Hiện nay trên thị trường đang lưu thông nhiều loại mỹ phẩm gây nguy hại lớn đến sức khỏe người sử dụng.

Với hàng trăm chủng loại mỹ phẩm được bán trên thị trường hiện nay, người tiêu dùng rất khó để lựa chọn được sản phẩm dù cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan đến mỹ phẩm giả và mỹ phẩm kém chất lượng nhưng chưa thể  giải quyết được tận gốc của vấn đề.

Trên cả nước, hàng ngày có rất nhiều trường hợp bệnh nhân phải nhập viện điều trị do dị ứng mỹ phẩm từ mức độ nhẹ đến nặng. Nhẹ thì da bị kích ứng, ngứa và mẩn đỏ, còn nặng thì có thể bị bỏng nặng toàn thân, thậm chí có thể gây ra tình trạng co giật, buồn nôn. Khảo sát tại khoa khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho thấy, cứ 10 bệnh nhân đến khám thì có đến 5 người do dị ứng mỹ phẩm.

{keywords}

Theo Bác sỹ chuyên khoa 2 Nguyễn Lê Hoa, trưởng khoa khám bệnh bệnh viện da liễu Trung ương thì Bệnh nhân có thể bị dị ứng bởi nhiều loại mỹ phẩm như son môi, phấn má, phấn mắt.. nhưng nhiều nhất vẫn là sử dụng các sản phẩm làm trắng da. Đối với người có cơ địa dị ứng thì có thể bị dị ứng với cả loại mỹ phẩm chính hãng. Tuy nhiên con số đó không nhiều mà chủ yếu là bệnh nhân dị ứng do dùng mỹ phẩm kém chất lượng.

Bác sỹ Nguyễn Lê Hoa nói: “Điều trị thì phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân. Sau khi bôi thấy đỏ da, ngứa mà người ta dừng lại thì có thể điều trị một số thuốc để ngưng triệu chứng thì có thế mất ngay nhưng có một số bệnh nhân không đến bác sỹ sớm mà tự điều trị có thể bị nặng hơn”.

Theo thống kê, tính riêng năm 2012, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý  hơn 13.000 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Quý I năm 2013, phát hiện, xử lý hơn 3.000 vụ, trong đó mặt hàng hóa mỹ phẩm chiếm đến 50%.

Tuy nhiên, so với số lượng hàng lưu thông trên thị trường thì số lượng mỹ phẩm kém chất lượng bị thu giữ không thấm vào đâu.

Khảo sát của phóng viên tại nhiều khu vực chợ lớn của Hà Nội như Đồng Xuân, Chợ Hôm, Chợ Nghĩa Tân cho thấy số lượng mỹ phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rất lớn.

Tại một cửa hàng bán mỹ phẩm tại Chợ Nghĩa Tân, chỉ tính riêng dòng mỹ phẩm làm trắng da đã có đến vài chục loại với các mức giá khác nhau, tùy theo lời quảng cáo, chào hàng của người bán và tất nhiên nguồn gốc thì không thể nào kiểm chứng được. 

Một phụ nữ giới thiệu: “Mình có loại trắng da nhanh rẻ lắm chỉ hơn 100.000, nhưng đừng dùng các loại đấy. Chị nên dùng loại CM này của Nhật, nửa tháng đến một tháng mới trắng nhưng an toàn, giá 1 triệu đồng. Còn CM vừa tiền hơn này thì 600.000 đồng, 300.000 đồng cũng có”.

“Có giấy tờ để biết nguồn gốc xuất xứ không?”

“Không chị ạ”.

Như vậy, với chỉ 1 nhãn hiệu thôi, người tiêu dùng đã rất khó lựa chọn được sản phẩm chất lượng để sử dụng. Với vài chục loại mỹ phẩm thì không biết là khó đến mức nào. Chưa kể nhiều dòng sản phẩm mang thương hiệu của các hãng nổi tiếng cũng chưa thể khẳng định là an toàn khi mới đây, Cục Quản lý dược ra quyết định thu hồi 17 sản phẩm mỹ phẩm làm trắng da do công ty Kanebo của Nhật Bản sản xuất vì có chứa chất có thể gây ra những mảng trắng bất thường trên da. 

Bà Nguyễn Quỳnh Chi, Chủ nhiệm câu lạc bộ Phụ nữ tiêu dùng, Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng khi 80% hệ thống phân phối hiện nay là chợ truyền thống, nếu chỉ trông chờ từ việc quản lý thị trường từ nội địa thì chưa thể giải quyết được tận gốc vấn đề, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ từ cơ quan hải quan. Đồng thời việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa phải được kiểm định thường xuyên theo định kỳ thì mới có thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Quỳnh Chi khuyến cáo: “Mặt hàng mỹ phẩm của Nhật còn bị làm giả, như vậy rõ ràng chỉ có cơ quan quản lý, cơ quan chức năng mới kiểm soát được vấn đề chất lượng. Với người mua, đây là sản phẩm trực tiếp bôi lên mặt, lên da, theo tôi không nên ham rẻ, mua ở những cửa hàng không có uy tín”.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đặc biệt, tăng cường kiểm soát từ biên giới, kiểm soát thường xuyên chất lượng hàng mỹ phẩm và có mức xử phạt đủ sức răn đe với những doanh nghiệp vi phạm.

Còn người tiêu dùng phải nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ, bảo đảm an toàn cho bản thân.

Nhu cầu làm đẹp là chính đáng, không chỉ với phụ nữ mà ngay cả với các đấng mầy râu, nhưng đẹp phải đi liền với khỏe, phải biết bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân trước khi lựa chọn sử dụng 1 sản phẩm làm đẹp.

(Theo VOV)