- Con lợn từ khi nuôi trong chuồng cho tới lúc xuất bán đã bị “đầu độc” không biết bao lần, như vỗ béo bằng thuốc tăng trọng, bị bơm nước lúc sắp giết mổ, rồi bán không hết thịt ôi thì bị tẩy trắng bằng hóa chất...

Vỗ béo bằng thuốc tăng trọng

Thông thường, heo nuôi khoảng 6 tháng mới được 1 tạ. Thế nhưng, với một loại "thần dược" còn được gọi là hoocmon siêu tăng trọng, chỉ cần 3 tháng là có thể xuất chuồng. Lợn lại săn vai, u bắp lực lưỡng. Mỗi ngày, trọng lượng mỗi con heo có thể tăng 1,5 - 2 kg, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho những người nuôi heo bất chính.

Loại thuốc tăng trọng giúp heo lớn nhanh, bung đùi, nở vai, giá từ 500.000-1,2 triệu đồng/kg. Đây là hàng từ Trung Quốc về, chỉ cung cấp cho các mối thân thiết, vì nếu bị lộ thì cơ quan thú y đến kiểm tra xử phạt ngay. Loại thuốc cấm đáp ứng nhu cầu tăng trọng nhanh cho heo được giới chăn nuôi tìm mua nhiều nhất là salbutamol, clenbuterol...

Bơm nước, dùng thuốc an thần để tăng cân

Khi heo chuẩn bị xuất chuồng, các gian thương dùng một mánh khóe là bơm nước, thậm chí là thuốc an thần trực tiếp vào hệ tiêu hóa của heo cho đến khi căng tròn khiến heo không đứng được phải ngã lăn quay ra sàn.

{keywords} 

Mới đây, Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau tiến hành kiểm tra một số cơ sở giết mổ heo trên địa bàn tỉnh và đã phát hiện nhiều cơ sở bơm nước vào heo nhằm tăng trọng lượng của thịt heo sau khi giết mổ nhằm trục lợi.

Thịt ôi mang ra chợ bán tràn lan

Khi chăn nuôi, xuất chuồng đã vậy, tới khi giết mổ xong, những phần thịt tươi ngon may mắn được bán trong các chợ, siêu thị còn những phần thịt ôi bị đẩy ra vỉa hè phục vụ các hàng quán, người có thu nhập thấp.

Tại Hà Nội có rất nhiều khu chợ chuyên bán đồ ôi như chợ Vồ (Quang Trung, Hà Đông), chợ thịt ế Ba La (Hà Đông), Xuân Đỉnh, Đông Ngạc (Từ Liêm)... Các chợ này thường họp vào buổi trưa, tại đây thịt thường đã ngả màu hoặc bốc mùi ôi thiu tại đây được bán với giá thấp hơn một nửa so với trên thị trường.

Nếu giá thịt lợn thường dao động từ 80.000 - 95.000 đồng/kg thì ở đây, người mua có thể dễ dàng tìm thấy loại thịt chỉ có 50.000 đồng/kg, thậm chí nếu kì kèo mặc cả, sẽ được bớt thêm từ 10.000-15.000 đồng/kg.

Thịt xuất huyết, biến chất được tẩy trắng

Tháng 9/2012, kiểm tra cơ sở ở 6N1, ấp 3, xã Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM, cơ quan chức năng phát hiện 500kg thịt heo xuất huyết, biến chất và hôi thối để chế biến. Để “hóa phép” số thịt thối này, cơ sở này sulfur dioxide pha với nước rồi ngâm thịt. 10 phút sau, số thịt tái xanh, bốc mùi đã được tẩy sạch chuyển sang màu đỏ tươi như thịt heo vừa mổ. Sau khi đánh tan mùi hôi, Sau đó, thịt được chế biến hoặc cung cấp cho các quán cơm, cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp với giá chỉ bằng một nửa giá thịt.

{keywords} 

Với “công nghệ” này, hàng loạt cơ sở bất chính sẵn sàng gom thịt bẩn, thịt heo bệnh trong mùa dịch, trữ trong tủ đông để cung cấp cho thị trường khi khan hiếm với giá cao. Được biết, trên thị trường hiện có H2O2 và NaClO là hóa chất rửa công nghiệp rất được các lò thịt thối mua dùng.

