- Ngân hàng Nhà nước đang muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để hoàn thành kế hoạch tăng 12% trong năm 2013, với lý do đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế từ 5%-5,5%.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, 5 tháng đầu năm 2013, tăng trưởng tín dụng mới đạt 2,98%, như vậy còn một chặng đường dài cho những tháng còn lại.

Tính đến hết năm 2012, tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng ước đạt khoảng 3 triệu tỷ đồng. Với kế hoạch tín dụng tăng 12% trong năm 2013, thì các ngân hàng phải "bơm" ra thị trường 360 nghìn tỷ đồng. Hết 5 tháng đầu năm 2013, tăng tín dụng đạt gần 3% tức là mới "tiêu" được khoảng 90 nghìn tỷ đồng, như vậy còn phải tiếp tục "tiêu" thêm 270 nghìn tỷ đồng nữa. Ngoài ra, Công ty quản lý tài sản (VAMC) ra đời sẽ xử lý từ 50-70 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm nay, cũng đồng nghĩa với việc làm cho dư nợ tín dụng giảm tương đương.

Vì thế, để đảm bảo tăng trưởng tín dụng theo đúng kế hoạch, trong 7 tháng còn lại các ngân hàng phải "bơm" ra thị trường từ 320 nghìn đến 340 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi tháng trên 40 nghìn tỷ đồng - một số tiền không hề nhỏ.

Bơm tiền có dễ?

Đến nay lãi suất cho vay đã hạ đáng kể, giúp các DN có điều kiện tiệp cận vốn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những lĩnh vực trước kia ngân hàng "bơm" vốn mạnh và cũng là nơi hút nhiều vốn ngân hàng nhất là bất động sản, xi măng, thép, điện, khai khoáng, thủy sản... hiện đều bê bết, nhiều DN thua lỗ, đình đốn, ngừng trệ; cùng với đó, ngân hàng từ lâu cũng đã hạn chế cung vốn cho các lĩnh vực này, vì vậy muốn đẩy vốn ra không dễ.

{keywords} 

Vấn đề các chuyên gia kinh tế lo ngại chính là tổng cầu yếu. Tổng cầu yếu khiến cho sản xuất đình đốn, không có đầu ra và nhu cầu về vốn thấp. Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm, sức cầu vẫn yếu ớt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá cả chỉ tăng 4,8%, một mức tăng rất thấp, chưa bằng một nửa so với bình quân nhiều năm trước.

Với các DN - điều họ cần nhất bây giờ chính là đầu ra, nhưng không có. Ông Phạm Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết, các DN thép không có nhiều nhu cầu về vốn do đầu ra không có. Tiêu thụ thép thời gian qua giảm mạnh do thị trường bất động sản đóng băng. Hiện sản xuất thép chưa đạt được 50% tổng công suất, nhiều DN làm ăn cầm chừng, tức là bán được bao nhiêu thì sản xuất bằng đó, còn không thì cho dây chuyền đắp chiếu, nhân công nghỉ việc thì không ai lại đi vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong giai đoạn này.

“Cầm chắc thua lỗ thì vay để làm gì. Chỉ khi nào đầu ra cho các sản phẩm thép được khơi thông tiêu thụ tăng lên, sản xuất phát triển thì nhu cầu về vốn mới cao”, ông Nghi nói.

Các DN xi măng, thủy sản... cũng trong tình trạng tương tự. Tại Cần Thơ, hàng loạt các DN nông thủy sản đang hoạt động cầm chừng, tồn kho lúa gạo, thủy sản đang tăng, vấn đề không phải ở lãi suất mà nằm ở đầu ra của thị trường không có.

Tiến sỹ Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội (TP.HCM) cho rằng, hiện có nhiều DN hoàn toàn có thể vay vốn ở mức 8-9%/năm nhưng lại không có nhu cầu vay, điều này cho thấy, DN đã bị yếu đi rất nhiều, không có khả năng hấp thụ vốn nữa.

