Kết quả lấy mẫu xét nghiệm mới đây do một tạp chí sức khỏe cùng các nhà khoa học thực hiện cho thấy hầu hết các mẫu nước uống giải khát vỉa hè đều có nhiễm các loại vi khuẩn E.coli, B.cereus và các kim loại nặng có thể gây nên những nguy cơ cho sức khỏe con người, đặc biệt là tình trạng nhiễm độc, ngộ độc mãn tính, gây ra các bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo.

Loại nào cũng nhiễm độc

Theo PGS.TS Hồ Bá Do, Phó Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam – Viện phó viện TPCN Việt Nam, tháng 7 vừa qua, qua lấy mẫu độc lập và ngẫu nhiên với một số loại nước uống đường phố thông thường bao gồm: Nước trà xanh, nước trà Bát bảo, nước mía, nước ngô, nước trà nhân trần, nước vối cũng như mẫu nguyên liệu khô tiền pha trà (nhân trần khô) tại các phố Hoàn Câu, Lãn Ông, Đê La Thành, Cát Linh, Nhà Thờ… để xét nghiệm kiểm tra về độ an toàn.

Kết quả cho thấy, có 90% số lượng mẫu nhiễm khuẩn E.coli, 100% số lượng mẫu nhiễm B.cereus, 33% vượt hàm lượng vi khuẩn hiếu khí, 45% mẫu vượt giới hạn nấm men, nấm mốc, 33% phát hiện hàm lượng kim loại nặng. Trong đó, hàm lượng kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadimi trong mẫu nước trà xanh, mẫu nhân trần khô và mẫu nước nhân trần đều vượt xa giới hạn cho phép.

{keywords}

Ông Hồ Bá Do còn cho biết thêm, vi khuẩn E.coli và B.cereus là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm. Còn các loại men nấm mốc, kim loại nặng tìm thấy trong các mẫu nước uống là những chất có thể gây ngộ độc mãn tính, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo.

Trao đổi tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Lâm - Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Nước uống đường phố, bao gồm cả nước đóng chai, không rõ nguồn gốc sản xuất, có thể có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây độc cho cơ thể như: Suy giảm chức năng gan, thận, làm già hóa các tế bào của cơ thể, làm cơ thể mỏi mệt, và nguy cơ dẫn tới bệnh ung thư, đang ngày càng gia tăng”.

Tương tự, GS.TSKH Hoàng Tích Huyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam cũng chia sẻ: “Sản phẩm trên hè phố không được bảo quản đúng cách, ví như phơi nắng trực tiếp dẫn đến biến chất trong sản phẩm, xâm nhập và tích lũy trong cơ thể người rồi gây bệnh”.

“Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh thường thức: ăn chín, uống sôi và bàn tay sạch, trong đó bàn tay sạch là “vấn nạn” ở Việt Nam, mà không chỉ ở vùng nông thôn, ngay cả thành thị, vấn đề này vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mức ở người tiêu dùng”, GS.TSKH Hoàng Tích Huyền nói.

Hà Nội thiên đường giải khát vỉa hè

Mùa hè, khi thời tiết nắng nóng là lúc các dịch vụ nước giải khát vỉa hè vào mùa, quán giải khát mọc khắp ngõ ngách được phố, chỗ nào cũng tấp nập khách. Dạo qua các khu phố, chợ, chân cầu, trước cổng công viên hay bệnh viện có thể dễ dàng nhìn thấy hàng quán giải khát vỉa hè mọc lên ở khắp mọi nơi với đủ các loại nước uống tự pha chế như: trà chanh, trà đá, nhân trần, mía đá, chanh leo, nước dừa… Giá của mỗi món đồ uống này thuộc loại siêu rẻ, chỉ từ 2.000 – 7.000 đồng/cốc/túi khiến người đi đường có thể tạt vào bất cứ chỗ nào uống một, hai cốc nước giải khát mà không phải lo bỏ ra quá nhiều tiền.

Tại khắp các chợ trên địa bàn Hà Nội, nhất là khu vực chợ Xanh - nơi được mệnh danh là thiên đường của đồ uống giá rẻ, dọc hai bên đường lối dẫn vào chợ, chỗ nào cũng thấy có bán nhan nhản các loại đồ uống tự pha chế được đựng trong những túi nilon có cắm sẵn ống hút để tiện cho người mua có thể giải khát ngay khi dạo chợ.

Đến buổi tối tại các tụ điểm như Nhà Thờ, Ngã Tư Sở, Mỹ Đình có đến hàng ngàn quán trà chanh, chà đá mọc lên san sát nhau bày bán tràn lan trên các vỉa hè, thậm chí tràn xuống cả lòng đường để phục phụ nhu cầu giải khát của giới trẻ.

{keywords}

Theo một chủ quán tên Hoa bán chà tranh, mía đá ở khu vực Ngã Tư Sở, ở đây, buổi tối khu vực này có hàng trăm quán giải khát mọc khắp nơi. Riêng quán chị, mỗi buổi tối có thể bán vài trăm cốc mía đá, trà chanh các loại cho các cô cậu sinh viên ra đây giải khát, hóng gió.

Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng giám sát ngộ độc - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, thức ăn, đồ uống đường phố có vai trò tích cực, đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân, tạo ra công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động. Tuy nhiên, nhìn về tổng quan, việc buôn bán tràn lan trên hè phố tạo nên một bức tranh nhếch nhác về đô thị.

“Chưa nước nào lại có tình trạng như ở nước ta, nhà nhà, người người kinh doanh thực phẩm, đồ uống trên đường phố. Thậm chí những cháu bé thiểu năng trí tuệ cũng đi phục vụ cho những quán ăn này. Nhiều tuyến phố đẹp, thế nhưng tình trạng kinh doanh thức ăn, đồ uống lại diễn ra tràn lan. Phố Cát Linh chân gà nướng bốc khói nghi ngút, mù mịp khắp đường phố”, ông Hùng nói.

Theo thông tin từ Cục An toàn Thực Phẩm (Bộ Y tế), tính đến ngày 30/06/2013, toàn quốc ghi nhận có 87 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 1.800 người mắc, hơn 1.600 người đi viên và 18 trường hợp tử vong. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2012, ngộ độc thực phẩm đã giảm cả về số vụ, số người chết và phải đi viện. Cụ thể, số vụ ngộ độc giảm 4 vụ, số người bị ngộ độc giảm 620 người, số người đi viện giảm gần 300 người và tử vong giảm 4 người.

Nguyên nhân của các vụ ngộ độc được xác định bằng xét nghiệm và lâm sàng cho thấy, có 44 vụ ngộ độc là do vi sinh vật, 18 vụ do độc tố tự nhiên, 3 vụ do hóa chất và 22 vụ chưa xác nhận căn nguyên.

Bảo Hân