Bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh và ngày càng phổ biến trong cộng đồng. Các bác sĩ cho biết, không chỉ những người giàu mà cả người nghèo, đặc biệt là nhóm người “giàu đột xuất” có nguy cơ mắc bệnh rất cao.

TIN BÀI KHÁC


Bệnh nhân tăng chóng mặt

Năm 2010, có 23 đơn vị, tỉnh/thành phố trên cả nước thực hiện điều tra dịch tễ học bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) type 2. Kết quả, trong số 126.538 đối tượng (trong độ tuổi 30-69 tuổi) được điều tra, có đến 4% mắc bệnh ĐTĐ và 9,4% mắc tiền ĐTĐ type 2. Đặc biệt ở khu vực nội thành các thành phố lớn, tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nhiều, lên đến 7%-8%, trong khi hơn 10 năm về trước bệnh rất hiếm gặp ở nước ta.

TS. Lê Phong, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến - BV Nội tiết Trung ương cho biết, bệnh không chỉ gia tăng nhanh ở người trưởng thành mà còn có xu hướng ngày càng trẻ hóa cũng như diễn biến phức tạp hơn.

Thực tế trong thời gian gần đây, BV tiếp nhận ngày càng nhiều bệnh nhân dưới 30 tuổi, thậm chí có những đứa trẻ mới 9 tuổi đã phát hiện mắc bệnh. Bên cạnh đó, có nhiều bệnh nhân dù thể trạng cơ thể rất gầy yếu song cũng mắc ĐTĐ, đặc biệt ở nhóm người “giàu đột xuất”.
Theo TS. Nguyễn Văn Tiến, GĐ BV Nội tiết Trung ương, do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng ở nước ta hiện nay, nhiều làng mạc ngoại ô bỗng chốc đã trở thành các khu đô thị, thị tứ, thị trấn, hay khu công nghiệp… Những thay đổi đó làm cho lối sống, sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày của người dân thay đổi đột ngột.
Khám cho bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng tim mạch
Nhiều người nông dân trước đó ít lâu còn nghèo khó, khẩu phần ăn còn thiếu năng lượng và chủ yếu là chất xơ, ngọt nên tuyến tụy đã quen với việc điều tiết lượng insulin phù hợp cho việc tiêu hóa thành phần dinh dưỡng này.

Nay do có tiền, chế độ ăn thay đổi đột ngột, từ thiếu năng lượng sang thừa năng lượng, thừa protein, thừa lipid, thừa các chất tồn dư bảo quản nhưng lại thiếu chất xơ, thiếu vitamin trầm trọng, cộng thêm với việc tuyến tụy không điều chỉnh lượng insulin kịp phù hợp dẫn đến nguy cơ mắc ĐTĐ type 2 rất cao, gấp nhiều lần người bình thường.

Đây cũng là nét đặc trưng của những quốc gia đang trong giai đoạn “dinh dưỡng chuyển tiếp” như nước ta.

Cũng do chế độ dinh dưỡng và luyện tập không hợp lý hoặc thay đổi đột ngột nên ngày càng có nhiều trẻ em mắc ĐTĐ type 2. Nhất là ở các thành phố, trẻ em thường ít có sân chơi, phải ngồi trong phòng học quá nhiều, bố mẹ lại hay yêu cầu trẻ ăn quá nhiều chất bổ dưỡng… nên tỷ lệ mắc ĐTĐ tăng nhanh chóng.

Bệnh có thể phòng được

Bệnh ĐTĐ, đặc biệt ĐTĐ type 2 tuy không gây nguy hiểm ngay lập tức đến tính mạng người bệnh song nó lại là nguyên nhân hàng đầu gây các biến chứng và tử vong do tim mạch, tăng huyết áp, tổn thương võng mạc mắt gây mù, suy thận…

Nhiều nghiên cứu cho thấy, dù người bệnh có được kiểm soát glucose máu tốt thì sau 5 năm vẫn có biến chứng thận, mắt do quá trình ủ bệnh kéo dài. Cũng chính vì thế, chi phí điều trị bệnh ĐTĐ rất tốn kém vì bao gồm chi phí điều trị nhiều bệnh, nhiều yếu tố. Đấy là chưa kể việc nguy cơ mất sức lao động sớm của bệnh nhân rất cao.

TS. Lê Phong cho biết, tỷ lệ mất sức lao động ở nam giới bị ĐTĐ trên 40 tuổi tăng gấp 3 lần, ở nữ giới trên 50 tuổi tăng gấp 2 lần so với các đối tượng nam nữ cùng độ tuổi không bị ĐTĐ. Hơn nữa, một người bình thường khi được chẩn đoán ĐTĐ thường suy sụp về tinh thần. Họ phải thường xuyên khám bệnh, tự chăm sóc và theo dõi glucose máu, tiêm insulin và tham gia luyện tập thường xuyên để phòng biến chứng. Điều đó cho thấy ĐTĐ không chỉ gây gánh nặng về kinh tế cho người bệnh mà còn gây tác hại xấu về chi phí xã hội của đất nước.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh ĐTĐ, người dân chỉ cần có biện pháp điều chỉnh dinh dưỡng hợp lý, duy trì lối sống lành mạnh, khoa học (không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia…), luyện tập thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe của mình.

Ngay cả những người mắc bệnh nếu được phát hiện sớm và can thiệp tích cực bằng dinh dưỡng, luyện tập cũng sẽ góp phần làm giảm các biến chứng, tai biến, tàn tật và kéo dài tuổi thọ.

Những người có nguy cơ cao mắc ĐTĐ như người có bố mẹ mắc ĐTĐ, người béo phì, người mắc các bệnh mạn tính khác… nên chủ động đi khám bệnh định kỳ thường xuyên để giám sát tình trạng sức khỏe và phát hiện sớm triệu chứng của bệnh.
(Theo An ninh thủ đô)