- “Thủ phạm” khiến việc xúc tiến du lịch ở Việt Nam chưa hiệu quả, đầu tiên phải kể đến tiền. Vì lẽ đó, ngành du lịch đang xin Chính phủ hỗ trợ, nhưng vấn đề đặt ra là lâu nay đồng tiền đó đã được chi tiêu hiệu quả chưa?
Bế tắc về tiền
Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, giai đoạn từ năm 2000 đến 2012, Ngân sách quốc gia đã chi tổng cộng khoảng 410 tỷ đồng cho công tác xúc tiến du lịch, chưa kể việc miễn thị thực, quảng bá trên các kênh truyền hình lớn, chương trình Ấn tượng Việt Nam - kích cầu du lịch nội địa... Như vậy, mỗi năm, Việt Nam chi trung bình khoảng 1,5 triệu USD cho hoạt động này - con số quá nhỏ so với Thái Lan hay Malaysia (hơn 100 triệu USD).
“1,5 triệu USD cho đất nước thu hút được 6 triệu khách du lịch quốc tế thì không xứng, mà làm không đúng tầm, không đúng tiêu chuẩn sẽ phản tác dụng”, ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, nhận xét.
Chưa kể, số tiền ấy lại không thu về một mối mà chia năm xẻ bẩy cho Tổng cục Du lịch và Vụ Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT&DL), khiến tiền đã ít lại chi tiêu chồng chéo. Có những hai đầu mối tham gia xúc tiến quảng bá du lịch - sự bất cập về cơ chế này đã được nhiều lần được đề cập tới, song chưa biết bao giờ mới chấm dứt.
Gian hàng hoành tráng của du lịch Malaysia tại Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2013 (ảnh H.Y) |
Chính vì thế, một số hạn chế lâu nay trong công tác xúc tiến du lịch, theo ông Kế, là xuất phát từ việc “Tổng cục Du lịch chưa được trao đầy đủ quyền hạn, mà thực tiễn nhất, cần thiết nhất, quan trọng nhất là tiền, không có lối thoát về tiền. Ở đây là nói đến xúc tiến quảng bá du lịch quốc gia chứ không phải là địa phương hay DN, mà quốc gia thì phải là tiền của quốc gia, cũng không thể xã hội hóa trong khi đây là ngành làm ra tiền”.
Do đó mà mới đây, lãnh đạo ngành du lịch đề xuất cứ mỗi một khách quốc tế vào Việt Nam, ngân sách bớt ra 1 USD đề đầu tư ngược trở lại.
“Từ 1/2013, lệ phía visa đã tăng từ 25lên 45 USD, do vậy mỗi năm ngân sách cũng tăng thu lên khoảng 70-80 triệu USD/năm. Chúng tôi đề xuất một cơ chế giản dị là cứ mỗi khách du lịch đến Việt Nam xin đầu tư lại cho ngành 1 USD để xúc tiến quảng bá. Con số nhỏ bé thôi nhưng nếu được giải quyết sẽ mang lại hiệu ứng rất tốt. Chúng tôi sẽ có phương tiện, công cụ để tổ chức và hoạt động quảng bá theo hướng tập trung, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn” - ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, mong muốn.
Theo ông Lưu Đức Kế, tại sao khi thu tiền visa của khách quốc tế vào Việt Nam thì được trích lại cho cơ quan ngoại giao mà không trích cho ngành du lịch để dùng tiền đó mời tiếp khách vào?
Ông Kế lý giải: “Ở đây là ngân sách phụ thuộc khách du lịch chứ không phải Nhà nước bỏ ra, trích như thế là hợp lý nhất. Nghèo thì ít nhất mỗi khách 1 USD, nhưng nếu bình thường ra 45 USD có thể chi ngay 5 USD cho du lịch và 6 triệu khách (trừ thị trường miễn visa đi) thì cũng có 20-30 triệu USD/năm để làm xúc tiến - con số này tuy vẫn thua xa Thái Lan, Malaysia (bằng 1/5) nhưng dẫu sao còn có cái để cạnh tranh, chứ hiện Việt Nam đang thua họ ở tất cả các mảng”.
