La ó, chửi rủa khi bị chậm,
hủy chuyến. Đến sân bay trễ giờ không check in được thì đánh nhân viên. Vô tư
alô khi máy bay chưa hạ cánh. Đó là hình ảnh dễ thấy của hành khách hàng không.
“Khẩu chiến” nóng rẫy feabook
“Đi hỏi già, về nhà hỏi…feabook”, “fây”nóng rẫy trước những hình ảnh bi thương
của hành khách chậm chuyến, hủy chuyến, những lời than vãn và cả chửi tục.
Những người “hiểu chuyện” vào comment đều “an ủi” khổ chủ rằng thôi thì mùa cao
điểm, ráng chịu. Rằng thì nước ngoài cũng thế, cũng hủy chuyến, chậm chuyến và
hành khách coi điều đó là bình thường. Nhiều khổ chủ đòi bồi thường, lên án hãng
hàng không vận chuyển mình, thậm chí “thề” không thèm đi máy bay hãng đó nữa.
Ngược lại, “fây” của những người làm trong ngành hàng không lại khá cam chịu.
Một tiếp viên có “fây” là DuLam chia sẻ, máy bay chuẩn bị cất cánh, tiếp viên
trưởng nhắc hoài mà trong khoang vẫn còn non nửa hành khách hí hoáy nhắn tin,
thậm chí nói chuyện điện thoại oang oang.
Máy bay vừa hạ cánh, hành khách cả chục người nghe điện thoại rồi đứng bật dậy
mở các khoang hàng lý. Khách ngồi ở khu vực thoát hiểm, có giỏ xách tay yêu cầu
bỏ lên khu vực để hành lý thì nhất quyết không chịu và còn bảo: tôi là khách
hàng quen thuộc nhá, đi máy bay như đi chợ nhá, cô không phải vén váy dạy…
Cảnh nhốn nháo ở sân bay khi có chuyện huỷ và chậm chuyến |
“Fây” của một người làm công tác
phục vụ mặt đất kể, bị khách hàng “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” khi khách đi
trễ, quầy đã đóng mà nhất quyết phải “lên máy bay bằng được”. Khách bảo, nhìn ra
cửa đi, có thấy người nhà anh đang đứng không. Hôm nay anh không lên được máy
bay thì em cũng khỏi về nhà. Chạy được lên cầu thang để vào nhà điều hành của
hãng thì anh khách rượt theo túm áo rồi đấm, đá. Cả tháng sau, phải nhờ bảo vệ
đưa ra tận cửa hoặc mặc áo chống nắng, che mặt, vì sợ bị anh khách đón đường
đánh (anh ấy đã dọa thế khi an ninh hàng không vào làm việc”).
Rồi cả những người xưng là phóng viên cũng lên “fây” than phiền là có hãng không
chịu bảo lãnh cho con anh bay bằng Sổ Hộ khẩu, thay vì Giấy Khai sinh như qui
định, còn rủa cho hãng này “sập tiệm” cho bõ ghét. Có hành khách còn ngây thơ
tới mức mang theo Giấy Khai sinh thay vì Hộ chiếu để cho con mình bay xuất ngoại
và làm ầm cả sân bay quốc tế khi bị từ chối vận chuyển.
Xử lý những tình huống này của hành khách đều có khả năng gây chậm chuyến bay,
ảnh hưởng mấy trăm hành khách và có thể gây chậm dây chuyền cho các chuyến sau.
Không chỉ nhân viên hàng không “mò” lên “phây” than phiền, một cựu lãnh đạo một
hãng hàng không lớn kể trên feabook của mình rằng ông từng bị hành khách gọi
điện chửi tục như cơm bữa…
Hành khách chờ làm thủ tục check in ở sân bay |
Văn hóa đi máy bay, ai sẽ xây
dựng?
Chậm chuyến, hủy chuyến khiến khách hàng bức xúc nhưng các hãng hàng không cũng
chẳng sung sướng gì, uy tín hãng giảm sút, thiệt hại về kinh tế cũng không nhỏ.
Điều đang nói, việc chậm, hủy chuyến là chuyện “thường ngày ở huyện” đối với
ngành hàng không toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.
Thống kê của hàng không Việt Nam 5 tháng đầu năm nay cho thấy có cả ngàn chuyến
hay chậm chuyến, hủy chuyến, phần nhiều là do thời tiết xấu, còn lại là do các
sự cố kỹ thuật. Cả hai trường hợp này, nhà chức trách sẽ không có một ngoại lệ
nào cho phép hãng hàng không liều tình cất cánh, vi phạm “luật bay”. Hành khách
cần thực sự thấu hiểu điều đó và thay vì bức xúc, la ó, thậm chí có những hành
động quá khích trên sân bay thì bình tĩnh chờ đợi hãng giải quyết.
Từ năm 2009, đã có quy định về trách nhiệm và những việc các hãng hàng không
buộc phải thực hiện trong trường hợp chuyến bay bị chậm, hủy.
Những tưởng, có quy định, tình trạng bức xúc của hành khách về các thủ tục bay,
xử lý việc chậm, hủy chuyến sẽ được “vãn hồi trật tự” nhưng sau 5 năm thực hiện,
tình trạng dường như “vẫn y nguyên”.
Có lẽ, đã hơi muộn để bàn việc xây dựng văn minh hàng không, văn hóa đi máy bay,
văn hóa phục vụ hành khách của ngành hàng không nhưng cũng vẫn còn kịp để các
hãng “ngộ” ra tầm quan trọng của việc truyền thông đầy đủ tới khách hàng và hợp
sức cùng nhau làm thay đổi “cục diện” hiện tại. Chỉ khi nào hành khách đi máy
bay và hãng hàng không có sự hiểu biết lẫn nhau, nhất là hành khách hiểu biết và
tuân thủ các quy định của ngành hàng không đã ban hành thì văn hóa đi máy bay
mới được cải thiện…
-
Anh Phương