- Hơn 20 hộ dân nghèo hàng ngày mòn mỏi ngóng về làng, hi vọng có ngày được trở lại “đất liền” nhưng còn xa xôi lắm! Nơi họ đang ăn ở, sinh sống đâu phải hải đảo mênh mông sóng nước, nó chỉ là một “ốc đảo” nhỏ bé cách làng một con sông.

“Bán không ai mua, cho không ai lấy”

“Ốc đảo” có tên là xóm Tiền Giang, thuộc làng Cự Lộc, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Cửu An - một nhánh của sông Hồng - khi chạy qua địa phận xã Minh Đức đã chia cắt riêng biệt một vùng đất rộng khoảng 40 mẫu, đó chính là “ốc đảo” Tiền Giang bây giờ. Khi ấy, người dân ngày ngày chèo thuyền qua sông, sang xóm để canh tác lúa nước, trồng rau màu. Xóm Tiền Giang trong kí ức mỗi người chỉ là cây cối, ruộng đồng và những ngày phơi nắng, phơi sương làm ra hạt gạo, củ khoai.

Không hiểu vì lý do gì mà sau này, sông Cửu An bị vùi lấp ở cửa sông. Đến khoảng năm 1960, Nhà nước cho khơi thông và mở rộng lòng sông Cửu An, góp phần mở rộng sản xuất và tiêu úng cho vùng Hưng Yên. Vì thế, để thuận tiện cho việc sản xuất nông nghiệp, mở rộng mùa màng mà khoảng chục hộ gia đình từ bên làng đã được xã đưa sang xóm Tiền Giang an cư, lạc nghiệp.

“Ốc đảo” Tiền Giang đúng như tên gọi của nó, bốn bề trùng trùng sông nước. Người dân xóm đảo nằm cách biệt với làng, mọi giao lưu, sinh hoạt đều phụ thuộc vào con thuyền máy được trang bị được dăm năm nay. 

{keywords}

Người lớn, trẻ nhỏ trong xóm đều đi lại nhờ chiếc thuyền máy - phương tiện duy nhất giúp họ vượt sông.

Sau hơn 40 năm sinh sống, từ chục hộ gia đình ban đầu, đến nay xóm Tiền Giang còn được 22 hộ gia đình với hơn 170 nhân khẩu. Giai đoạn cao điểm, xóm có được hơn 30 hộ dân, nhưng nay đã bỏ xóm mà đi.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, trưởng xóm cho biết: “Khoảng chục gia đình đã đem con cái về bên làng hoặc đi làm ăn kinh tế xa tận trong Nam, bỏ lại nhà cửa bên này. Họ đi rồi không hẹn ngày trở lại, mà trở lại làm cái gì. Đất cát bên này bán không ai mua, cho không ai lấy. Xóm này bây giờ chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Thế hệ chúng tôi, cả đời sẽ chết ở đây thôi”.

Tính sơ sơ, xóm đảo có chục nóc nhà bỏ hoang, ngắn thì nửa năm mà nhiều thì cả chục năm. Có nhà đổ mái bằng, kiến thiết to đẹp nhưng rồi cửa khóa im ỉm, bỏ cho cỏ dại, rêu phong. Có mái nhà, gia chủ mới chỉ kịp xây lên, chưa kịp chát rồi cũng bỏ đi... Cảnh tượng ấy khiến xóm đảo đã đìu hiu, tiêu điều càng trở nên hoang vắng. 

{keywords}

Những ngôi nhà cao tầng, kiên cố bị bỏ hoang trên xóm đảo nhiều năm nay

Thắp đèn dầu, dùng nước bẩn

Đìu hiu nhất, buồn thảm nhất với người dân xóm đảo có lẽ là cảnh không có điện để dùng, chưa kể thiếu nước sạch sinh hoạt. Anh Phạm Đình Tốt, một cư dân trong xóm Tiền Giang gọi những đêm không có điện chẳng khác gì cái thời của chị Dậu, tất cả đều chìm trong một màu ảm đạm, lờ mờ!

Xóm Tiền Giang nằm cuối đường dây nên điện áp không ổn định, thiếu điện, điện yếu là chuyện thường ngày ở huyện. Bà con trong xóm cứ 8h sáng là cắm cơm trưa, 3h chiều cắm nồi cơm tối, nếu không kịp thì cơm khê, cơm nát, cơm sống... Thậm chí, chỉ cần 2-3 nhà trong xóm dùng ổn áp “câu” điện về nhà mình là cả xóm tắt ngóm ánh đèn, các thiết bị điện trong nhà như tivi, quạt ở tình trạng im lìm.

Ngồi nói vui, bà con đùa: Ngày xưa giá thử các cụ, các ông di cư lên mạn Hà Nội, hay vào thị trấn Tứ Kỳ để ăn ở, lập nghiệp thì có phải con cháu được nhờ. Cứ nghĩ “cấy ruộng giữa đồng, làm nhà giữa làng” là nhất nên mới rủ nhau sang bên này. Ai ngờ bây giờ con cháu đi không được mà ở cũng chẳng xong, cuộc sống phấp phỏng bội phần. 

{keywords}

Cửa hàng tạp hóa duy nhất trong xóm đảo, lèo tèo mấy thứ hàng

Bị chèn ép chỉ vì là dân xóm đảo

Anh Vũ Đình Thư, chủ cửa hàng tạp hóa bán mấy thứ hàng lèo tèo duy nhất trong xóm đảo kể, người dân xóm đảo buôn gì bán gì cũng bị chèn ép, chung quy lại cũng chỉ tại... con sông!

