Sau khi nhận tiền bồi thường cho 2 tấn bạch tuộc từ công an tỉnh Hải Dương, hơn 100 dân chài ở huyện Cần Giờ đã vui mừng tiếp tục bắt tay vào việc khai thác hải sản.

Bà Nguyễn Thị Phỉ, người đại diện theo ủy quyền cho các ngư dân đã hết sức hồ hởi chia sẻ: “Sau nhiều ngày theo kiện gửi đơn lên nhiều cơ quan chức năng thì đến nay nỗi lòng của bà con dân chài cũng được giải tỏa”.

Trong thời gian lặn lội từ TP.HCM ra ngoài Bắc để làm sáng tỏ vụ việc thì nhiều người dân vẫn không tin rằng mình sẽ thắng kiện. Họ chỉ muốn đi để bày tỏ với công an Hải Dương đó là sản phẩm mà họ đã lặn lội hàng tuần trời trong rừng ngập mặn mới gom lại được. Mất lô hàng có nghĩa là mất trắng, thế nên việc kết quả vụ việc được giải quyết sớm được xem là một điều bất ngờ.”

Ngư dân Nguyễn Văn Đông (thị trấn Cần Thạnh) chia sẻ: “Tôi suốt ngày cắm ghe trong rừng ngập mặn để câu bạch tuộc, nên không thể tường tận các vụ khiếu nại. Ban đầu tôi nghĩ kiện cũng chỉ để giải tỏa bức xúc chứ chưa có hy vọng gì về khoản tiền bồi thường. Thêm vào đó số tiền bị thiệt hại là quá lớn so với những người dân chài nên khiếu nại cũng như một phản ứng tự nhiên vì không còn cách nào khác”.

{keywords}
Bà Phỉ đại diện cho nông dân theo đuổi vụ việc.

Nhiều thông tin cho rằng công an Hải Dương đã “ép giá” lô hàng bạch tuộc trên ở mức thấp hơn để giảm bớt tiền bồi thường. Tuy nhiên, bà Phỉ cho hay: “Đây không phải là việc công an Hải dương kỳ kèo mặc cả giá bạch tuộc. Có thể bên phía công an Hải Dương chưa nắm bắt được chi phí giá cả của một ký bạch tuộc hiện tại. Việc giá bạch tuộc ở mức cao chênh lệch so với nơi khai thác là đã cộng vào các chi phí vận chuyển, đóng gói… Ngư dân phản ứng vì mức giá họ đưa ra không được bên công an hiểu đúng chứ không phải vì công an trả giá số tiền bồi thường. ”

Việc các ngư dân giảm 10% giá trị đơn hàng và không đòi hỏi chi phí đi lại, ngư dân tên Hùng chia sẻ: “Việc công an Hải Dương thừa nhận những sai sót, có thiện chí trong việc bồi thường thiệt hại đã làm cho nhiều người dân phấn khởi. Tuy nhiên cũng nhìn nhận lại vấn đề thì lỗi không hoàn toàn thuộc về một phía, nên việc giảm 10% giá trị lô hàng trong tiền bồi thường cũng là cách nhìn nhận lại những thiếu sót của mình khi bước vào kinh doanh.”

Theo chị Phỉ thì đây là lần thứ hai chị đại diện về mặt pháp lý cho bà con nông dân Cần Giờ khi gặp sự cố trong kinh doanh đây. Sau khi buổi làm việc với công an Hải Dương nhiều ngư dân ở Cần Giờ cho rằng cho rằng qua vụ việc này, người nông dân sẽ vững dạ hơn khi đứng trước những vụ việc khúc mắc về pháp lý. Khi xảy ra rủi ro nghề nghiệp từ các cơ quan chức năng thì việc giải quyết tương tự như công an Hải Dương đã làm phần nào tăng thêm được niềm tin của người dân vào chính quyền.

Nam Phong