Trong giai đoạn nền kinh tế suy thoái hiện nay thì hầu như mọi loại hình kinh doanh dịch vụ đều đã và đang trong tình trạng đìu hiu ế ẩm. Không ít ông chủ, bà chủ bị phá sản vì làm ăn thua lỗ. Nhiều người cứ dài cổ cố gắng để “cầm cự” mong cho cơ hội làm ăn sáng sủa hơn ở một tương lai gần. Với những chủ dịch vụ kinh doanh nhà nghỉ, họ cũng không tránh khỏi sự suy thoái chung của nền kinh tế…

Dài cổ đợi khách

Đã từng có một thời gian dài kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ được xem là “mốt thời thượng” bởi khi đầu tư tiền vào lĩnh vực này thì chủ nhân có thể hái ra tiền một cách nhàn hạ. Không chỉ những người có sẵn nhà đất mới làm ăn phát đạt, mà những người đi thuê mướn nhà để kinh doanh cũng có mức lợi nhuận trừ chi phí là khá cao qua từng tháng, từng năm. Chẳng vậy mà nhà nghỉ mọc lên nhan nhản từ trung tâm nội đô, cho tới các vùng ven thị xã, thị trấn. Dẫu nhà nghỉ có mọc lên như nấm, nhưng do thời nay, tình yêu ngày càng trở nên thông thoáng, và người ta cần chỗ để “tâm sự” nhiều nên các nhà nghỉ vẫn luôn ở tình trạng “cháy” phòng, nhất là những buổi cuối tuần…

Thế nhưng, vài năm trở lại đây, kinh tế suy thoái chung thì các chủ nhà nghỉ luôn phải ở trong tình trạng dài cổ để chờ khách vào. Có những nhà nghỉ xưa kia đêm nào khách cũng thuê kín phòng từ trước 23 giờ, vậy mà hiện nay đợi mãi tới 2-3 giờ sáng, lượng phòng trống vẫn luôn ở mức… 50-60%.

{keywords}

Anh Nguyễn Văn Thành, chủ một nhà nghỉ mang tên Thu Trang ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy than thở: “Gần chục năm nay kinh doanh nhà nghỉ nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy chán nản như thời gian gần 1 năm trở lại đây. Nhà có 14 phòng thì trung bình chỉ lấp kín 1 nửa số phòng là khách qua đêm. Những hôm cuối tuần xưa kia thường cháy phòng thì dịp này nhà tôi chả bao giờ kín. Khách nghỉ lượt ban ngày theo giờ cũng vắng như chùa Bà Đanh, khi có khi cả ngày từ sáng tới tối mịt chỉ được lác đác dăm bảy khách…”.

Cùng chung cảnh ngộ như nhà nghỉ Thu Trang, sát đó chủ nhà nghỉ Anh Thơ tên Lê Văn Tâm, một người quê Hải Dương lên Hà Nội thuê nhà để kinh doanh, cũng than ngắn thở dài vì không có khách mấy. Anh Tâm kể: “Nhìn sổ sách ghi chép lượng khách vào thuê phòng mà buồn đến não lòng. Số lượt phòng thuê ban ngày có hôm chỉ được độ 5 - 7 phòng. Khách nghỉ đêm nhiều hôm chỉ có độ 3 - 4 phòng, trong khi số lượng phòng ở nhà nghỉ của tôi là hơn chục phòng…”.

Kinh doanh thua lỗ

“Nếu như cách đây vài năm nhà nghỉ của em tối nào khách thuê cũng lấp đầy phòng thì hơn một năm trở lại đây hầu như chẳng mấy khi kín phòng, kể cả những ngày cuối tuần. Nhà đi thuê với mấy chục triệu đồng/tháng, cộng với tiền đầu tư gần 1 tỷ đồng cho việc mua sắm máy lạnh, tivi, tủ lạnh, giường, tủ, chăn, ga, gối, đệm… nên tiền thu được hàng ngày không đủ cho chi tiêu, trả tiền nhà chứ nói gì tới tiền chiết khấu cho khoản tiền cục bỏ ra đầu tư… nghĩ mà nản quá, kiểu này nhà em cũng chỉ cố gắng cầm cự xem thời cuộc thế nào chứ dăm tháng nữa mà vẫn vậy thì phải trả nhà, dỡ biển chuyển hướng kinh doanh khác thôi…”- Đó là lời than vãn của anh Lê Văn Nam, chủ nhà nghỉ Ánh Dương, trên đường Trần Duy Hưng.

