Lô 5 xe Lexus đời 2013 và hàng chục xe hạng sang khác bị "thân chủ" từ chối nhận với lý do “gửi nhầm”.
Vụ việc 5 chiếc xe Lexus đời 2013 cùng 16 chiếc ô tô hạng sang khác cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) từ cuối năm 2012 và đầu năm 2013 đến nay không ai nhận, trong khi người nhận hàng trên vận đơn là Công ty Phương Nam (quận Tân Bình, TP HCM) lại từ chối với lý do “gửi nhầm” cho thấy những tác động nhất định từ việc kiểm soát chặt chẽ xe nhập khẩu theo diện Việt kiều hồi hương của cơ quan chức năng.
Nhưng không chỉ tại cảng Tiên Sa mới diễn ra cảnh người được gửi hàng từ chối nhận xe đã cập cảng và xin tái xuất cho người gửi vì “gửi nhầm”.
Tại một số cảng biển khác, nhiều xe ô tô hạng sang, nhập khẩu theo diện Việt kiều hồi hương đang được các cơ quan chức năng giám sát và xác minh hồ sơ kỹ càng trước khi đồng ý cho thông quan.
Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, việc cấp phép nhập khẩu xe ô tô theo diện Việt kiều hồi hương vẫn đang diễn ra theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, để các xe dòng sang nhập khẩu không bị biến từ xe mới 100% thành xe cũ, nhằm né tối đa các loại thuế phải đóng cho ngân sách, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã có những biện pháp cụ thể.
Trả lời Cục Hải quan Khánh Hòa về việc cấp phép nhập khẩu ô tô cho Việt kiều hồi hương mới đây, Tổng cục Hải quan đã nói rõ: “Sau khi cấp giấy phép nhập khẩu xe, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa yêu cầu cơ quan kiểm định giám định xác định xe ô tô của Việt kiều hồi hương là xe mới hay xe đã qua sử dụng. Sau đó kiểm tra, đối chiếu thực tế hàng hóa nhập khẩu, kết quả kiểm định với các thông tin trong hồ sơ cấp phép, giải quyết thủ tục nhập khẩu xe theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp xe ô tô thực nhập không phù hợp với hồ sơ cấp phép là xe mới, chưa qua sử dụng thì không giải quyết theo quy định đối với hàng hóa là tài sản di chuyển”.
Giải thích câu chuyện này, các công chức hải quan cho hay, về nguyên tắc, xe nhập khẩu theo diện Việt kiều hồi hương là tài sản đang sử dụng của Việt kiều ở nước ngoài, nay về Việt Nam thì di chuyển theo, nên phải là xe đã qua sử dụng, chứ không thể là xe mới. Đối chiếu với các quy định hiện hành, xe đã qua sử dụng khi nhập khẩu phải đạt các yêu cầu như chạy được 10.000 km và phải trên 6 tháng tới dưới 5 năm kể từ ngày sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, có những xe được nhập khẩu năm 2012, nhưng lại thuộc về đời năm 2013 hoặc có thời gian sản xuất rất sát thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam.
Đầu tháng 6/2013, khi trao đổi với các bộ Tư pháp, Công thương, Công an và Giao thông - Vận tải, Bộ Tài chính đã thừa nhận câu chuyện, có những trường hợp nhập khẩu xe ô tô đã qua sử dụng, nhưng không đáp ứng điều kiện về đối tượng được định cư ở nước ngoài, hay không đảm bảo việc thường trú tại Việt Nam, không đảm bảo về hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu.
Bộ Tài chính đề xuất, sẽ tiến hành thu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với số ô tô đang sử dụng ở nước ngoài đã đưa về Việt Nam, nhưng không đủ điều kiện nhập khẩu theo chế độ tài sản di chuyển nêu trên (tức là cho phép nhập khẩu phi mậu dịch và thu thuế theo quy định) và thực hiện xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp xe ô tô đã về đến cảng Việt Nam trước ngày 30/4/2013.
Đối với những xe Việt kiều hồi hương đã được nhập khẩu, nhưng sau đó bán đi, Bộ Tài chính cũng đề xuất 2 hướng xử lý. Những xe chưa tiến hành đăng ký, nhưng đã được chuyển nhượng, sẽ truy thu các loại thuế theo quy định, thay vì được miễn trừ thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng ban đầu. Với những trường hợp đã đăng ký rồi mới chuyển nhượng, sẽ bổ sung thuế với giao dịch chuyển nhượng này.
Chính các biện pháp tài chính với những xe Việt kiều hồi hương không đúng quy định mà hàng loạt đề nghị “trả lại hàng do gửi nhầm” hoặc “không đủ tiền đóng thuế” đã được chính các Việt kiều được cấp phép nhập khẩu ô tô đưa ra. Thực tế này cũng cho thấy, khi các cơ quan quản lý ra tay, cơ hội làm sai, làm liều để né thuế của giới buôn lậu sẽ không có đất để hoạt động.
(Theo Đầu tư)