Sau thời hạn 5 năm và quá hạn 2 năm, gần nửa số doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) “chây” ì không chiu đi đăng ký lại theo quy định. Khi bị truy nguyên nhân, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư đã phải nhận trách nhiệm.
Tại phiên thảo luận tại Quốc hội về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp liên quan đến việc đăng ký lại của doanh nghiệp FDI, trước thực trạng các DN không chịu đi đăng ký lại, trong khi các đại biểu “bắt lỗi” cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chân tình “nhận trách nhiệm”.
Lỗi do ai?
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), trước khi tiến hành sửa luật, cần làm rõ nguyên nhân doanh nghiệp không đăng ký lại và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này.
“Thực trạng tồn tại 2.916/6.000 DN FDI chiếm 48,86% tổng DN chưa thực hiện thủ tục đăng ký lại, gây nên rất nhiều hệ lụy kèm theo là điều không ai mong muốn và chắc chắn không ai muốn hiện tượng này sẽ lặp lại. Vì vậy, việc tìm ra đúng nguyên nhân của hiện tượng này để khắc phục là hết sức quan trọng”, ông Hải nêu vấn đề.
Tuy nhiên, trong Tờ trình của Chính phủ phần nêu các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng trên chỉ có nêu ba nguyên nhân và được trình bày một cách hết sức chung chung không rõ ràng, chẳng biết lỗi chính tại đâu, tại cơ quan nào, tại cơ chế nào. Đặc biệt ở tờ trình không đề cập gì tới việc liệu có nguyên nhân nào, xuất phát từ phía các cơ quan quản lý nhà nước hay không và trách nhiệm của các cơ quan này đến đâu.
Đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước được giao trách nhiệm thi hành Luật DN, Luật Đầu tư chưa làm tròn trách nhiệm.
“Ở đây có phần trách nhiệm của DN nhưng việc quy trách nhiệm chủ yếu cho DN không thực hiện thủ tục đăng ký lại như nêu trong tờ trình theo tôi chưa thực sự thoả đáng. Hơn nữa thời hạn 5 năm để các doanh nghiệp đăng ký lại đã kết thúc vào ngày 1/7/2011 nhưng đến nay sau gần 2 năm Chính phủ mới trình Quốc hội xem xét lại vấn đề này. Xem xét vấn đề này là quá chậm trễ và làm phát sinh những hệ luỵ pháp lý phức tạp”, ông nói.
Mặt khác, vẫn theo ông Tùng, việc sửa đổi Điều 170 trong chừng mực nào đó sẽ tạo ra một tiền lệ xấu về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, đánh đồng các doanh nghiệp chấp hành nghiêm pháp luật trong việc đăng ký lại với các doanh nghiệp không chấp hành tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp đã đăng ký lại để hoạt động theo Luật doanh nghiệp năm 2005 với các doanh nghiệp không đăng ký lại.
“Vấn đề này nếu không được làm rõ và chấn chỉnh sẽ dẫn đến tình trạng không ít DN cho rằng có thể bất chấp pháp luật, dùng sức ép để thu hút đầu tư về công ăn việc làm của người lao động để bắt nhà nước phải chiều theo ý mình”, ông Tùng lo lắng.
Theo đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai), việc làm rõ nguyên nhân của vấn đề là cần thiết, không phải là để kiểm điểm trách nhiệm, truy cứu trách nhiệm mà “để lần sau chúng ta không lặp lại trường hợp này một lần nữa”.
Rõ ràng vấn đề Chính phủ trình để sửa đổi Điều 170 đặt Quốc hội trước 2 lựa chọn hết sức khó khăn: nếu như chúng ta vì sự tôn nghiêm của pháp luật chúng ta phải lựa chọn gần 3000 DN có vốn đầu tư nước ngoài đến hạn và sẽ phải làm thủ tục giải thể theo đúng như quy định của pháp luật; ngược lại, cần phải chấp nhận sửa đổi lại Điều 170 để thực hiện đúng như chủ trương của chúng ta là thu hút các nguồn vốn đầu tư, nguồn lực của nước ngoài để phát triển nền kinh tế của chúng ta đang trong lúc khó khăn.
Bộ trưởng nhận trách nhiệm cho nhiệm kỳ trước
Đáng chú ý là trong phát biểu tiếp thu ý kiến, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói,Bộ này nhận trách nhiệm về những hệ quả của điều luật này, nhưng cũng khéo léo nói rằng trách nhiệm đã thuộc về “nhiệm kỳ trước”.
Theo ông Vinh, đây là việc “đã bắt đầu từ trước thời điểm mà chúng ta có Quốc hội mới, Chính phủ mới của nhiệm kỳ này”. Tuy nhiên, ông thẳng thắn ràng “dù tại ai, trách nhiệm vẫn là trách nhiệm, vẫn phải nhận. Chính vì nhận nên phải sửa ngay điều này”
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch Đầu tư nói rằng nếu không sửa thì có thể gây hậu quả nghiêm trọng, trong khi thừa nhận rằng “thực chất ở đây quy định chúng ta trước đây cũng có những điều chưa hợp lý, bây giờ chúng ta cần phải sửa đổi lại”.
Ông cũng cho biết là trong số 6000 DN FDI được thành lập theo Luật đầu tư trước đây, thời hạn dự án lúc đó chỉ cho phép doanh nghiệp được đầu tư thời hạn tạm 20 năm, không cho kéo dài hơn. Lúc đó nhiều DN muốn lâu hơn nhưng Nhà nước không cho, còn những DN thành lập sau năm 2006 thì đã thực hiện theo Luật đầu tư mới.
Trước đề xuất của một số đại biểu về việc cần hồi tố trách nhiệm của các DN đã không chịu đăng ký lại theo quy định, ông Vinh nói sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để báo cáo Chính phủ xem xét cân nhắc. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vinh nói ông đồng tình với việc tới đây phải “chế định rõ ràng thời điểm đăng ký, sau khi luật sửa đổi được thông qua sẽ bắt buộc có chế tài đối với DN không đăng ký lại đã hết hạn, DN sắp hết hạn phải đăng ký lại trong thời điểm nào, còn nếu không sẽ phải giải thể, dứt khoát giải thể”.
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện tại, chỉ có 41 doanh nghiệp đã hết hạn, tuy nhiên đến năm 2014 sẽ có thêm khoảng 142 doanh nghiệp và đến hết 31/12/2015 sẽ có thêm 269 doanh nghiệp.
Yến Thanh