Chính sách tiền tệ Việt Nam thường theo đuổi rất nhiều mục tiêu có khi mâu thuẫn nhau và điều đó có thể mang mại những kết quả không mong muốn.

Đơn giản hóa mục tiêu CSTT

Theo dõi quá trình thực hiện chính sách tiền tệ thời gian qua, các chuyên gia đến từ Quỹ Tiền tệ quốc tế cho rằng, trong nhiều năm qua, CSTT của Việt Nam theo đuổi nhiều mục tiêu, kể cả thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát. Các mục tiêu này thường mâu thuẫn với nhau và mang lại những kết quả không mong muốn.

Ví dụ, CSTT thích ứng một cách linh hoạt thông qua mở rộng tín dụng nhanh chóng có thể giúp kích thích nền kinh tế nhưng cũng mang lại chi phí là lạm phát gia tăng lớn hơn.

Theo các chuyên gia IMF cho rằng, mục tiêu gần đây của NHNN là kiểm soát lạm phát và đây là mục tiêu đúng đắn. Mục tiêu CSTT cần được đơn giản hóa, tập trung chủ yếu vào duy trì lạm phát thấp và ổn định nhằm mang lại lợi ích cao nhất.

{keywords}

CSTT thành công sẽ tạo ra một môi trường có khả năng dự báo tốt hơn trong đó các doanh nghiệp và hộ gia đình Việt nam sẽ dễ dàng hơn trong việc lập kế hoạch cho các hoạt động đầu tư, thuê lao động, tiết kiệm và tiêu dùng trong tương lai. Lạm phát thấp cũng sẽ mang lại lợi ích cho người nghèo và người già sống nhờ nguồn thu nhập hạn chế và cố định.

Bên cạnh đó, các chuyên gia IMF cũng khuyến cáo, tỷ giá cần được quản lý phù hợp với nền kinh tế hội nhập quốc tế sâu hơn và phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài.

“NHNN cũng có thể xóa bỏ dần theo từng giai đoạn các biện pháp kiểm soát trực tiếp như trần lãi suất và tín dụng mục tiêu, và sử dụng công cụ lãi suất ngắn hạn để phát đi tín hiệu chính sách đến thị trường”.

Cảnh báo áp lực nới lỏng tiền tệ

Theo các chuyên gia IMF, Chính phủ và NHNN cần tiếp tục duy trì công cuộc ổn định kinh tế vĩ mô, lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng và hoàn thiện khuôn khổ thực thi chính sách tiền tệ.

Trong 2 năm qua, NHNN đã làm được nhiều việc nhằm giải quyết những yếu kém trong nền kinh tế và hệ thống ngân hàng Việt nam. Lạm phát đã giảm đáng kể, hệ thống ngân hàng và thị trường ngoại hối đã ổn định, dự trữ quốc tế đã tăng mạnh.

Tuy nhiên, những vấn đề vẫn còn đó, đòi hỏi Chính phủ và NHNN cần tiếp tục tập trung củng cố và phục hồi hệ thống ngân hàng và tái cơ cấu DNNN để nâng cao hiệu quả hoạt động.

“Hai mục tiêu này có liên quan chặt chẽ với nhau do DNNN đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt nam, và là khách hàng vay lớn của ngân hàng và chịu trách nhiệm về một phần nợ xấu. Đồng thời, NHNN cần tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý và thanh tra giám sát khu vực ngân hàng nhằm kiểm soát nợ xấu phát sinh trong tương lai”, chuyên gia IMF nhấn mạnh.

{keywords}

Các chuyên gia đến từ IMF nhấn mạnh, sau giai đoạn dài tín dụng dễ dãi dẫn đến lạm phát cao, tỷ giá điều chỉnh mạnh và cuối cùng dẫn đến vỡ bong bóng tín dụng và tài sản năm 2011, NHNN đã có những bước tiến quan trọng nhằm giảm lạm phát, ổn định thị trường tài chính, và nỗ lực tránh nguy cơ bùng nổ khủng hoảng ngân hàng. Chênh lệch rộng giữa lãi suất VNĐ và USD đã giúp nâng cao lòng tin vào VNĐ, ổn định tỷ giá và giúp tăng mạnh dự trữ ngoại hối.

Theo các chuyên gia IMF, trong thời gian tới, mục tiêu hàng đầu là phải duy trì những thành tựu này, đương đầu với áp lực phải tiếp tục nới lỏng CSTT. Trong bối cảnh áp lực lạm phát vẫn còn lớn và khả năng cho vay của ngân hàng còn yếu, lợi ích từ việc tiếp tục cắt giảm lãi suất sẽ rất hạn chế trong khi vẫn còn nguy cơ lạm phát cao.

Vì thế, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đang phải đối phó với các thách thức trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó thách thức lớn nhất là tìm cách phục hồi hoạt động kinh tế trước những biến động kinh tế tài chính, và nâng cao tiềm năng tăng trưởng.

Tuy nhiên, đại diện đến từ IMF lưu ý, chính sách cần tiếp tục hướng tới mục tiêu kiềm chế tốt lạm phát, tăng dự trữ quốc tế và duy trì kỷ luật tài khóa thông qua việc dần dần cắt giảm thâm hụt ngân sách. Hơn nữa, cải cách khu vực ngân hàng và DNNN cần được đẩy nhanh nhằm giảm mức độ biến động kinh tế và đưa nền kinh tế Việt nam trở lại con đường tăng trưởng cao hơn, lành mạnh và bền vững.

Ngọc Sơn