Tình trạng kinh doanh thua lỗ của dịch vụ nhà nghỉ ở Hà Nội thực ra đã bắt đầu từ cách đây hơn 2 năm khi mà nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái. Trong lúc số lượng nhà nghỉ thì cứ ngày một nhiều lên, mà lượng khách vào ra thì cũng thưa vắng dần do người dân ít tiền nên nhiều người thực hiện chính sách tiết kiệm, vì vậy mà việc làm ăn của các chủ nhà trọ không được như mong muốn là điều tất yếu.

Tôi biết một anh tên Trần Văn Hà, quê Hải Dương lên Hà Nội kinh doanh nhà nghỉ từ 5 năm nay. Hai vợ chồng anh thuê một căn nhà 5 tầng, với 14 phòng ở khu Mễ Trì Hạ với giá 30 triệu đồng/tháng. Tiền đầu tư cho tất tật các trang thiết bị như giường, đệm, tivi, tủ lạnh… mất khoảng 700 triệu. Đó còn chưa kể gần 200 triệu trả tiền thuê nhà trước trong vòng 6 tháng cho chủ nhà của năm đầu tiên. Hơn 2 năm đầu làm ăn còn xuôi chèo mát mái khi mỗi tháng trừ chi phí đi anh Hà còn để ra được khoảng 30 triệu. Số tiền lợi nhuận qua hơn 2 năm đầu kinh doanh nhà nghỉ anh Hà vẫn chưa thu đủ số tiền gần 1 tỷ đầu tư ban đầu. Hơn 2 năm gần đây, gặp lúc làm ăn khó khăn, mỗi tháng thu không đủ chi do khách vắng vẻ, thậm chí nhiều tháng còn bù lỗ tiền chi trả nhân viên, vì vậy mà vợ anh đang bàn tính với chồng trả nhà để chuyển hướng làm ăn khác.

Chị Lê Thu Hương, 47 tuổi, quê Nam Định từng sốt sắng cùng chồng đi vay 1 tỷ đồng ngân hàng để lên Hà Nội đầu tư thuê nhà kinh doanh nhà nghỉ. Thấy người ta làm ngon ăn, chị Hương cũng nghĩ mình có thể “hốt” bạc dễ dàng, để rồi khi bước vào thương trường đúng lúc kinh tế suy thoái, nhà nghỉ trong cảnh đìu hiu đợi khách nên chỉ cầm cự được có hơn nửa năm vợ chồng chị phải cuốn gói về quê bởi không thể trụ nổi khi tháng nào cũng “lõm” hơn chục triệu đồng. Trong cái buổi trả nhà, dỡ biển hiệu về quê, chị Hương than thở: “Tháng nào cũng lỗ như vậy thì trước sau rồi cũng phải phá sản, chi bằng cứ nghỉ và chuyển hướng sớm còn tốt. Ai đời nhà thuê 47 triệu/tháng mà tháng nào cũng thu không đủ để trả tiền nhà. Lại còn tiền trả cho 2 nhân viên mỗi tháng 6 triệu, tiền nuôi ăn họ nữa, lại cả tiền “làm luật”…”.

Nếu như kinh doanh mà thua lỗ thì chuyện phá sản là điều tất yếu, và trong số những ông bà chủ kinh doanh nhà nghỉ thì ngoài đại đa số ngừng kinh doanh, hoặc chuyển hướng làm ăn sang lĩnh vực khác ra cũng có không ít người vẫn cố “bám trụ” bởi họ vẫn hi vọng vào một tương lai tươi sáng khi thời suy thoái qua đi! Tuy nhiên, để có thể cầm cự đợi đến cái thời hoàng kim mà nhà nghỉ hốt bạc dễ dàng và nhàn hạ thì một là các ông bà chủ phải là những người không phải đi thuê nhà, hoặc là những người đi thuê nhà nhưng “trường vốn” qua tích cóp được từ nhiều năm làm nhà nghỉ rồi…

Cách đây khoảng 2 năm, các nhà nghỉ nhiều như nấm ở khu vực đường Hoàng Quốc Việt, đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), khu vực đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên)… luôn trong tình trạng tấp nập khách vào ra suốt từ sáng tới đêm khuya, thì nay cũng chung cảnh ngộ… dài cổ đợi khách!

(Theo GDTĐ)