Từ năm 2005 đến nay, hải quan vẫn là một trong ba lĩnh vực tham nhũng nhiều nhất ở Việt Nam.

Hạ tầng và kết nối giao thông yếu kém, chi phí vận tải quá cao trong khi chất lượng dịch vụ vận tải và logistics (cơ sở hạ tầng để nhận hàng, lưu kho, thủ tục hải quan…) lại thấp. Đáng lưu ý là việc thực hiện các thủ tục thông quan xuất nhập khẩu kéo dài, phải có thêm các khoản phí “bôi trơn”, tình trạng tham nhũng trong hải quan… Đó là những trở ngại làm hạn chế tính cạnh tranh, ảnh hưởng đến tình hình thương mại của Việt Nam thời gian qua.

Nội dung trên được ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nêu ra trong buổi giới thiệu báo cáo “Tạo thuận lợi thương mại, tạo giá trị và năng lực cạnh tranh” vào sáng 4-7 tại Hà Nội.

Nhiều lỗ hổng gây tham nhũng

Nói về thủ tục giao dịch thương mại qua biên giới, ông Đức cho hay thời gian gần đây Việt Nam có những tiến bộ như việc sửa đổi luật hải quan có áp dụng một loạt tiêu chuẩn thông lệ quốc tế, nhiều nơi thực hiện hải quan điện tử. 

{keywords}

Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ thông tin chỉ mới là thí điểm, mô phỏng lại quy trình thủ công. “Cán bộ hải quan vẫn xử lý công việc dựa vào các mẫu biểu giấy, mất nhiều thời gian và nguồn lực. Vì vậy, thủ tục hải quan tại Việt Nam còn chậm, không nhất quán, còn nhiều lỗ hổng gây tham nhũng. Hiện Việt Nam vẫn thua xa các nước trong khu vực về thời gian thông quan và tỉ lệ kiểm tra hàng thực tế” - ông Đức nói.

Khảo sát về tham nhũng năm 2005 và năm 2012 do Thanh tra Nhà nước và Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy hải quan là một trong ba ngành tham nhũng nhất tại Việt Nam (hai ngành còn lại là cảnh sát giao thông và quản lý giao thông/khai khoáng).

Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cho rằng cần phải có các khoản phí bôi trơn, tiền trà nước cho cơ quan hải quan và cảnh sát để cho những phần hàng, nguyên liệu và hàng hóa xuất nhập khẩu di chuyển được trong chuỗi cung ứng ít bị chậm trễ nhất. Chính điều này đã làm thổi phồng giá logistics cho các thủ tục thông quan, khai thuế hải quan, kiểm tra hàng hóa và vận tải đường bộ.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết từ lâu doanh nghiệp đã có ý kiến nhiều về các thủ tục hải quan. Gần đây ngành hải quan cũng đã nỗ lực thực hiện hải quan điện tử.

Thế nhưng “dù có điện tử thì doanh nghiệp vẫn cứ phải gặp gỡ. Vì vậy mà nhiều doanh nghiệp nói rằng container được vận chuyển bằng phong bì chứ không phải bằng xe hay tàu. Bởi nếu không có phong bì thì ngay cả có xe cũng khó chạy được.

Đấy là một tình trạng làm tăng thêm chi phí và thời gian của doanh nghiệp, đã được nói từ rất lâu nhưng đến nay vẫn tồn tại. Báo cáo này một lần nữa nêu lên tình hình tiêu cực này. Tôi nghĩ rằng chính cơ chế tạo ra hành vi của con người. Muốn khắc phục tình trạng này để môi trường thương mại thuận lợi, tăng giá trị và năng lực cạnh tranh, cần phải thay đổi ngay từ cơ chế” - TS Doanh nhấn mạnh.

Thâm hụt thương mại nghiêm trọng

Theo ông Đức, ngoài hạn chế lớn nhất về hệ thống hải quan thiếu hiệu quả và cơ sở hạ tầng chưa phù hợp, quá trình cạnh tranh thương mại của Việt Nam còn đối đầu với tình trạng thâm hụt thương mại nghiêm trọng. Tính đến năm 2000, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn tương đối cân bằng nhưng thời gian sau đó, cán cân này có chiều hướng tiêu cực.

“Đặc biệt là sự thâm hụt đáng kể đối với Trung Quốc và các nước ASEAN. Trong khi đó, xuất khẩu của chúng ta chủ yếu có giá trị thấp, hàm lượng công nghệ thấp và tập trung vào các sản phẩm chủ lực như dệt may, giày dép, thủy sản, gạo… Đáng chú ý là nguồn nhập khẩu lại tập trung chủ yếu vào khu vực châu Á. Hơn 60% nhập khẩu của Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc, Sigapore, Đài Loan…” - ông Đức lo ngại.

Nhóm nghiên cứu và làm báo cáo trên cho rằng muốn tạo thuận lợi thương mại, nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh thì vai trò của Chính phủ trong việc giảm thiểu chi phí xuất khẩu, tăng tối đa giá trị gia tăng là rất quan trọng. Báo cáo cũng đưa ra ba trụ cột mà Chính phủ cần cải thiện trong thời gian tới. Đó là cải thiện hệ thống giao thông và dịch vụ logistics, cải cách thủ tục pháp quy trong giao dịch thương mại qua biên giới và tái cơ cấu chuỗi cung ứng.

Theo Pháp luật Việt Nam