Cứ vay 1 triệu đồng, công nhân phải trả 200.000 đồng tiền lãi và chủ nợ sẽ giữ thẻ ATM, thậm chí giữ luôn CMND, giấy tờ xe... nếu vay 2 triệu trở lên.
Vì thế, lâu lắm rồi, nhiều công nhân không được hưởng tháng lương trọn vẹn. Cuộc sống của họ đang ngày càng bị thu hẹp và bế tắc.
Con nợ triền miên
Hằng tháng, đến ngày lãnh lương, tất cả công nhân (CN) cùng công ty đều rời khỏi máy may sớm hơn để chạy ra rút tiền, còn Vũ Thị H. (quê Thanh Hóa, CN Công ty EQ, KCN VN-Singapore, Bình Dương) vẫn cặm cụi làm việc. Không phải H. thờ ơ với ngày quan trọng này mà vì thẻ ATM đã bị chủ nợ giữ hơn 3 năm nay. Đến ngày nhận lương, chủ nợ sẽ ra rút tiền, sau đó lấy cả lãi lẫn gốc, còn dư bao nhiêu thì đưa lại cho H. Chị H. nợ của chị Nguyễn Thị Hồng Th. (làm cùng công ty) 2 triệu đồng, với lãi suất 200.000 đồng/triệu. Thu nhập chính của H. được 4 triệu đồng, tiền làm thêm khoảng 1 triệu nữa. Tháng nào cũng vậy, sau khi trả tiền gốc và lãi thì chẳng còn đủ tiền để tiêu nên phải vay trở lại. Tháng sau nối tiếp tháng trước. Cứ như thế, chị H. luôn trong vòng luẩn quẩn trả rồi lại vay, tháng nào cũng phải trả gốc lẫn lãi. Hoàn cảnh của H. rất đáng thương, chị ly dị chồng khi con trai mới được 1 tuổi. Hơn 3 năm rồi nhưng chồng chẳng chu cấp tiền nuôi con. H. ngậm ngùi rằng hết hè này phải gửi con về ngoại để đi học, chứ ở với chị thì cả đời không được đến trường.
Lúc nào cũng tính đến ngày nhận lương sẽ mua cho con cái này, cái kia nhưng lương của em chỉ hơn 3 triệu/tháng mà nợ thì bằng tiền lương nên có tháng không nhìn thấy mặt đồng tiền, phải đi vay người khác mà sống
Chị Nguyễn Thị S., CN một công ty giày da |
Anh Hoàng Văn Kh. (quê Nghệ An), làm công việc bảo trì tại Công ty FSL (KCN VN - Singapore, Bình Dương), cũng là một “nạn nhân” của tình trạng vay nặng lãi. Anh Kh. vay 3 triệu đồng của chị Nguyễn Thị Bảo Y. (Bình Dương) suốt ba năm nay và đang bị giữ thẻ ATM. Kh. đang phải nuôi 2 đứa con gái sinh đôi 3 tuổi và bố mẹ già. Vợ Kh. đã bỏ bố con anh đi lấy chồng nước ngoài khi 2 bé mới được 1 tuổi nên anh phải đưa bố mẹ vào trông con. Tiền lương của Kh. chỉ được 6 triệu đồng/tháng nên đến tháng vừa trả xong cả lãi lẫn gốc hết 3,6 triệu đồng thì cũng phải vay trở lại. Thế nhưng, may mắn là chủ nợ của anh còn có lương tâm, tháng nào tới đưa tiền cho Kh. cũng cho 2 đứa trẻ 200.000 đồng để mua sữa.
Hiện nay, tại các KCN ở Bình Dương, trường hợp như H., Kh. không hiếm. Họ phần lớn đến từ các tỉnh nghèo miền Trung nên ai cũng có những khó khăn riêng. Đặc biệt trong mấy năm trở lại đây, tình hình kinh tế khó khăn, chi tiêu đắt đỏ, lương phụ thuộc vào sản phẩm nhưng không phải công ty nào cũng có nhiều đơn hàng để công nhân tăng ca, kiếm thêm thu nhập. Khi quá túng thiếu, họ đành phải đi vay “nóng” và chấp nhận để chủ nợ giữ thẻ ATM, giấy tờ tùy thân để làm tin. Ngay cả đồng tiền mình phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới có được nhưng đến ngày lãnh lương lại đành ngậm ngùi để cho người khác đi rút rồi “phân chia” lại cho mình. Chị Nguyễn Thị S., làm ở công ty giày da tâm sự: “Lúc nào cũng tính đến ngày nhận lương sẽ mua cho con cái này, cái kia nhưng lương của em chỉ hơn 3 triệu/tháng mà nợ thì bằng tiền lương nên có tháng không nhìn thấy mặt đồng tiền, phải đi vay người khác mà sống”.
Chân dung chủ nợ
Cùng làm CN như nhau nhưng có những người rất dư dả để cho người khác vay. Họ là những người bản xứ, không phải đi thuê nhà hay gửi về phụ bố mẹ nên làm được bao nhiêu thì cho mượn tiền để kiếm lời. Nguyễn Thị H.Th (Công ty EQ), một chủ nợ, ta thán rằng cho CN mượn tiền rủi ro lắm, từng bị “xù”, mất gần cả trăm triệu đồng. Cứ khất lần này đến lần khác rồi bất ngờ người vay bỏ việc, chuyển chỗ ở. Th. bảo bây giờ giữ thẻ ATM là chắc ăn nhất.
Còn chị Dương H.H cũng là chủ nợ của rất nhiều CN. Chị H. làm CN cho một công ty gỗ, lương tuy không nhiều nhưng gia đình thuộc hạng khá giả ở TX.Thuận An (Bình Dương) nên CN hỏi đến là chị đều có tiền cho vay. Điều kiện cũng thật đơn giản, đưa thẻ ATM và cung cấp mật khẩu. Ai mượn trên 5 triệu đồng chị H. giữ CMND và giấy tờ xe. Vì thế, trong túi chị H. có cả một đống thẻ ATM và một quyển sổ ghi chi chít tên, mật khẩu thẻ rút tiền của các con nợ. Ngoài ra, xung quanh KCN còn có nhiều chủ nợ khác. Họ là người bán tạp hóa, bà chủ nhà trọ hay là bà bán thịt heo ngoài chợ... Tất cả đều phổ biến cho nhau thủ tục cho CN vay là phải giữ thẻ ATM.
Công ty cần có quỹ riêng cho công nhân vay Một cán bộ Công đoàn Công ty FSL (KCN VN-Singarpore, Bình Dương), cho biết việc CN vay “nóng”, bị chủ nợ giữ thẻ ATM, giấy tờ tùy thân đã có từ lâu. Thỉnh thoảng đại diện Công đoàn có nhắc nhở, nhưng đây là thỏa thuận của CN nên chẳng can thiệp được. Công đoàn của công ty chỉ có thể hỗ trợ CN khi cưới hỏi, ma chay, sinh con, bệnh nặng... Còn CN có hoàn cảnh khó khăn, phía Công đoàn cũng hỗ trợ, nhưng số tiền chẳng đáng là bao mà việc làm đơn rồi xin xác nhận phức tạp nên ai cũng ngại. Bản thân vị cán bộ Công đoàn này đang kiến nghị công ty có một quỹ riêng để CN vay tiền khi thực sự cần thiết và sẽ trừ vài trăm ngàn vào tiền lương hằng tháng để họ không phải đi vay “nóng” bên ngoài. |