- “Rất có thể khi nhập khoai tây từ ngoài vào, trong quá trình bảo quản và chế biến một số người kinh doanh vẫn tiếp tục dùng các loại thuốc trừ sâu” - ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) dự đoán.

Xung quanh vấn đề khoai tây Trung Quốc đội lốt khoai tây Đà Lạt vừa bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức tối đa cho phép 16 lần, ông Hồng cho biết, một khi đã phát hiện gian dối trong bất cứ công đoạn nào đều phải truy xuất nguồn gốc.

“Nếu phát hiện do doanh nghiệp nhập khẩu lô hàng từ bên ngoài có vi phạm thì sẽ áp dụng quy trình kiểm tra chặt hơn. Điều này có nghĩa, các lô hàng tiếp theo sẽ không được thông quan ngay mà phải chờ kết quả kiểm định, đồng thời phải tăng tần suất lấy mẫu kiểm tra”, ông Hồng nói.

{keywords}

Không loại trừ trường hợp một số người kinh doanh vẫn tiếp tục dùng các loại thuốc trừ sâu để bảo quản.

Theo ông Hồng, việc để lọt các lô hàng chưa an toàn mà đúng nguồn gốc từ bên kia là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là các cửa khẩu. Nếu đã đưa vào nội địa, trong quá trình bảo quản, chế biến mới đưa thuốc vào thì là trách nhiệm của những người kinh doanh. Ông Hồng không loại trừ trường hợp một số người kinh doanh vẫn tiếp tục dùng các loại thuốc trừ sâu để bảo quản.

Riêng việc khoai tây Đà Lạt bị phát hiện có hóa chất độc hại vượt nhiều lần cho phép, ông Hồng cho rằng, với mức cao tới 16 lần thì cơ quan chức năng cần xem xét, nhưng rất có thể do doanh nghiệp trà trộn sau khi khoai đã nhập vào Việt Nam. Bởi, ông Hồng cho rằng chất Chlorpryrifo dùng trên khoai tây chủ yếu để trị một số bệnh trên lá.

Ông Hồng nói thêm, việc tăng cường kiểm soát hàng nông sản nhập khẩu hiện nay đều được kiểm tra thường xuyên, liên tục theo Thông tư 13 của Bộ NN-PTNT và theo thông lệ quốc tế, khi tăng tần suất kiểm tra phải dựa trên cơ sở pháp lý. Nếu tăng ngẫu hứng thì các DN sẽ phản ứng bởi hiện nay Việt Nam đang xuất khẩu nông sản đi các nước nhiều hơn là nhập khẩu.

Bảo Hân