Các giải pháp giải cứu (Nghị quyết 02) ban hành đã 5 tháng rồi, nhưng thực thi rất chậm. Chẳng hạn, gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng cho nhà xã hội, ầm ĩ đã lâu nhưng đến nay chưa có khách hàng nào vay được và vẫn đang chờ đợi thêm hướng dẫn, vì vậy việc giải ngân khá chậm và trong 2013 này không hy vọng giải ngân được nhiều.

{keywords} 

Công ty VAMC ra đời, hy vọng xử lý 50-70 nghìn tỷ đồng nợ xấu và tạo thông thoáng cho ngân hàng có thể cho DN vay. Tuy nhiên khi chuyển nợ xấu từ ngân hàng sang VMAC thì tài sản đảm bảo của các khoản nợ này cũng chuyển sang theo, như vậy DN làm gì còn tài sản đảm bảo để có thể tiếp tục vay vốn ngân hàng.

Không những thế, ngân hàng khẳng định không hạ thấp các tiêu chuẩn cho vay. Các khoản vay phải có dự án hiệu quả, có tài sản đảm bảo, có khả năng thu hồi... với các tiêu chuẩn này, đến nay rất ít các DN có đủ điều kiện vay vốn.

Lo ngại chất lượng tín dụng

Việc đẩy tín dụng ra mà thiếu kiểm soát, không đúng chuẩn rất dễ trở thành nợ xấu của tương lai là điều các nhà kinh tế lo ngại. Khi đó, cái giá phải trả rất lớn nếu cố đạt mục tiêu tăng trưởng 12%.

Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng về mặt số học thì không khó, nhưng cùng với đó chất lượng phải đảm bảo và không làm tăng nợ xấu mới là điều khó khăn. Hơn nữa, khi chất lượng tín dụng được coi trọng thì dù các ngân hàng có muốn tăng trưởng, muốn mở rộng hoạt động cũng rất thận trọng, coi trọng về chất lượng. Do đó, nếu đặt vấn đề là còn hơn 6 tháng nữa mà tăng trưởng tín dụng cần đạt được 9%, song song với đó là chất lượng tín dụng được nâng lên sẽ không dễ chút nào.

Tăng trưởng tín dụng không chỉ phụ thuộc vào ý muốn chủ quan từ phía ngân hàng. Ngân hàng muốn tăng trưởng có chất lượng còn phụ thuộc rất lớn vào nền kinh tế và DN. Nếu đang còn nợ xấu thì cho dù có tổ chức nào đứng ra bảo lãnh, cũng chẳng ngân hàng nào dám rót vốn cho DN nếu họ có phương án làm ăn hiệu quả và có triển vọng. Lý do rất đơn giản: nếu có rủi ro sau cho vay thì chính ngân hàng sẽ phải gánh nên buộc họ phải thận trọng.

Các ngân hàng cũng cho hay đến nay, chất lượng tín dụng vẫn chưa được cải thiện, tỷ trọng nợ xấu giảm, nhưng chất lượng tín dụng không tăng. Lãnh đạo nhiều ngân hàng khác cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng hiện nay không quá khó, song do sức khoẻ DN đang xuống cấp trầm trọng, số DN xếp hạng tốt đã giảm mạnh nên tiềm ẩn không ít rủi ro trong tín dụng.

Một số ngân hàng còn nhận định, mặc dù thời gian qua tập trung rót vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, song nợ xấu trong các lĩnh vực này đang bắt đầu có dấu hiệu tăng mạnh. Tồn kho thủy sản, tồn kho lương thực đang tăng cao, không những thế giá tồn kho cao hơn giá thị trường.

Trên thực tế, những tháng cuối năm nhu cầu vốn thường tăng, nhưng quan trọng nhất là sự khôi phục của kinh tế chưa rõ ràng, đẩy vốn ra nhiều có thành hiện thực và có giúp cho tăng trưởng đạt mục tiêu?

Trần Thủy