Lòng, bì thối làm đặc sản

Tháng 4/2012, điều tra tại cơ sở chế biến của Tuấn “dồi trường” (đường Nguyễn Quý Yên,thuộc khu phố 4, P.An Lạc, Q.Bình Tân) cho thấy, hầu hết nội tạng heo khi chế biến đều được tẩy thối bằng hóa chất. Nếu mùi hôi ít, sẽ được ngâm trong thuốc tẩy hai giờ. Còn mùi hôi quá nặng thì ngâm trong thuốc tẩy hơn năm giờ. Khi đổ thuốc tẩy vào lòng thối, mùi hôi nồng nặc sẽ bốc lên và lòng thối dần chuyển sang màu tươi rói. Nếu lòng heo, dồi trường đã ướp đá thì phải luộc qua trước khi ngâm thuốc tẩy. Sau đó, các sản phẩm này sẽ được đưa vào quán nhậu, hàng bán đồ ăn sẵn.

Tương tự, để tẩy trắng bóng bì, các cơ sở sản xuất thường ngâm bì lợn trong nước ôxy già. Tại một cơ sở sản xuất bóng bì và mỡ lợn tại thôn Bình Lương, xã Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên vào tháng 5/2013 đã phát hiện bì lợn thì được ngâm qua dung dịch để làm trắng, sau đó sấy khô thành bóng bì cung cấp cho các hàng lẩu, các cửa hàng bán đồ khô.

Bì lợn bẩn làm nem chua Thanh Hóa

Lực lượng chức năng đã phát hiện 2,5 tấn bì lợn không đảm bảo an toàn vệ sinh chuẩn bị bán cho các cơ sở làm nem chua trên địa bàn Thanh Hóa. Qua kiểm tra đã phát hiện cơ sở sản xuất nem, giò, chả Anh Vũ do ông Lê Văn Vũ, ở số 07/19, đường Nam Sơn, phường Nam Ngạn (TP.Thanh Hoá) làm chủ có 2 tủ cấp đông chứa khoảng 2,5 tấn bì lợn không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

{keywords} 

Được biết, số hàng trên được ông Vũ nhập từ tỉnh Nam Định về trong khoảng thời gian tháng 12/2012 và được bảo quản trong tủ cấp đông. Bình quân mỗi ngày cơ sở này bán khoảng 50kg bì lợn dạng sợi cho các cơ sở sản xuất nem chua trên địa bàn TP. Thanh Hoá.

Lợn tai xanh làm chả, làm ruốc

Tháng 5/2013, dù cả huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) đã được khoanh là vùng dịch cần được kiểm soát chặt chẽ nhưng tình hình giết mổ, buôn bán thịt lợn vẫn diễn ra bình thường.

Theo một “đồ tể” chuyên giết mổ lợn tại đây, những ngày đầu dịch mới bùng phát, để tránh tình trạng lợn bị thú y giết rồi tiêu hủy với số tiền đền bù ít ỏi, nhiều gia đình đã “bán tống bán tháo” số lợn còn lại để “vớt vát” . To trên nửa tạ thì được lợn thu mua với giá 300.000-500.000 đồng/con. Sau khi thu mua, hầu hết lợn được thương lái đem ra Hà Nội tiêu thụ.

Theo tiết lộ của “đồ tể” này, thịt lợn ở vùng dịch không chỉ để bán ngay tại thời điểm hiện tại mà có bao nhiêu gom mua hết bấy nhiêu để chế biến bán dần.

Tẩm nhựa thông để tai lợn trắng giòn

Ngày 28 và 29-5, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an TPHCM phối hợp với cơ quan chức năng huyện Bình Chánh kiểm tra khu chế biến lòng, tai lợn tại cơ sở Võ Hồng Trân, nằm trong khuôn viên Công ty TNHH Thương mại Chế biến thủy hải sản Hải Yến (E11/318 Quốc lộ 50, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh).

Đầu và tai lợn thu gom về được nhân viên đổ vào lò nhựa thông đang sôi sùng sục. Sau 3 phút, họ lấy vợt vớt ra rồi dùng quạt máy thổi khô để tách lông cho dễ dàng. Tiếp theo, sản phẩm được bỏ vào một bồn nhựa đựng đầy nước đá đặt cạnh nhà vệ sinh. Vài phút sau, chúng được đưa ra khỏi “căn phòng bí mật”. Bên ngoài, một số nhân viên chờ sẵn để làm tiếp công đoạn rửa, ngâm, cho vào túi ni lông rồi đưa vào kho lạnh. Chỉ những nhân viên thân cận mới được chủ cơ sở cho vào làm việc trong khu đun nhựa thông.

Bộ Y tế đã cấm sử dụng nhựa thông vào khâu chế biến thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Theo các nhà nghiên cứu, nhựa thông chứa đến 70% chất colofan, nếu dùng để chế biến thực phẩm sẽ có nguy cơ gây ra nhiều bệnh hiểm nghèo cho người sử dụng.

Nhị Anh (tổng hợp)