Sau hơn một tháng triển khai, 18 cá nhân đã được xét vay gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ và đang chờ giải ngân. Song, cũng không ít người từ bỏ ý định vay vì thủ tục phiền hà và thiếu đồng nhất giữa ngân hàng và địa phương.
Khó do địa phương?
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, hiện mới có 18 hồ sơ được duyệt vay vốn từ gói tín dụng 30.000 tỷ, chủ yếu tại hai ngân hàng BIDV với 7 hồ sơ và Vietcombank 11 hồ sơ. Ba ngân hàng còn lại là Vietinbank, Agribank và MHB vẫn chưa có khách hàng vay. Đây là số ít cá nhân đã lọt qua được tất cả các vòng xác nhận từ địa phương cho tới ngân hàng.
Tuy nhiên, không ít người chưa được vay đã rút lại ý định tiếp cận gói hỗ trợ này với lý do chưa thể tìm thấy sự thống nhất giữa ngân hàng và địa phương.
Anh Lê Thanh Vũ (quận Tân Phú) bày tỏ: “Hiện tôi đang sống trong nhà của chị gái và có hộ khẩu tại quận Tân Phú. Tôi đến BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn để làm thủ tục vay mua căn hộ đã ký thỏa thuận giữa chủ dự án và chi nhánh này. Khi tôi ra UBND phường đề nghị xác nhận theo Phụ lục 02, phường chỉ xác nhận là căn nhà tôi đang ở không thuộc sở hữu của tôi. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn chưa đồng ý và yêu cầu là xác nhận chưa có nhà ở. Khi quay về phường tôi lại không được đồng ý, với lý do UBND phường không thể quản lý hết sở hữu nhà của cá nhân. Hơn 1 tháng chạy tới chạy lui giữa ngân hàng và UBND phường nay tôi đành bỏ cuộc”.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Tây Sài Gòn, số người liên lạc với ngân hàng hỏi về gói vay ưu đãi này rất nhiều, song khi nộp hồ sơ đa phần đều vướng thủ tục xác nhận ở địa phương. Nhiều nơi chỉ xác nhận ông A đang tạm trú tại nhà ông B, trong khi theo mẫu thì phải có thêm một ý nữa là ông A chưa có nhà ở.
Đây là một trong những trở ngại lớn nhất hiện nay bởi nhiều địa phương chưa thực hiện thủ tục xác nhận hiện trạng nhà ở. Như vậy, rất nhiều người vô tình không đáp ứng được điều kiện tiếp cận khoản vay với lãi suất ưu đãi 6%/năm từ gói 30.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho hay đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng chuyển việc xác nhận hiện trạng nhà ở về cho các ngân hàng thương mại đã được chỉ định cho vay thay vì UBND phường, xã như hiện nay. Việc này sẽ được thực hiện trước khi các ngân hàng thẩm định tài sản thế chấp để làm hồ sơ vay.
Không chỉ vậy, nhiều khách hàng còn phải vất vả tìm kiếm xác nhận về thu nhập thấp để đáp ứng yêu cầu của ngân hàng. Rất nhiều trường hợp mua nhà thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá không quá 15 triệu/m2 vẫn khó đáp ứng được yêu cầu này.
Chị Nguyễn Hải Yến (phường 7, Gò Vấp), kể rằng: “Gia đình tôi tìm được 1 dự án chung cư trên địa bàn quận có diện tích 56 m², giá khoảng 11 triệu đồng/m² nên tôi đã liên hệ 2 chi nhánh của BIDV và Vietinbank để xin vay. Tuy nhiên, cả hai nơi đều từ chối do tôi phải có xác nhận là thu nhập thấp, mà tôi lại kinh doanh tự do không biết xác nhận ở đâu. Trong khi đó, theo luật (Thông tư 07) thì với trường hợp của tôi không cần phải có xác nhận về điều kiện thu nhập thấp mà chỉ cần chứng minh về thu nhập để bảo đảm cho phương án trả nợ. Vô phương với điều kiện của các ngân hàng thôi tôi cũng đành phải rút lui”.
Doanh nghiệp hạ lãi suất chạy đua
Trong lúc nhiều ngân hàng được chỉ định cho vay gói 30.000 tỷ vẫn đang còn rất thận trọng thì các doanh nghiệp địa ốc đã đưa ra mức ưu đãi còn thấp hơn cho dự án của mình. Ở cùng một phân khúc nhà ở với sự hấp dẫn về lãi suất, thủ tục đơn giản thì việc nhiều người từ bỏ tiếp cận gói hỗ trợ 30.000 tỷ để hướng đến ưu đãi của doanh nghiệp cũng là điều dễ hiểu.
Anh Lê Thanh Vũ chia sẻ: “Hầu hết doanh nghiệp có dự án nhà ở thương mại bình dân đều đã liên kết với nhiều ngân hàng để hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp, thậm chí còn 0% cho khách mua nhà. Tôi cũng được nhiều doanh nghiệp giới thiệu, tư vấn. Vì thủ tục đơn giản nên tôi đang nghiên cứu thêm, nếu khả thi thì sẽ lựa chọn phương án mua nhà diện này, thay vì trông chờ vào gói 30.000 tỷ”.
Một yếu tố khá quan trọng để doanh nghiệp có nhà ở thương mại cạnh tranh với gói 30.000 tỷ là lãi suất. Hiện nay lãi suất của nhà ở xã hội là 6%, vì vậy, muốn giành khách hàng về phía mình, nhà ở thương mại phải có mức lãi suất gây sốc, hấp dẫn để xóa bỏ lo lắng về lãi vay và biến động lãi vay mới khiến người mua nhà mạnh dạn quyết định chi tiền. Điều này đã diễn ra ở một số dự án nhà của Nam Long, Thuduc House, Lê Thành...
Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long nhận xét: “Đây như là cách để doanh nghiệp có dự án nhà ở thương mại diện tích nhỏ săn đón khách hàng mong muốn có nhà và rút dần ra khỏi gói 30.000 tỷ. Doanh nghiệp cần phải tận dụng thời gian gói hỗ trợ của chính phủ đang vướng mắc để hút khách”.
Hiện không thiếu những dự án đang có những chương trình ưu đãi vô cùng hấp dẫn về các gói cho vay hỗ trợ mua nhà với lãi suất thấp. Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, người dân cần cân nhắc kỹ lưỡng bởi ở một số dự án, đây chỉ là chiêu marketing của doanh nghiệp và ngân hàng.
Thực chất, thay vì giảm giá nhà, những dự án tuyên bố lãi suất ưu đãi ở mức 0% trong vòng 1-2 năm đầu hay lâu hơn chỉ nhằm đẩy hàng. Việc nâng giá lên trước khi hỗ trợ lãi suất hay thu thêm những khoản phụ phí là rất phổ biến và đã có nhiều cảnh báo. Điển hình là bên bán không công bố rõ điều kiện kèm theo để hưởng ưu đãi - chính là những rắc rối có thể làm số tiền thực tế phải trả tăng lên. Vì vậy, khách hàng nên cẩn thận xem xét từng chi tiết trước khi đi đến quyết định mua nhà.
Nam Phong