Lần đầu tiên, VietJetAir - một hãng hàng không giá rẻ Việt Nam, mua cổ phần của một hãng bay “ngoại” và thành lập liên doanh mới để khai thác đường bay Thái Lan, phát triển mạng đường bay quốc tế.

Hãng bay liên doanh mới


Buổi lễ công bố mở đường bay đến Thái và thành lập liên doanh hàng không diễn ra ngày 26/6/2013 tại Bangkok, với sự hiện diện của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Giao thông vận tải Thái Lan. Đối tác của VietJetAir là KanAir, một hãng hàng không trẻ, năng động với rất nhiều tham vọng phát triển. VietJetAir góp 49% vốn và giữ quyền tham gia tới 60% phần vốn góp. Hai bên đang lập đề án để tính toán tổng mức đầu tư tuỳ theo kế hoạch phát triển của liên doanh.

{keywords}
VietJetAir và KanAir kí kết thành lập liên doanh

Theo kế hoạch, Thai VietJetAir - tên của hãng bay liên doanh, sẽ khai thác từ năm 2014, với 2-3 máy bay Airbus hiện đại thuộc thế hệ mới. Mục tiêu của hãng hàng không mới này là khai thác các đường bay trong Thái Lan và ưu tiên phát triển đường bay quốc tế. Sắp tới, trên trang web Vietjetair.com sẽ triển khai bán vé bằng cả 3 thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Thái.

“VietJetAir mong muốn tạo thêm nhiều cơ hội cho người dân Việt Nam và khu vực được bay với giá rẻ đến Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc... và nhiều điểm đến khác trong khu vực một cách dễ dàng. Website tiếng Thái đã chính thức hoạt động. Hệ thống thanh toán qua ngân hàng đã thông suốt bằng bath Thái và các ngoại tệ khác”- ông Desmond Lin, Giám đốc Phát triển kinh doanh VietJetAir, thông báo.

Đại diện đối tác, chủ tịch KanAir Somphong Sooksanguan cũng đánh giá rất cao tính chuyên nghiệp, năng động của VietJetAir. Điều quan trọng là nhiều người trẻ ở Thái Lan đã biết đến và tin tưởng ở hãng hàng không thế hệ mới này.

{keywords}
VietJetAir công bố đường bay Thái Lan

Thách thức mới với hàng không giá rẻ Việt

Từ trước đến nay, các hãng hàng không nội địa luôn là mục tiêu “nhòm ngó” của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Sớm nhất phải kể đến tập đoàn Qantas của Úc rót vốn vào hãng hàng không Pacific Airlines (trước đây, nay là Jetstar Pacific Airlines) và duy trì đến nay, kể cả khi Vietnam Airlines tham gia góp vốn vào JPA với vai trò là một cổ đông lớn. Tiếp đó, tập đoàn hàng không AirAsia cũng muốn mua 30% cổ phần của một hãng hàng không, hay Air Mekong hồi đầu năm 2011 cũng từng đề xuất muốn bán 30% cổ phần cho tập đoàn hàng không SkyWest của Mỹ (khoảng 10 triệu USD). Tuy nhiên, cả hai thương vụ này đều không thành công. Ít vốn, non nớt kinh nghiệm và thị trường chưa hội tụ các yếu tố cần thiết để phát triển là lý do khiến các hãng hàng không non trẻ phải “cầu cứu” nguồn vốn “ngoại”.

Nay thì tình hình đã khác. Không kể việc “anh cả” Vietnam Airlines năm 2009 góp 49% vốn (khoảng 200 triệu USD) để liên doanh thành lập Combodia Angko Air (là DNNN, vốn Nhà nước) thì đến nay, VietJetAir là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam “dũng cảm” đầu tư ra nước ngoài thông qua việc tham gia góp vốn lập hãng bay mới tại một thị trường đầy cơ hội và không ít thử thách.

Đầu tiên phải kể đến lượng khách (cả du lịch, thương mại) đi lại giữa Việt Nam và Thái Lan trong những năm qua tăng rất mạnh. Thống kê từ Hiệp hội du lịch Thái Lan cho thấy, năm tháng đầu năm 2013, có gần 261.000 khách du lịch từ Việt Nam sang nước này, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, từ đầu Thái Lan có khoảng 130.000 khách Thái sang Việt Nam (số liệu của Tổng cục Du lịch), tăng 24%. Hiện mỗi tuần, có đến 104 chuyến bay từ Việt Nam đến Thái Lan.

Cơ hội lớn, cạnh tranh thử thách cũng nhiều, nhất là với các đối thủ cùng phân khúc, nhưng VietJetAir tự tin với đội bay 8 chiếc A320 thế hệ mới, hiện đại, phong cách phục vụ trẻ trung, năng động, đặc biệt là giá vé rẻ ấn tượng. Hãng cho hay đến cuối năm 2013 sẽ nâng tổng số máy bay lên 10 chiếc và khai thác 11 đường bay. Hiện VietJetAir đang bay 400 chuyến mỗi tuần và 7 chuyến khứ hồi từ Hà Nội và TP.HCM đi Bangkok.

Trả lời báo giới, ông Dương Trí Thành, Chủ tịch HĐQT Jetstar Pacific, cũng ghi nhận những nỗ lực của VietJetAir sau 1 năm rưỡi bay đã phát triển đội bay và mạng bay tốt (8 đường bay nội địa, 2 đường bay quốc tế), trong khi Jetstar Pacific hiện chỉ có 5 máy bay A320 sau khi tái cơ cấu và chưa thể bay quốc tế với tiềm lực tài chính hiện nay.

Chính vì có sự tham gia của VietJetAir mà mới đây, lãnh đạo một hãng hàng không lớn trong nước thừa nhận đã phải tăng tỷ lệ vé giá rẻ trong một chuyến lên rất nhiều, hiện chiếm khoảng 15% cơ cấu vé, nhờ đó người tiêu dùng được hưởng lợi.

{keywords}
Phi hành đoàn thân thiện

Ngoài phát triển các đường bay nội địa ở Thái và các đường bay khu vực, hãng bay mới Thai VietJetAir sẽ có nhiều cơ hội trong việc phát triển đường bay nối chuyến, đường bay quốc tế nhờ vị trí trung chuyển của rất nhiều hãng hàng không thể giới như Bangkok. Sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok mùa này lúc nào cũng bận rộn đón hàng trăm chuyến bay trên thế giới đưa du khách đến Thái. Năm nay Thái Lan tham vọng đón 25 triệu du khách quốc tế, gấp 4 lần so với Việt Nam. Đây là lợi thế lớn mà hãng bay mới Thai VietJetAir sẽ tận dụng triệt để.

Tuy còn một số ý kiến lo ngại về vốn đầu tư, kinh nghiệm non trẻ của VietJetAir, khả năng cạnh tranh của hãng, nhất là về giá vé... song, những hạn chế đó các bên đều nắm được và đã tính toán, chuẩn bị kỹ càng trong quá trình lập đề án hợp tác. Hy vọng VietJetAir - với những bước đi vững chắc, sẽ sớm thành công ở thị trường mới.

  • Quang Trí