- Trên nhiều tuyến phố lớn của Hà Nội, trước đây, để thuê nhà mặt tiền đẹp phải đỏ mắt săn tìm, giờ thì nhiều nơi đóng cửa im ỉm treo biển cho thuê mà vẫn ế khách.

Mất cả trăm triệu vì không ai thuê

Khai trương chưa đầy ba tháng, nhà hàng 5 tầng mặt phố Tây Sơn, Hà Nội đã buộc phải thanh lý, đóng cửa cho thuê do kinh doanh ế ẩm. Anh Nguyễn Minh Tú, chủ nhà hàng cho hay, để mở quán anh đã đầu tư vào đây mấy trăm triệu đồng tiền thiết kế nội thất, bàn ghế, trang thiết bị và cả thuê nhân viên quản lý, phục vụ, chưa kể tiền điện nước và mua thực phẩm hàng ngày.

Số tiền đầu tưlớn là vậy nhưng doanh thu mỗi ngày của nhà hàng không đáng là bao. Không thể kinh doanh cầm chừng được, anh Tú quyết định “giải tán” nhà hàng để tránh nợ nần chồng chất. “Mình mở nhà hàng đúng vào thời điểm khó khăn nên vắng khách, đáng lẽ ra bán bia vỉa hè có khi lại được”, anh Tú tiếc nuối. Ngôi nhà 5 tầng anh đang chào thuê giá 25 triệu đồng/tháng, nếu không có khách anh đành phải bồi thường cho chủ nhà vì phá vỡ hợp đồng.

Cách cửa hàng của anh Tú không xa, nhiều nhà mặt tiền rộng 5-10 mét cũng đang treo biển cho thuê. Theo khảo sát, giá thuê nhà tại khu vực này cũng đã giảm mạnh, dao động từ 20-50 triệu đồng/tháng. Nhiều nhà được gia chủ xây dựng lại khang trang, chào thuê giá mềm và dài hạn nhưng cũng không có khách.

{keywords} 

Chị Thủy, chủ một ngôi nhà trên phố Tôn Đức Thắng chia sẻ, nếu cách đây vài năm chưa hết hợp đồng đã có khách nhăm nhe muốn thuê lại với giá cao hơn, nay thì hầu như không có người hỏi. Khu phố này hầu hết là các cửa hàng cao cấp nên cũng kén chọn người thuê.

Một nhãn hàng thời trang trước đây thuê nhà của chị Thủy. Song, buôn bán ế ẩm, cửa hàng đóng cửa trả lại mặt bằng, tới giờ vẫn chưa có khách mới thuê lại. Chị nhẩm tính, nếu cứ để khóa cửa như vậy, mỗi tháng chị mất đứt vài chục triệu đồng.

Vòng qua một lượt các con số mua bán sầm uất như trên phố Đê La Thành, Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Thái Hà,... nếu vài năm trước buôn bán tấp nập với đủ các dịch vụ thì nay, kinh tế khó khăn, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh đã nhượng hoặc trả lại mặt bằng. Đếm sơ qua, cả con phố trên có hơn chục mặt bằng đang tìm người mướn. Tình trạng tương tự diễn ra trên một số trục đường khác như Cầu Giấy, Tây Sơn...

Tuyến phố Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng một thời sầm uất về kinh doanh các mặt hàng thời trang cao cấp, công nghệ, nay hầu hết các các cửa hàng đã đóng cửa. Đơn cử, chỉ khoảng 300m phố Tây Sơn có tới hơn 10 nhà treo biển cho thuê. Giá thuê cũng rớt thê thảm, chỉ 6-10 triệu đồng/tháng. Cho thuê cả nhà giá khoảng 15-30 triệu đồng/tháng, tùy theo vị trí và diện tích mặt tiền.

Khu vực phố cổ nổi tiếng đắt đỏ với giá cho thuê cao ngất ngưởng, không ít mặt bằng đang giảm giá cho khách thuê. Mặt bằng phố Tràng Tiền rộng 140m2, đang chào thuê giá 250 triệu đồng/tháng, trước đây khó có thể thuê được với mức giá như vậy. Một số mặt bằng cho thuê để mở shop dọc đường Hàng Gai cũng có giá từ 18 - 20 triệu đồng/tháng, thậm chí gần đây có cửa hàng còn tăng lên từ 22 - 25 triệu đồng/tháng.

{keywords} 

Không chỉ cửa hàng mặt phố, các shop trong trung tâm thương mại như Hàng Da Galleria, Parkson Keangnam,... cũng đang đua nhau đóng cửa. Nhiều tiểu thương cho biết, nếu duy trì bán tại chợ sẽ lỗ nên đã ngưng bán tạm thời, thậm chí nghỉ hẳn - rao bán sạp hàng. Không kiếm được khách thuê, chủ thuê quầy liên tục “cắn răng” chịu lỗ.

Quán chè, café... sống tốt

Trong khi kinh doanh hàng hiệu ế ẩm, các loại hình ăn uống giá rẻ vẫn được nhiều người dân ưu chuộng. Chính vì thế, không ít mặt bằng đẹp giữa trung tâm thành phố bỗng chốc biến thành quán chè, café hay trà đá bình dân. Có thể nói giờ đây kinh doanh “quán cóc, trà đá” là bài toán kinh tế nhiều người lựa chọn hơn kinh doanh hàng hóa sang trọng khác.

Trên phố Tây Sơn, không ít người đi đường ngỡ ngàng khi một cửa hàng rộng, cửa kính đã trở thành một quán bán chè, trà đá. Trước đó, ngôi nhà mặt tiền vị trí đẹp này được một công ty tin học thuê với giá hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Anh Nguyễn Anh Tuấn (trú tại đường Thái Hà, Hà Nội), một khách quen của quán cho biết, nhìn quán mở ngay mặt tiền sang trọng, anh cũng ngần ngại không muốn vào nhưng khi biết giá ở đây cũng tương đương vỉa hè anh thường xuyên tới quán cùng bạn bè.

Tương tự như vậy, quán café vỉa hè trên đường Nguyễn Du, trước đây cũng là một cửa hàng thời trang cao cấp thương hiệu Milano. Một thời gian sau nó bỗng được biến thành quán café...

Chẳng biết vô tình hay hữu ý mà chủ quán không gỡ bỏ tấm bảng hiệu ấy đi để bây giờ nhiều khách hàng lại hay gọi nó bằng cái tên rất “tây”: “Café Milano”. Toàn bộ cửa kính đã bị dỡ bỏ, thay thế vào đó là bàn ghế gỗ.

“Khách đã quá quen với cái vỉa hè ở đây, làm quán tử tế có khi lại chẳng ma nào vào”, một nhân viên của quán cho hay.

Với lượng khách ra vào tấp nập, đặc biệt vào buổi tối, kinh doanh mặt hàng giá rẻ có lẽ là thích hợp trong thời buổi này. Không tiết lộ chính xác về giá thuê nhưng một chủ quán cho hay, chắc chắn không dưới 10 triệu đồng/tháng.

Chỉ với giá 3.000 đồng/cốc trà đá, trong một ngày, chủ quán trà đá vỉa hè có thể thu được tiền triệu và tiền lãi từ bán trà đá có thể lên tới vài chục triệu mỗi tháng. Ngoài ra, chủ quán còn bán thêm hướng dương, kẹo lạc, kẹo cao su, các đồ uống khác và có thể thu thêm tiền lãi từ các mặt hàng này.

D.Anh