Ngành du lịch đang kiến nghị mỗi khách quốc tế vào Việt Nam dành ra 1 USD cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch (ảnh H.Y) |
Vẫn thụ động
Nhưng việc “thua” đó, không chỉ là do ít tiền. Thực tế thì lâu nay, công tác quảng bá du lịch của Việt Nam chưa hiệu quả vì nhiều lý do khác. Hơn 10 năm qua, hoạt động này gần như “dậm chân tại chỗ”.
Một doanh nghiệp lữ hành thừa nhận, ngay trong bản báo cáo về Nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá xúc tiến, do Tổng cục Du lịch chắp bút và đọc tại hội nghị chuyên đề về lĩnh vực này ngày 30/5, cũng không có gì mới.
“Báo cáo của Tổng cục Du lịch đã đề cập hết những khía cạnh đã làm được, không làm được, những thuận lợi, khó khăn bất cập nhưng giải pháp nghe chừng vẫn còn mang tính thụ động, đề xuất”, ông nói.
Các giải pháp này đã được nhắc tới nhiều lần trong các chương trình xúc tiến du lịch hàng năm, nhưng chưa có gì đột phá, ngoài việc đề xuất thêm mục ứng dụng e-marketing trong quảng bá (cũng là chậm so với các nước) và ra một webstie chuyên về xúc tiến du lịch. Chưa kể, đó còn là những hạn chế cố hữu về ấn phẩm du lịch nghèo nàn, gian hàng đơn điệu, tẻ nhạt, thậm chí còn sai sót nghiêm trọng như treo nhầm ảnh danh thắng nước khác tại gian hàng của Việt Nam khi dự hội chợ ITB 2013 tại Đức mới đây. Việc lựa chọn cách thức, nội dung quảng bá, xác định thị trường mục tiêu,... lâu nay dư luận cũng ồn ào chê trách.
Trao đổi với VietNamNet, ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM, đánh giá: “Xúc tiến du lịch không phải chỉ là tham dự hội chợ, tổ chức sự kiện ở nước ngoài. Quan trọng hơn, cơ quan quản lý TƯ cần có chiến lược định hướng thị trường gắn liền với chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp. Trên cơ sở này xây dựng chương trình xúc tiến thương hiệu du lịch quốc gia, rồi ban hành kế hoạch hành động của mỗi năm theo chủ đề, hình ảnh, sản phẩm... , đối với từng thị trường cụ thể”.
Ví dụ, Việt Nam muốn phát triển du lịch biển đảo thì phải xác định sản phẩm gì, tại những địa phương nào? Từ đó mới tính tới liên kết giữa TƯ với địa phương, phân công tránh nhiệm các bên... Tất cả đều cần có lộ trình bài bản.
Ông Khánh cho hay, để triển khai kế hoạch xúc tiến tại 8 thị trường trọng điểm, do Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) xây dựng, chúng ta cần phải chuẩn bị sản phẩm, nhân lực, nguồn lực tài chính thế nào để đón và phục vụ tám thị trường khách này.
“Tổng cục Du lịch luôn kêu ca ngân sách TƯ cấp cho xúc tiến du lịch quốc gia quá ít ỏi, nhưng ngành nào cũng đang khó khăn cả. Nếu Tổng cục gây dựng được lòng tin, lắng nghe ý kiến một số địa phương trọng điểm du lịch và doanh nghiệp mạnh, phân công rõ trách nhiệm và mức đóng góp giữa các bên... , chúng tôi chắc chắn sẽ cùng tham gia với ngành trong việc xúc tiến ra nước ngoài”, ông Khánh khẳng định.
Ngọc Hà - Trịnh Minh