Bà con trong xóm đến vụ trồng được quả dưa dấu, thúng ớt như dân trong làng, nhưng thương lái bao giờ cũng lợi dụng lý do cách trở mà chèn giá. Dưa hấu được thu mua 8.000 đồng/kg, nhưng người xóm đảo cũng chỉ được trả 6.000 đồng/kg, mà phải chất dưa vào xe bò kéo cả cây số để cân cho thương lái. Những ngày mưa gió, đường lầy lội ngập cả bánh xe, những tấm thân gầy nơi xóm đảo phải cho dưa, để ớt vào thúng mà gánh gồng đi bán!

Cô Thu, một người dân xóm đảo thở than: “Xóm này có trồng được cái gì thì cũng chẳng ai đến mà mua, bán cho người trong xóm cũng chẳng được. Biết là bị chèn ép, bị đối xử phân biệt chỉ vì chúng tôi là dân xóm đảo”. 

{keywords}

Trong xóm đảo, nhiều ngôi nhà nhỏ bé, lụp xụp như thế này. Họ sống phấp phỏng nghĩ về tương lai

Hầu hết, các hộ dân trong xóm Tiền Giang đều mong được trở về làng, được manh đất mới, dù có xây một túp lều nhỏ lấy chỗ ăn ngủ họ cũng cam lòng. Nhưng, nhà đất xóm đảo bán đi không ai mua, cho không ai lấy, về bên làng họ lại chẳng có tiền mua lấy một tấc đất cắm dùi. Họ nghèo! Cái nghèo vây bủa đời người, chẳng ai phất lên được.

Những nỗi đau từ sông nước

Anh Phạm Đình Tốt, 46 tuổi, gắn bó với bến đò 26 năm nay, cho hay: “Trẻ con đi học nhưng người lớn lo ngay ngáy. Có hôm buổi sáng, thuyền còn đi lại dễ dàng, đến chiều bèo vây kín mặt sông, không làm sao đưa các cháu về được. Thế là người trong xóm đảo lại phải nhờ vả bà con, họ hàng bên làng cho các cháu về ăn nghỉ nhờ một hôm, hôm sau đón các cháu về nhà”.

Theo ông trưởng xóm Nguyễn Thanh Tùng, xóm đảo không có nhiều cháu học lên đến cấp 3, hoặc có học cũng bỏ giữa chừng. “Đi lại khó khăn, xóm đảo lại nghèo, các cháu đi học không có động lực, thường bỏ học đi làm sớm. Ngay như thằng con trai út nhà tôi, học lên cấp 3 là nó xin được trọ học gần trường, ngày hai buổi đi đò nó không chịu được”. 

{keywords}

Người xóm đảo chỉ mong có được một cây cầu nối hai bờ.

Xóm đảo nghèo, đi lại cách trở, bao nhiêu tình duyên trai gái cũng vì thế mà cách trở theo. Bà Tho, một cư dân xóm đảo không ngại bộc bạch: “Gái xóm đảo lấy chồng bên làng hoặc nhiều nơi xa thì chẳng sao, nhưng con trai ở đây khó lấy vợ, mà có lấy được cũng bị chê nhiều lắm”.

Là một người mẹ của hai cậu con trai đến tuổi lấy vợ sinh con, bà Tho không giấu được nỗi buồn trên đôi mắt. Bà bảo, người trong “đất liền” thường hay chê dân xóm đảo nghèo, đi lại khó khăn, nhiều người không cho con gái lấy chồng bên này, sợ con gái cả đời tăm tối, khổ cực theo xóm đảo.

Trong xóm đảo, khổ nhất có lẽ là khi có cụ ông, cụ bà qua đời. Tang lễ được tổ chức tại xóm nhưng thi thể các cụ lại được đưa về bên làng an táng. Những người chèo đò như anh Tốt, anh Thư chẳng bao giờ quên được những ngày trong xóm đảo có tang, khi ấy cả xóm như một đại gia đình, cùng nhau lo lắng công việc.

Ngay cả chuyện đưa tang, phúng viếng nhau qua sông, nhiều người chỉ còn biết lắc đầu: “Chúng tôi khổ lắm, đến lúc chết vần khổ. Ai ở đâu thấy, đi viếng đám ma mà người người lũ lượt rồng rắn đợi nhau bên này bờ, bên kia sông, xếp hàng đợi đến lượt thuyền mà đi viếng. Lúc đưa linh cữu lên thuyền thì không dám đông người trên thuyền, sợ thuyền chìm. Một cái đám ma đi đi về về cả trăm lượt, khổ lắm”.

Khi được hỏi về mong ước, người xóm đảo chỉ mong có được 1 cây cầu nối hai bờ, nhưng họ cũng biết đó không thể thành sự thật. Biết rằng tiền tỷ bắc qua con sông rộng cả trăm mét chỉ để phục vụ mấy chục hộ dân sinh sống thì không ngân sách nhà nước nào chịu nổi, trưởng xóm đảo đùa vui: “Giá mà được cây cầu sắt phục vụ chiến tranh của bộ đội, chúng tôi cũng vui lắm!”

Tuy nhiên, về lâu dài, bà con xóm đảo vẫn mong được về làng, có tấc đất dù nhỏ, có khi chỉ dựng túp lều, họ cũng cam lòng. Trưởng xóm nói: “Mong rằng nhà nước chăm lo hơn đến bà con xóm đảo, cho mấy chục hộ dân chúng tôi có chút đất bên làng để làm nhà ở, đời con, đời cháu chúng tôi cũng sẽ bớt khổ bội phần”.

Khổng Chiêm