Hầu hết du khách đều cho rằng vấn đề nằm ở cách hành xử của lãnh đạo các địa phương, nếu quyết tâm hoàn toàn có thể ngăn chặn được.

Về khía cạnh quản lý du lịch, ông Tuấn cho hay Bộ VH-TT&DL đã chuẩn bị một đề án và đầu tháng 6 sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để bàn các biện pháp và kiến nghị với các địa phương giải quyết tình trạng trên. “Chúng ta phải đối mặt và phải giải quyết tình trạng đó. Và để làm được đòi hỏi sự vào cuộc của cả xã hội, các cấp các ngành, trực tiếp là chính quyền các cấp”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng,các chế tài hiện nay chưa đủ mạnh, cần tăng mức hình phạt lên và vận dụng để xử lý các hình vi này ở mức cao nhất.

Ngọc Hà - D.Tuấn