Khoảng 2% số doanh nghiệp niêm yết trên sàn công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm. Tất cả đều báo cáo lãi nhưng rất thấp, đã số vẫn trong tình trạng tái cơ cấu, kiểm soát tình hình tài chính, cắt giảm chi phí và không hào hứng với việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Lãi không dám mừng

Công ty Cổ phần Cao su Hòa Bình (HRC) vừa thông qua kết quả kinh doanh quý II/2013 và 6 tháng đầu năm với kết quả tài chính bán niên vẫn khá khiêm tốn.

Theo ước tính, trong 6 tháng đầu năm, HRC đạt lợi nhuận trước thuế gần 32 tỷ đồng, tương đương 37,3% kế hoạch cả năm. DN cũng vừa đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế trong quý III tới đạt khoảng 17 tỷ đồng, cho thấy khả năng vỡ kế hoạch năm là khá cao.

Giống như HRC, Công ty Cổ phần Cao Su Đồng Phú (DPR) công bố các chỉ tiêu kết quả kinh doanh tháng 6 đầu năm 2013 với không nhiều điểm sáng. Trong đó, lãi gộp đạt gần 172 tỷ đồng, tương đương 33,3% kế hoạch năm.

Thực tế cho thấy, cũng như HRC, lợi nhuận của DPR đã tăng trong quý II nhờ vào sự phục hồi của giá cao su trong vài tuần gần đây nhưng dự kiến lợi nhuận sẽ không có biến động mạnh trong thời gian tới.

{keywords}

Nhiều DN như chứng khoán (CTCK) cũng đưa ra những báo cáo không mấy khả quan. Chứng khoán Công thương CTS có lợi nhuận trước thuế ước đạt gần 46 tỷ đồng (bằng 40% kế hoạch năm); Chứng khoán Âu Việt AVS lợi nhuận đạt 5,8 tỷ đồng (giảm 48% so cùng kỳ.

Với CTS và AVS, việc TTCK tăng trên 16% trong 6 tháng đầu năm đã đóng góp rất nhiều cho kết quả nói trên. Báo cáo của CTS cho thấy, đầu tư chứng khoán là mảng đem lại doanh thu cao nhất (tới hơn 46%) cho đơn vị này. Trong khi đó, AVS lại chứng kiến lợi nhuận quý II có tới 30% đến từ hoàn nhập dự phòng do cổ phiếu tăng giá.

Các DN công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm khác bao gồm: ADC (650 triệu đồng, hoàn thành 11% kế hoạch năm); TNA (26 tỷ đồng, 65% kế hoạch); L44 (1,6 tỷ, 76% kế hoạch năm)…

Có thể nói, kết quả kinh doanh của khoảng 15 DN niêm yết vừa được công bố tính tới 9/7 cho thấy bức tranh kinh tế không đến nỗi nào. Tất cả các DN công bố đều có lãi trong quý II và 6 tháng đầu năm, thậm chí có DN đã hoàn thành tới 70% kế hoạch năm. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần nhỏ được mở ra của một bức tranh lớn. Giới đầu tư chưa biết được bức tranh nói lên điều gì.

Trước đó, thông thường những DN đi đầu trong mỗi mùa báo cáo kết quả kinh doanh đều là những ngôi sao, thường có kết quả tươi sáng hơn rất nhiều so với sự thể hiện của các DN công bố sau đó. Trừ những trường hợp đặc biệt hoặc những trường hợp DN có hệ thống công ty con, công ty liên kết hoặc hệ thống các đơn vị trực thuộc phức tạp, các DN càng chậm trong công bố thông tin càng cho một kết quả không sáng sủa.

Đa số các DN đã rất thận trọng khi đặt kế hoạch cho 2013. Nhiều đơn vị đặt ra mức lợi nhuận giảm 50% so với các năm trước đó, thậm chí lợi nhuận mang tính tượng trưng với lý do kinh tế khó khăn. Việc hoàn thành bao nhiêu % kế hoạch đôi khi không có nhiều giá trị đo lường. Nhiều lĩnh vực gặp nhiều khó khăn như BĐS, xây dựng, vật liệu xây dựng… có thể không cần chờ công bố cũng biết kết quả kinh doanh như thế nào.

Chưa có nhiều hy vọng

Gần đây, lãi suất ngân hàng được phản ánh giảm mạnh, từ mức trên 20% cách đây khoảng một năm, xuống chỉ còn khoảng 12-15%/năm, thậm chí 6% ở gói hỗ trợ BĐS. Tuy nhiên, với nhiều DN, việc tiếp cận với tín dụng giá rẻ không dễ. Không những thế, lãi suất thấp giờ không phải là yếu tố quan trọng giúp họ hồi phục, mà trước hết là bài toán tiêu thụ, đầu ra cho sản phẩm…

Theo khảo sát của VCCI còn cho thấy, các DN cảm nhận tình hình sản xuất, kinh doanh trong 2 quý vừa qua còn xấu hơn nhiều so với 6 tháng cuối năm 2012.

Theo một tính toán gần đây của HSBC, số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh trong tháng 6/2013 và nó đã khiến hàng tồn kho tăng với tốc độ nhanh nhất trong một năm qua.

{keywords}

Trong báo cáo vừa được đưa ra hôm 10/7, HSBC cho biết, chỉ số phát triển kinh tế các thị trường mới nổi (HSBC Emerging Markets Index - EMI) tháng 6/2013 đã giảm xuống mức 50,6 điểm, thể hiện sản lượng ở các thị trường mới nổi toàn cầu chỉ tăng nhẹ, mà nguyên chính là do sự tăng trưởng yếu của các thị trường châu Á. Kết quả chỉ số EMI mới nhất là mức thấp nhất trong vòng bốn năm qua và thể hiện mức tăng sản lượng yếu nhất trong quá trình tăng trưởng hiện tại bắt đầu từ tháng 5/2009.

Hiện tượng tồn kho tăng đã khiến chi phí của DN tăng cao và kết quả là lợi nhuận đơn vị sản phẩm giảm sút mạnh. Đây là nguyên nhân lớn khiến nhiều DN không còn hào hứng sản xuất, kinh doanh. Lợi nhuận của DN giảm là điều tất yếu.

Gần đây, một vài DN có kết quả tăng đột biến trong quý I đã khiến nhiều người thực sự kỳ vọng vào sự hồi phục ấn tượng trong năm 2013. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp này có lợi nhuận tăng không phải do hoạt động sản xuất, kinh doanh trực tiếp mà chủ yếu qua biến động tỷ giá (như PPC), bán tài sản (như VIP)…

Hiện tại, giới đầu tư vẫn đang đặt kỳ vọng vào kết quả của công ty mua bán nợ quốc gia VAMC và tác động tích cực của gói hỗ trợ BĐS 30 nghìn tỷ. Mặc dù vậy, cho tới nay VAMC vẫn chưa chính thức đi vào hoạt động, còn gói hỗ trợ BĐS đang triển khai rất chậm.

Các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, sức cầu của nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện và hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Mức phổ biến được dự báo là khoảng 5,2%, thấp hơn so với kế hoạch 5,5% cho cả năm.

Mạnh Hà